Tỷ lệ bạo lực học đường ở Hàn Quốc cao kỷ lục

Lam Linh
14:30 - 21/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết vấn nạn bạo lực học đường ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đang gia tăng ở mức đáng báo động.

Hơn 9.000 học sinh Hàn Quốc cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Ảnh: Getty Imagesbank

Hơn 9.000 học sinh Hàn Quốc cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Ảnh: Getty Imagesbank

Tỷ lệ bạo lực học đường ở Hàn Quốc cao kỷ lục

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, trong cuộc khảo sát thường niên mới nhất cho thấy bạo lực học đường xảy ra ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã tăng lên mức đáng báo động.

Cụ thể, khoảng 1,9% trong số gần 487.000 học sinh từ lớp 4 tới lớp 12 được khảo sát nói từng bị bắt nạt ở trường học. Tỷ lệ này cao hơn 0,2% so với năm ngoái và là mức cao nhất trong 10 năm qua, kể từ mức 2,2% được ghi nhận vào năm 2013.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số lượng nạn nhân của bạo lực học đường đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua là vào năm 2020 (ở mức 0,9%) - đây cũng là giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khi học sinh chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, con số này đã tiếp tục tăng trong ba năm liên tiếp.

Khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ học sinh tiểu học là nạn nhân của bạo lực học đường ở mức cao nhất là 3,9%, tiếp theo là học sinh ở cấp trung học cơ sở với 1,3% và học sinh ở cấp trung học phổ thông là 0,4%.

Trong đó, bạo lực bằng lời nói và bạo lực thân thể là hai hình thức bắt nạt phổ biến nhất, chiếm tỷ lần lượt là 37,1% và 17,3%. So với năm ngoái, bạo lực qua mạng - vốn liên tục gia tăng trong những năm trước lại giảm 2,6%, còn bạo lực thân thể tăng 2,7%. 

Tỷ lệ bạo lực học đường ở Hàn Quốc cao kỷ lục- Ảnh 3.

Văn phòng thám tử của ông Son Hye-young ở Seoul, Hàn Quốc hiện nhận được 2-3 cuộc gọi từ các bậc phụ huynh mỗi ngày. Họ muốn ông theo dõi con mình, xem chúng có bị bắt nạt không. Ảnh: The Korea Times

Một quan chức của Bộ Giáo dục Hàn Quốc nhìn nhận việc quay trở lại học trực tiếp từ năm ngoái sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát là lý do khiến các vụ bắt nạt qua mạng giảm đi, bạo lực thân thể tăng lên.

Mặt khác, nói về lý do đằng sau số vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng, quan chức này cho biết: "Mức độ nhạy cảm liên quan đến vấn đề này đã trở nên cao hơn sau khi loạt phim "The Glory" lên sóng".

Theo đó, "The Glory" là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc có nội dung xoay quanh một người phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực học đường và sau này đã lên kế hoạch công phu để trả thù những kẻ từng hành hạ mình. Khi bộ phim này được phát sóng, người dùng mạng xã hội đã đồng loạt chia sẻ trải nghiệm bị bắt nạt của mình, thậm chí công khai thủ phạm.

Nhiều người nổi tiếng ở Hàn Quốc cũng mất đi sự nghiệp bởi các cáo buộc liên quan tới bạo lực học đường. Khi mới được bổ nhiệm hồi tháng 2, tân Cục trưởng Cục Điều tra Quốc gia Chung Sun-sin đã bị chỉ trích khi thông tin con trai ông bắt nạt bạn cùng lớp bị lan truyền. Ông này đã từ chức một ngày sau đó.

Giải pháp nào để phòng chống bạo lực học đường?

Tỷ lệ bạo lực học đường ở Hàn Quốc cao kỷ lục- Ảnh 4.

Học sinh có hành vi bạo lực học đường sẽ bị lưu lại lịch sử gây rối của mình trong 4 năm. Ảnh: Yonhap

Trước tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đã bổ sung mức phạt đối với các hành vi bạo lực học đường, chẳng hạn yêu cầu trường học phải lưu lại lịch sử gây rối của học sinh trong 4 năm, thay vì 2 năm như trước. 

Những học sinh vi phạm sẽ không đủ tư cách trúng tuyển đại học hay xin việc. Dữ liệu này chỉ có thể được xóa đi nếu được nạn nhân đồng ý. Ngoài ra, những học sinh cá biệt và nạn nhân sẽ được các trường học tách riêng lâu hơn.

Tuy nhiên, với nhiều nạn nhân bạo lực học đường, thay đổi này là chưa đủ.

Kim Sunwoo, học sinh cấp 3, thường xuyên bị tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội nói rằng: "Việc xử lý khiếu nại về bạo lực học đường vẫn tiến triển quá chậm, khiến nỗi đau của các nạn nhân trở nên dai dẳng. Tôi đã mất đi những người bạn thân nhất vì sự chậm trễ này".

Theo học sinh Kim Sunwoo, ngoại trừ những lúc chào giáo viên ở hành lang, nam sinh không nói chuyện với bất cứ ai trong lớp và cho rằng việc im lặng còn tốt hơn lên tiếng.

Shin Tae-seob, Giáo sư Viện phòng chống tự tử, thừa nhận nỗ lực của các nhà trường trong việc giải quyết bạo lực học đường hiện chưa đủ. Nhưng ông cũng cho rằng, xã hội đang dần nhận ra không có giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn này.

Nguồn: The Korea Times, ABC News