Trường học Trung Quốc được trao quyền phân bổ thời gian tiết học
Nhằm đổi mới chương trình giảng dạy khoa học hơn, cá nhân hóa hơn và có khả năng kích thích trí tò mò của học sinh, các trường học Trung Quốc được trao quyền phân bổ thời gian tiết học một cách độc lập.
Phá vỡ quy chế tiết học 40 phút
Một tiết học thông thường kéo dài 40 phút ở trường tiểu học và 45 phút ở trường học Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tương lai, quy ước này có thể bị phá vỡ. Bởi một số cơ quan quản lý giáo dục ở Trung Quốc gần đây đã ban hành hướng dẫn về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, trong đó nêu rõ các trường phải phát huy quyền tự chủ trong việc xây dựng và quản lý chương trình giảng dạy.
Theo kế hoạch này, các trường học cần sắp xếp lịch học, xác định số giờ học hàng tuần cho từng môn học, xác định thời lượng cụ thể của từng lớp một cách độc lập. Đồng thời linh hoạt tổ chức tiết học dài hay ngắn với quy mô lớn hoặc nhỏ.
Cụ thể, một lớp học có thể diễn ra trong 15 phút, 30 phút, thậm chí 90 phút hoặc dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào nội dung bài giảng.
Điều này không có gì mới. Cuộc khảo sát của phóng viên tờ The Paper - một tờ báo kỹ thuật số của Trung Quốc cho thấy trong những năm gần đây, nhiều trường học đã phá bỏ quy ước "lớp học 40 phút" và thử nghiệm phân bổ thời gian tiết học dài - ngắn khác nhau cũng như tổ chức các lớp học lớn và nhỏ.
Theo cuộc khảo sát, có ý kiến cho rằng, mặc dù các khóa học dài và ngắn phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của học sinh, với mô hình giảng dạy môn học và mô hình học tập trong tương lai nhưng rất khó thực hiện. Trong đó, việc tổ chức lớp học 40 phút là hợp lý và dễ thực hiện nhất.
Trường học không có chuông báo
Tại Trường Tiểu học Trùng Khánh Xiejiawan, không có tiếng chuông bắt đầu và kết thúc giờ học bởi không có thời gian bắt đầu và kết thúc thống nhất cũng như không có bài tập thống nhất cho toàn trường.
Căn cứ vào tính chất, loại hình của các môn học và đặc điểm phát triển thể chất, tinh thần của học sinh ở mỗi cấp học, trường áp dụng hình thức "khóa học dài hạn, lớp học liên ngành chuyển đổi" để liên tục tối ưu hóa việc thực hiện chương trình giảng dạy.
Về thời gian, các lớp học dài và ngắn được kết hợp để đảm bảo học sinh được ngủ 10 tiếng và 2 tiếng hoạt động ngoài trời mỗi ngày. Về nhân sự, 95% giáo viên Tiếng Trung và Toán dạy các môn trong một lớp, điều này giúp họ có thêm thời gian để hiểu học sinh và có đủ điều kiện giảng dạy phù hợp với năng khiếu của các em.
Về mặt tổ chức, học sinh Trường Tiểu học Trùng Khánh Xiejiawan có thể tự chọn lớp mình tham gia dựa trên nội dung học tập theo giai đoạn, hiệu quả và nhịp độ học tập.
Thời gian tiết học dài ngắn khác nhau
Tại Trường tiểu học Thực nghiệm Heping ở Thâm Quyến cũng không có tiếng chuông thống nhất để bắt đầu và kết thúc các lớp học. Nhưng nhà trường luôn sắp xếp thời gian để kết thúc một cách trật tự. Đồng thời, chương trình giảng dạy của trường có độ dài khác nhau.
Ở ngôi trường này, lớp học ngắn rơi vào khoảng từ 15-30 phút, lớp học thông thường kéo dài 40 phút và lớp học dài thì từ 60-90 phút. Ba loại lớp được áp dụng với những môn học khác nhau để phù hợp với việc giảng dạy cho học sinh.
"Nhà trường có một nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng lịch học là tôn trọng khuôn mẫu học tập của học sinh. Lớp nào dài, lớp nào là lớp chính quy được xác định bởi đặc điểm của khóa học và tiết học", Song Pengjun, hiệu trưởng Trường tiểu học Thực nghiệm Heping cho biết.
Thầy hiệu trưởng lấy ví dụ đối với một số môn học như sau: Đối với môn Giáo dục thể chất, giáo viên phải tổ chức cho học sinh được khởi động đầy đủ, vận động với cường độ nhất định, đồng thời các em cũng cần được thư giãn và có thời gian vui chơi tự do.
Đối với học sinh lớp Nghệ thuật, các em cần suy nghĩ về sự sáng tạo và quan trọng hơn là trưng bày, chia sẻ và giao tiếp sau khi sáng tạo, việc này phải được hoàn thành một cách đồng bộ.
Những môn học như Khoa học, giáo viên cần tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, thực hành thí nghiệm và giao bài tập về nhà cho các em. Do đó môn học này sẽ được phân vào lớp học dài. Bởi nếu chỉ học trong thời gian từ 15-40 phút thì giáo viên sẽ không thể truyền đạt hết kiến thức nền tảng.
Đối với các lớp dạy viết, đọc và thực hành khác sẽ phù hợp với các lớp học ngắn. Bởi nếu mất 30-40 phút để viết và ghi nhớ, học sinh sẽ rất mệt mỏi.
"Các lớp học vi mô 15 phút hàng ngày diễn ra kịp thời và thường xuyên, được thiết kế đặc biệt để giải quyết các vấn đề nhỏ xảy ra trong quá trình tương tác của học sinh, cải thiện các kỹ năng xã hội và cảm xúc của các em, đồng thời tránh các vụ bắt nạt trong khuôn viên trường", Hiệu trưởng Song Pengjun nói.
Thay đổi thời gian tiết học là sự suy nghĩ lại về bản chất của giáo dục
Thời gian tiết học sẽ quyết định nội dung và phong cách sinh hoạt học đường của học sinh, hình thành nhịp điệu học tập và cuộc sống ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Chia sẻ với The Paper, nhiều người được phỏng vấn cho biết tiết học 40-45 phút thường được áp dụng phổ biến ở các trường tiểu học và trung học cơ sở do phù hợp với cấu trúc chương trình giảng dạy hiện nay và sự thay đổi trong phong cách tiếp thu kiến thức. Song, kiểu lớp học này dễ áp dụng nhưng khó quản lý.
Theo Viện Nghiên cứu Đổi mới Giáo dục Trung Quốc, hệ thống giáo dục phổ thông hiện đại ra đời trong thời đại công nghiệp. Trên nền tảng đào tạo nhanh chóng số lượng lớn nhân tài có trình độ, nó tuân theo logic cơ bản về tiêu chuẩn hóa, quy trình hóa và nhân rộng trên quy mô lớn của xã hội công nghiệp, từ đó hình thành một chương trình giảng dạy thống nhất.
Nhưng khi xã hội loài người bước vào thời kỳ hậu công nghiệp và ngày nay, nền giáo dục cá nhân hóa ngày càng được đề cao, logic vận hành này ngày càng không thể đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Do đó, từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã tiến hành những cải cách chương trình giảng dạy liên quan như các tiết học dài và ngắn, các lớp học lớn và nhỏ. Những năm gần đây, với việc triển khai chương trình giáo dục mới, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở đã điều phối thời gian tiết học dài ngắn một cách linh động.
Ban đầu, Tập đoàn Giáo dục Chongwen Hàng Châu bắt đầu thử nghiệm tổ chức các lớp học dài và ngắn đối với môn Giáo dục thể chất. Ngoài các lớp Giáo dục thể chất thông thường kéo dài 35 phút, còn có các lớp học dài 70 phút, chủ yếu được sử dụng cho các lớp học bơi, bóng rổ và bóng đá. Từ đó, thời gian tiết học dài ngắn dần được áp dụng cho các môn học khác.
Trường học nề nếp và trật tự hơn
Những trường thử nghiệm tổ chức tiết học với thời gian dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào từng môn học và cấp học cho biết, việc không có chuông báo thời gian bắt đầu và kết thúc giờ học đã giúp trường trở nên nề nếp và trật tự hơn.
"Một số trường tiểu học, trung học cơ sở còn tồn tại các vấn đề như: học sinh mất trật tự trong lớp học, tai nạn mất an toàn do học sinh va chạm, ùn tắc do sử dụng nhà vệ sinh tập trung. Ngoài ra, sân chơi cho học sinh lớp 1 và lớp 2 vào buổi sáng thì vắng tanh trong khi không gian vui chơi và hoạt động thể chất cho học sinh lớp 3 và lớp 4 thì không đủ. Sau khi áp dụng việc phân bổ thời gian tiết học dài ngắn khác nhau thì những vấn đề như vậy không còn xảy ra với trường của tôi", giáo viên Liu Xiya cho biết.
Theo Liu Xiya, việc tạo chuông báo hiệu tiết học bắt đầu hay kết thúc là do giáo viên thực hiện. Học sinh trong lớp có thể tự do đi vệ sinh, uống nước hoặc nghỉ ngơi tùy theo nhu cầu và cũng có thể thỏa thuận với giáo viên về thời gian và cách thức giải lao.
Một số vấn đề trong quản lý khuôn viên trường đã được giải quyết, tỷ lệ xảy ra tai nạn mất an toàn trong 10 phút giải lao giảm hơn 90%, đồng thời tỷ lệ sử dụng sân chơi, phòng học chuyên dụng và những nơi khác cũng được cải thiện đáng kể, thời gian hoạt động ngoài trời của học sinh cũng được đảm bảo đầy đủ.
Thúc đẩy giáo viên phát triển chuyên môn và sáng tạo
Theo tìm hiểu của phóng viên tờ The Paper, việc triển khai các tiết học dài và ngắn đã buộc giáo viên phải thay đổi cách giảng dạy, nâng cao nhận thức và nghiên cứu, đồng thời liên tục phải cập nhật quy định của nhà trường về học tập.
Tại Trường Tiểu học Trùng Khánh Xiejiawan, mô hình quản lý chương trình giảng dạy các lớp học dài và ngắn không chỉ mang lại thời gian linh hoạt hơn cho việc học liên ngành mà còn cho phép các hoạt động nghiên cứu theo chủ đề và câu lạc bộ khác nhau có nhiều quyền tự chủ hơn.
Theo giáo viên Liu Xiya, sự thay đổi trong phương pháp và hình thức học tập này thiết lập một mô hình quản lý giảng dạy dựa trên sự tin cậy, kích thích động lực học tập tự chủ và kỷ luật của học sinh, đồng thời cho phép các em chuyển từ học tập do người khác kiểm soát sang học tập độc lập.
"15 phút phải có 15 phút hứng thú và 90 phút phải có 90 phút ý nghĩa. Để kiến thức truyền đạt ngắn gọn, súc tích, hiệu quả và cô đọng trong giờ học ngắn cũng như giúp học sinh vận động và duy trì sự tập trung học tập trong những giờ học dài buộc giáo viên phải thay đổi hành vi giảng dạy của họ.
Trước mỗi giờ học, giáo viên tại Trường Tiểu học Thực nghiệm Heping đều phải dành thời gian, công sức để thiết kế giáo án. Đồng thời phân bổ nhiều thời gian trên lớp hơn cho học sinh thảo luận nhóm và thuyết trình", giáo viên Liu Xiya cho biết.
Zhao Shihui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chương trình giảng dạy của Học viện Thiên Tân, cho biết: "Việc triển khai các lớp học dài và ngắn cho phép giáo viên thoát khỏi sức ì công việc vốn có của họ để nghiên cứu các loại khóa học và tài liệu giảng dạy, đồng thời không ngừng đưa ra những khám phá và phát triển mới".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google