Tuyển sinh và đào tạo ngành Y ở Đức khắt khe như thế nào?

Thiên Ân
12:30 - 30/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đối với tuyển sinh ngành Y ở Đức, chỉ 30% sinh viên được xét dựa vào điểm tốt nghiệp cấp 3; 60% thông qua tuyển chọn nội bộ của trường đại học; 10% còn lại phụ thuộc vào yếu tố khác như kết quả kỳ thi của các khóa học Y, kinh nghiệm làm việc và những ngành học đã tham gia trước đó.

4 trường đại học tư thục trong số 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa ở Việt Nam dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để tuyển sinh 2023 gây xôn xao dư luận.

Trải qua gần 20 năm học tập và làm việc tại Đức, trao đổi với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Y sinh Lê Đức Dũng đã chia sẻ những trải nghiệm của mình về việc tuyển sinh, đào tạo ngành Y ở quốc gia có nhiều khác biệt so với Việt Nam.

Nên có một bài thi đánh giá đầu vào cho Y khoa

Phóng viên: Lâu nay ở Việt Nam, ngành Y thường chỉ tuyển sinh theo tổ hợp B00 gồm Toán, Hóa học, Sinh học. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số trường đại học tư thục thông báo sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển đầu vào gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo Tiến sĩ, có nên đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển ngành Y?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Theo tôi, rất khó để đưa ra câu trả lời là có hay không. Để có quyết định phù hợp, chúng ta cần phải xem xét vấn đề này trên nhiều khía cạnh.

Những bác sĩ tương lai là những người cần có khả năng nhận thức cao, kỹ năng suy luận logic tốt, có kiến thức về khoa học tự nhiên cũng như năng lực xã hội, năng lực cảm xúc tốt và khả năng diễn đạt mạch lạc.

Do đó, một người giỏi môn Ngữ văn chắc chắn sẽ có lợi thế trong việc học Y và hành nghề bác sĩ sau này.

Tiến sĩ Y sinh Lê Đức Dũng chia sẻ những trải nghiệm của mình về việc tuyển sinh ngành Y ở Đức.

Tiến sĩ Y sinh Lê Đức Dũng. Ảnh: Thomas Obermeier

Vậy, nên xét môn Ngữ văn đi kèm với tổ hợp các môn học nào? Tôi cho rằng, để tuyển sinh vào ngành Y, chúng ta không thể chỉ xét tổ hợp các môn xã hội mà nên xét một tổ hợp vừa có tự nhiên vừa có xã hội, ví dụ như: Toán, Ngữ văn, Hóa học, Sinh học (hoặc Vật lí, Ngoại ngữ).

Tuy nhiên, hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như kết quả học bạ 3 năm cấp 3 không phản ánh đúng hoàn toàn năng lực của nhiều học sinh, nếu chỉ dựa vào việc xét tuyển điểm số của các môn học vừa nêu thì sẽ không công bằng cho nhiều học sinh khác.

Thực tế, khi tham khảo các chương trình đào tạo Y khoa có thể thấy, một người học Y không nhất thiết phải học thật giỏi các môn tự nhiên.

Các môn học tự nhiên trong ngành Y khá cơ bản và không quá khó, nhưng nó khiến sinh viên phải đọc và học thuộc rất nhiều. Cũng chính vì vậy, kỹ năng cần sử dụng nhiều cho quá trình học và hành nghề sau này có lẽ là kỹ năng suy luận logic.

Theo tôi, để tuyển được những thí sinh chất lượng, chúng ta nên có một bài thi đánh giá đầu vào chung cho các em học sinh muốn theo học ngành Y trên cả nước, như nhiều nước trên thế giới vẫn làm.

Các ngành khoa học sức khỏe như Y, Dược là những ngành đặc thù cần được quản lý đặc biệt từ nhà nước về chất lượng đầu vào và đầu ra.
Tiến sĩ Y sinh Lê Đức Dũng

Bài thi nên tập trung vào các kỹ năng và kiến thức như sau: kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học), kỹ năng phân tích và lý luận, khả năng suy luận logic, năng lực xã hội, cảm xúc và hành vi.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh, để đào tạo ra một bác sĩ tốt thay vì đặc biệt quan tâm đến đầu vào, chúng ta nên chú trọng vào chất lượng chương trình đào tạo và quản lý đầu ra thật chặt dưới một tiêu chuẩn thống nhất chung cho cả nước.

Đức tuyển sinh ngành Y phức tạp hơn Việt Nam

Phóng viên: Ở Đức, các trường tuyển sinh ngành Y như thế nào, có gì khác biệt so với Việt Nam, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Ở Đức, các trường tuyển sinh ngành Y hơi khác so với Việt Nam, có lẽ là phức tạp hơn.

Vấn đề đào tạo các ngành khoa học sức khỏe như Y khoa, Nha khoa, Dược, và Thú y ở Đức được quản lý khác biệt so với các ngành học khác. Số lượng đào tạo các ngành này bị hạn chế và quản lý chặt chẽ.

Để xin học các ngành khoa học sức khỏe, học sinh phải nộp hồ sơ về một cơ quan duy nhất quản lý hồ sơ xin học có tên là Stiftung für Hochschulzulassung (SfH), trong đó học sinh sẽ đăng ký nguyện vọng và trường muốn học. Cơ quan quản lý hồ sơ phân bổ các vị trí học như sau:

30% sinh viên được xét dựa vào điểm tốt nghiệp cấp 3, thường là những em có điểm cấp 3 rất cao. Điểm tốt nghiệp cấp 3 được tính dựa trên kỳ thi tốt nghiệp và 2 năm cuối cấp.

60% sinh viên thông qua tuyển chọn nội bộ của trường đại học - nơi đăng ký nguyện vọng trong hồ sơ. Sự lựa chọn của trường dựa trên nhiều yếu tố như điểm tốt nghiệp cấp 3, kết quả tham gia bài kiểm tra cho các khóa học Y (Test for medical courses), kết quả phỏng vấn trực tiếp ứng viên, kết quả các cuộc thi, các đóng góp khác...

10% còn lại cũng được lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố khác như kết quả kỳ thi của các khóa học Y, kinh nghiệm làm việc và các ngành học đã tham gia trước đó... nhưng không bị phụ thuộc vào điểm tốt nghiệp cấp 3.

Một số trường đại học tại Đức cung cấp kỳ thi cho các khóa học Y (Test for medical courses), học sinh muốn học các ngành học sức khỏe có thể tự nguyện tham gia. Nếu có kết quả tốt, học sinh sẽ có lợi thế trong việc xin học các ngành sức khỏe sau này.

Điều kiện thành lập khoa Y

Phóng viên: Những năm gần đây ở Việt Nam, một số trường đại học đa ngành “không chuyên” về đào tạo sức khỏe đã và đang có xu hướng “lấn sân” đào tạo lĩnh vực đặc thù này làm dấy lên lo ngại về chất lượng đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế trong tương lai. Vậy ở Đức, để đào tạo ngành Y, trường đại học phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Các mô hình đào tạo Y khoa của các nước phương Tây nói chung khác với Việt Nam.

Ngành Y thường được đào tạo trong các trường đại học tổng hợp đa ngành (university), chỉ có một số rất ít là trường chuyên khoa. Khoa Y trong trường đại học sẽ phụ trách đào tạo các ngành Y khoa và Nha khoa.

Việc đào tạo Y khoa sẽ có thêm sự tham gia của một số khoa khoa học tự nhiên khác như Vật lí, Hóa học và Sinh học. Vì vậy, các trường đại học đào tạo ngành Y thường có đầy đủ các khoa nêu trên.

Ở Đức, quá trình đào tạo Y khoa có thể phân thành 2 giai đoạn: Giai đoạn tiền lâm sàng, học trong 2 năm và giai đoạn lâm sàng, học trong 4 năm.

Giai đoạn tiền lâm sàng, sinh viên sẽ học các môn cơ bản như giải phẫu học, hóa sinh, vi sinh, sinh lý, sinh học, hóa học, vật lí, xã hội học. Do đó, cần có các viện, bộ môn lý thuyết và các khoa khác tham gia giảng dạy các môn học này.

Giai đoạn lâm sàng, sinh viên sẽ học về các ngành chuyên môn như nội khoa, da liễu, mắt, thần kinh, phẫu thuật... Ở giai đoạn này, bác sĩ, giáo sư tại các khoa thực hành của bệnh viện sẽ đảm nhận vai trò giảng dạy cùng với bệnh viện đại học (university hospital) và một số bệnh viện đối tác khác.

Tại Đức, bệnh viện đại học là một đơn vị y tế lớn nhất trong khu vực có đầy đủ các chuyên khoa và có 3 nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh, nghiên cứu, đào tạo.

Thành lập một khoa Y ở Đức phải đáp ứng một số yêu cầu được quy định bởi luật giáo dục đại học của quốc gia liên bang cũng như các yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng cụ thể của từng bang. Dưới đây là một số yêu cầu chung để thành lập một khoa Y:

Phê duyệt và kiểm định: Trường đại học phải nộp đơn xin phê duyệt thành lập khoa Y từ cơ quan giáo dục đại học có liên quan. Khoa phải trải qua các thủ tục kiểm định bắt buộc và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng của Hội đồng kiểm định, cơ quan quản lý giáo dục đại học.

Tài chính: Trường đại học phải có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của khoa Y. Bao gồm chi phí tài trợ cho cơ sở hạ tầng, nhân viên, tài liệu giảng dạy, cơ sở nghiên cứu, các chi phí hoạt động khác.

Đội ngũ giảng viên: Trường phải tuyển dụng đội ngũ giảng viên có trình độ, bao gồm các bác sĩ, nhà khoa học và giảng viên giàu kinh nghiệm. Những người này phải có trình độ học vấn phù hợp, kinh nghiệm lâm sàng và chuyên môn trong lĩnh vực của họ.

Cơ sở hạ tầng và nguồn lực: Khoa cần có cơ sở vật chất phù hợp như giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, cơ sở nghiên cứu và bệnh viện đào tạo lâm sàng.

Chương trình giảng dạy và bằng cấp: Khoa Y phải phát triển một chương trình giảng dạy toàn diện bao gồm kiến thức lý thuyết, đào tạo thực tế, kinh nghiệm lâm sàng và cơ hội nghiên cứu. Chương trình giảng dạy phải tuân thủ các tiêu chuẩn giáo dục quốc gia và các yêu cầu của quy định về cấp phép hành nghề cho bác sĩ.

Quan hệ đối tác với các bệnh viện và các cơ sở Y tế: Khoa Y phải thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với các bệnh viện, phòng khám và các viện lâm sàng khác để cung cấp cho sinh viên chương trình đào tạo lâm sàng phù hợp. Sự sẵn có của các địa điểm lâm sàng và sự hợp tác với các chuyên gia y tế là những yếu tố quan trọng trong việc thành lập một khoa/trường Y khoa.

Quản trị và điều hành học thuật: Một cơ cấu quản trị rõ ràng và quản lý hiệu quả là điều cần thiết để hoạt động của khoa diễn ra trơn tru. Để làm được điều này cần phải thành lập các ủy ban, hội đồng để xác định trách nhiệm và phát triển, điều chỉnh các chính sách, thủ tục trong quản lý và đào tạo.

Tuyển sinh và đào tạo ngành Y ở Đức khắt khe như thế nào? - Ảnh 4.

Đức là một điểm đến lý tưởng để theo học ngành Y. Ảnh: Lightfield Studios

Bác sĩ cần được đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức mới

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, chất lượng của đội ngũ bác sĩ tại Đức luôn được đánh giá cao tại châu Âu và trên thế giới, chắc hẳn quá trình đào tạo, cấp giấy phép hành nghề bác sĩ ở Đức rất khắt khe?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Ở Đức, các sinh viên Y khoa học đại học 6 năm và khi thi tốt nghiệp thành công sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.

Sau đó, họ sẽ chọn cho mình một hướng học chuyên khoa có thể kéo dài thêm 3 đến 6 năm tùy chuyên khoa, khi kết thúc học chuyên khoa có thể thi để cấp bằng/giấy chứng nhận bác sĩ chuyên khoa.

Điều quan trọng là tất cả các bác sĩ mới ra trường đều được phép và có cơ hội học chuyên khoa.

Như đã nói, các sinh viên Y khoa ở Đức được đào tạo trong các bệnh viện đại học, nơi mà bác sĩ, giáo sư luôn phải làm 3 nhiệm vụ chính (khám chữa bệnh, nghiên cứu, đào tạo) và hỗ trợ lẫn nhau trong việc trau dồi nâng cao chuyên môn, sau đó là truyền lại cho sinh viên.

Bệnh viện đại học cũng là nơi có rất nhiều các viện, các nhóm nghiên cứu. Các bác sĩ vừa là người khám chữa bệnh vừa là nhà nghiên cứu, giáo sư giảng dạy (nhiều người chỉ thực hiện 1-2 nhiệm vụ là nghiên cứu và giảng dạy). 

Học Y ở Đức, sinh viên sẽ được học từ tất cả các nhóm giáo sư và các nhà khoa học trên. Do vậy, các sinh viên, bác sĩ trẻ có kiến thức khoa học cơ bản, khoa học sức khỏe tương đối tốt, đây cũng là nền tảng để phát triển và nâng cao kỹ năng, chất lượng khám chữa bệnh.

Thông qua những trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy chất lượng của đội ngũ bác sĩ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng dạy, cơ sở hạ tầng của các cơ sở thực hành, công tác quản lý chất lượng đầu ra... Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là cơ hội được tham gia học chuyên khoa cho tất cả các bác sĩ mới ra trường.

Kiến thức Y khoa là sự tổng hợp của đa ngành và có sự phát triển, thay đổi rất nhanh. Vì vậy, các bác sĩ cần có cơ hội được đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức mới trong quá trình làm việc để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Bình luận của bạn

Bình luận