Tỉ lệ sinh giảm giáng một "đòn" mạnh vào các trường mầm non Trung Quốc

Lam Linh
08:32 - 18/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều trường mầm non tư thục quy mô vừa và nhỏ tại Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì tỉ lệ tuyển sinh thấp trong bối cảnh tỉ lệ sinh giảm.

Tỉ lệ sinh giảm giáng một "đòn" mạnh vào các trường mầm non Trung Quốc- Ảnh 1.

Nhiều trường mầm non tư thục Trung Quốc phải đóng cửa vì không có học sinh. Ảnh: VCG

Tỷ lệ sinh giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động của các trường mầm non Trung Quốc

Vào ngày 31/8/2023, bố mẹ đưa Keke đi nhập học tại một trường mầm non công lập tại quận Củng Thự, Hàng Châu, Trung Quốc. Cùng ngày, Keke cũng có tên trong danh sách tuyển sinh của một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận. Nhưng cuối cùng gia đình đã quyết định cho Keke học ở trường mầm non công lập.

Mẹ của Keke cho biết: "Thật may mắn khi con tôi được học tại trường mầm non công lập. Bởi học phí ở đây chỉ khoảng 5.000 nhân dân tệ/học kỳ. Còn tại trường tư thục, học phí là khoảng 5.000 nhân dân tệ/tháng".

"Trước đó tôi vẫn đăng ký vào trường mầm non tư thục để đảm bảo Keke được đi học. Vì một người hàng xóm nói với tôi rằng, con của cô ấy đã không được vào trường mẫu mầm non công lập này trong 2 năm liên tiếp", mẹ của Keke nói thêm.

Theo đó, Keke là một trong những đứa trẻ được hưởng lợi từ việc giảm tỷ lệ nhập học mầm non. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này cũng đặt ra thách thức đối với sự tồn tại và phát triển của hệ thống các trường mầm non, đặc biệt là các trường tư thục vừa và nhỏ.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2022, quốc gia này có 289.200 trường mầm non, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ. Số trẻ em đăng ký học mầm non là 46,3 triệu, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2021.

Riêng tại thành phố Hàng Châu, Văn phòng Giáo dục quận Củng Thự cho biết, quận này có 6 trường mầm non tư thục không có học sinh nên dự kiến sẽ đóng cửa sau khi giấy phép hoạt động hết hạn vào tháng 10/2024.

Các chuyên gia đề xuất biện pháp "cứu nguy"

Tỉ lệ sinh giảm giáng một "đòn" mạnh vào các trường mầm non Trung Quốc- Ảnh 3.

Ước tính khoảng 30% đến 50% trường mầm non tại Trung Quốc mở cửa vào đầu thập kỷ này sẽ phải ngừng hoạt động trước năm 2030. Ảnh: SCMP

Hồi tháng 11/2023, Hồ Nam trở thành tỉnh đầu tiên phê duyệt phương án trường mầm non cấp tỉnh với mục tiêu thúc đẩy việc thành lập, chuyển đổi và đóng cửa có tổ chức các trường không có học sinh.

Cụ thể, Hồ Nam đề xuất xây dựng, mở rộng hoặc cải tạo các trường mầm non công lập ở khu vực thành thị có dân cư tập trung, tạm dừng xây trường mới ở khu vực nông thôn. Đồng thời hướng dẫn việc sáp nhập hoặc đóng cửa những trường có chất lượng giáo dục kém, ít học sinh.

Hiệu trưởng Yu Xueping, Trường mầm non số 1 tại tỉnh Giang Tô, cho rằng số lượng trường mầm non và trẻ em nhập học giảm là do tỷ lệ sinh thấp.

Dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy Trung Quốc có 9,56 triệu trẻ sơ sinh vào 2022, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dân số cả nước giảm 850.000 người, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên trong thế kỷ này do ảnh hưởng tích lũy của mức sinh thấp.

Theo một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc công bố, tỉ lệ sinh tổng thể (số trẻ em trung bình sinh ra của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản) đã giảm xuống còn 1,09 vào năm 2022, mức thấp nhất ở các quốc gia có dân số trên 100 triệu người.

Tuy nhiên, theo quan sát của Hiệu trưởng Yu, dù tỷ lệ sinh giảm nhưng các trường mẫu giáo công lập của cô chưa bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng nhẹ. Bởi Trường mầm non số 1 là ngôi trường công lập nổi tiếng, chuyên chú trọng vào việc phát triển ngôn ngữ và dạy trò chơi cho học sinh. 

Song, Hiệu trưởng Yu cho hay, nhà trường không tăng chỉ tiêu tuyển sinh bởi với không gian hạn chế, việc mở thêm lớp học mà vẫn duy trì được chất lượng giảng dạy là một điều khó khăn.

Hiệu trưởng Trường mầm non số 1 cho biết thêm, độ tuổi nhập học tối thiểu của học sinh tại trường đã giảm từ 18 tháng xuống còn 6 tháng trong năm 2023. Do đó, nhà trường đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy sự phát triển tích hợp giáo dục mầm non và mẫu giáo nhằm giảm bớt áp lực cho phụ huynh trong việc nuôi dạy con nhỏ. Đồng thời chia sẻ cơ sở hạ tầng và tài nguyên giảng dạy hiện có để tạo thêm doanh thu.

Đồng tình với nhận định trên, ông Wang Haiying, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách giáo dục mầm non tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, cho rằng tỉ lệ sinh giảm ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất lên các trường mầm non tư thục. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi cho các trường tư thục để đảm bảo hoạt động của mô hình này.

Ông Wang đề xuất cho phép các trường mầm non tư thục quy mô nhỏ đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy tuyển sinh sớm. Đồng thời, các trường công lập phải xây dựng quy định kiểm soát số lượng trẻ em nhập học để đảm bảo nhiều mô hình trường mẫu giáo có thể hoạt động cùng lúc.

Nguồn: China Daily