Phun trào núi lửa ở Indonesia khiến 11 người thiệt mạng

Lam Linh
17:39 - 04/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau vụ phun trào núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra của Indonesia, 11 nhà leo núi đã thiệt mạng và hàng chục người khác mất tích. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nạn nhân mất tích phải tạm dừng vì lo ngại về an toàn.

Phun trào núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra, Indonesia khiến 11 người thiệt mạng. Ảnh: CNN

Phun trào núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra, Indonesia khiến 11 người thiệt mạng. Ảnh: CNN

Ít nhất 23 người thương vong trong vụ phun trào núi lửa Marapi

Vào ngày 3/11, vụ phun trào núi lửa Marapi ở tỉnh Tây Sumatra của Indonesia đã khiến 11 nhà leo núi thiệt mạng và ít nhất 12 người mất tích. Ngọn núi cao 2.891m đã phun tro cao tới 3 km và tạo thành những đám khói khổng lồ lan rộng khắp bầu trời khiến xe hơi, đường sá và toàn bộ ngôi làng gần đó phủ đầy tro bụi.

Theo Abdul Malik - người đứng đầu các đội tìm kiếm và cứu hộ ở Tây Sumatra cho biết, sáng ngày 4/12, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 3 người sống sót cùng với 11 thi thể nhà leo núi. Ngoài ra, 12 người khác vẫn mất tích và hoạt động tìm kiếm cũng tạm thời bị dừng lại vì lo ngại về an toàn.

Quan chức cứu hộ cho biết có tất cả 75 người leo núi vào thời điểm núi lửa phun trào và 49 người được sơ tán khỏi khu vực, những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.

Phun trào núi lửa ở Indonesia khiến 11 người thiệt mạng- Ảnh 2.

Một học sinh đi bộ khi núi lửa Marapi phun tro. Ảnh: CNN

Theo dõi chuyển động của núi lửa Marapi, các nhà chức trách đã cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn từ vụ phun trào, bao gồm dung nham nóng chảy có thể chặn các con đường và các con sống gần đó khi đông nguội thành đá.

Marapi là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra. Lần phun trào nguy hiểm nhất của nó là vào tháng 4 năm 1979, khiến 60 người thiệt mạng, theo Reuters.

Sau vụ phun trào núi lửa mới nhất, cơ quan chức năng đã phát cảnh báo lên mức 3 trên thang 4 cấp độ và thiết lập một khu vực phong tỏa quanh ngọn núi Marapi. Các cộng đồng xung quanh núi lửa Marapi và khách du lịch không được phép tiếp cận trong bán kính 3 km tính từ miệng núi.

Ada Setiawan, một quan chức của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia (BNPB) nói với Reuters rằng, người dân sống gần khu vực núi lửa Marapi đã được phân phát khẩu trang, khuyến khích đeo kính để bảo vệ mắt và nên ở trong nhà.

Nằm trên Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, Indonesia hiện có 127 ngọn núi lửa đang hoạt động và trở thành 1 trong những quốc gia có nhiều núi lửa nhất trên thế giới. Trong đó, Marapi là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của quốc gia Đông Nam Á này.
Nguồn: CNN