Tuyển sinh Y khoa bằng môn Ngữ văn: Vai trò của các môn học giá trị như nhau

Phan Anh (ghi)
16:55 - 29/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Congdankhuyenhoc - Chia sẻ về việc một số trường đại học tuyển sinh Y khoa bằng môn Ngữ văn, Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) bày tỏ quan điểm. Tạp chí Công dân và Khuyến học ghi lại để độc giả hiểu thêm về vai trò của các môn học trong chương trình giảng dạy Y khoa.

Tuyển sinh Y khoa bằng môn Ngữ văn: Vai trò của các môn học giá trị như nhau! - Ảnh 1.

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Australia. Ảnh: NVCC

Y học không phải là khoa học chính xác

Nhân câu chuyện tuyển sinh Y khoa bằng môn Ngữ văn, tôi xin bàn về việc trong đào tạo Y khoa, các môn Toán học, Sinh học hay Ngữ văn quan trọng như thế nào?

Có ý kiến cho rằng "Y học là một khoa học chính xác". Tôi thì nghĩ khác: Y học không phải là một khoa học chính xác. Chính vì Y học kém chính xác nên ngày nay có trào lưu hướng đến "precision medicine" hay còn gọi là Y học chính xác.

Thật vậy, Y học vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Ông tổ Y học Bill Osler nói rằng: "Medicine is a science of uncertainty and an art of probability" (Y học là một khoa học của sự bất định và là một nghệ thuật của xác suất).

Tình trạng bất định bàng bạc luôn xuất hiện trong sách giáo khoa Y khoa. Trong các sách đó, hai chữ "unclear" và "uncertain" (không rõ và bất định) xuất hiện khắp các trang giấy. Đối với các bệnh không lây nhiễm, ít ai dám nói là biết cơ chế chính xác của bệnh, vì các mối liên hệ sinh học đằng sau quá phức tạp. Không có machine learning (trí tuệ nhân tạo cung cấp dữ liệu trong học tập) nào có thể mô hình chính xác các mối liên hệ này. Do đó, những tác giả sách giáo khoa Y khoa không dám dùng chữ "nguyên nhân" mà chỉ dám dùng chữ "yếu tố nguy cơ".

Không có gì là chính xác trong Y học theo nghĩa Vật lí. Từ chẩn đoán, điều trị, đến tiên lượng đều có những yếu tố bất định.

Thử xem một tình huống một người được chẩn đoán mắc COVID-19. Có lẽ ai cũng nghĩ rằng chẩn đoán đó là chính xác 100% vì người ta dùng phương pháp PCR. Tuy nhiên, phương pháp đó dựa vào một cái ngưỡng giá trị: nếu kết quả xét nghiệm thấp hơn cái ngưỡng đó, thì được xem là "dương tính", còn trên ngưỡng đó là "âm tính". Vấn đề là trong số 100 người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng có đến 20 người không mắc COVID-19. Vấn đề còn khó hơn khi trong số 100 người có kết quả âm tính, khoảng 10 người mắc COVID-19 trong thực tế.

Bất cứ phương tiện Vật lí và Sinh hóa nào cũng chỉ cho thấy bề mặt của hiện tượng mà thôi. Một người được đo mật độ xương bằng máy đo trị giá 200 ngàn USD, nhưng máy chỉ đo được 2 chiều (trong khi xương của người là một thực thể 3 chiều).

Tương tự với việc đo nồng độ vitamin D trong máu bằng bất cứ phương pháp nào thì cũng có sai số 5-7% bởi vì các phương pháp đó chỉ ước tính chứ không xác định. Ngay cả sinh thiết cũng chỉ là một cách lấy mẫu, và vẫn có xác suất sai sót. Do đó, bất cứ chẩn đoán nào dựa vào xét nghiệm đều có sự bất định.

Tuyển sinh Y khoa bằng môn Ngữ văn: Vai trò của các môn học giá trị như nhau! - Ảnh 3.

Bác sĩ giỏi thường phải kinh qua rất nhiều tình huống khám chữa bệnh và có kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Ảnh: medicine/Ibs

Đọc đến đây, có thể có người lí luận: nhưng bác sĩ giỏi thì sẽ chẩn đoán chính xác hơn. Điều này không hẳn đúng. Bởi đa số bác sĩ không hiểu xác suất là gì. Có nghiên cứu cho thấy 80% bác sĩ chẩn đoán hình ảnh lẫn lộn giữa độ nhạy và positive predictive value (trị số tiên lượng dương tính). Nguyên nhân do họ chỉ học sơ sài về lĩnh vực đó, nên họ hiểu lầm. Do đó, đừng nghĩ giỏi Toán học sẽ giúp cho bác sĩ giỏi hơn, vì loại Toán học mà bác sĩ học trong trường y là loại Toán học cơ bản mà thôi.

Chúng ta luôn cho rằng sinh viên phải giỏi môn Sinh học để học Y khoa cho tốt. Không ai phản đối ý này vì đó là điều đương nhiên. Nhưng nên nhớ rằng các môn học liên quan đến Sinh học trong trường y rất sơ sài, chủ yếu là khái niệm, chỉ trên bề mặt của căn bệnh chứ không chuyên sâu như Sinh học phân tử.

Ý kiến chẩn đoán của các bác sĩ chính xác? Việc này không chắc 100%, vì chính họ cũng có sự bất định và họ chẳng giấu thực tế đó. Thử đưa một phim X-quang cột sống cho vài bác sĩ đọc, sẽ có kết quả rất khác nhau. Có bác sĩ sẽ chẩn đoán gãy xương, nhưng có bác sĩ nói bình thường. Dễ hiểu vì bác sĩ không phải ai cũng siêu việt và chính xác tuyệt đối. Họ cũng như đa số công chúng, cũng chịu sự chi phối của yếu tố ngẫu nhiên và nhiều nguyên do khác.

Điều trị của bác sĩ có tuyệt đối chính xác không? Hầu như đối với bất cứ bệnh nào như loãng xương, tiểu đường, ung thư... chỉ có chừng 40-60% bệnh nhân đáp ứng thuốc điều trị. Bác sĩ không rõ tại sao, Y văn cũng không giải đáp đủ, nhà bào chế thuốc cũng không chắc. Chẳng ai dám nói tại sao thuốc có hiệu quả cho người này mà không hiệu quả với người kia. Bởi vậy mới có phân tích genomics (hệ gen) để chọn điều trị cho bệnh nhân chính xác hơn. Nhưng ngay cả phân tích genomics cũng chỉ mới là sơ khởi.

Không ít người đề cao môn Toán học như là một tiêu chuẩn cứng cho sinh viên theo học Y khoa. Với tôi, tôi không thấy Toán học giúp gì nhiều cho việc học Y khoa. Chúng ta hiểu rằng, không một môn học nào trong trường y phải dùng đến số phức (complex number) hay tích phân "loại xịn". Không có sinh viên trường y nào học về xác suất mà phải chứng minh phương sai của hiệu số. Họ chỉ học những môn dịch tễ học đại cương, và chỉ cần biết Toán học cơ bản là đủ.

Tôi cho rằng Toán học luôn cần cho sinh viên Y khoa, nhưng Ngữ văn cũng quan trọng như Toán học - với điều kiện Ngữ văn phải được dạy tốt và học tốt.

Người giỏi Ngữ văn và Ngôn ngữ học thường có năng lực lí giải và phương pháp tư duy logic. Điều này rất cần thiết cho Y khoa. Chúng ta đặt tình huống bác sĩ phải tư vấn, phải tìm bệnh và hỏi về tiền sử gia đình, lối sống cá nhân hay các thói quen sinh hoạt liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ cần kĩ năng Toán học hay kĩ năng Ngôn ngữ học?
Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Australia

Y là khoa học nghiên cứu hay là một nghề?

Một số bác sĩ xem Y khoa là một khoa học cao cấp, và khi vừa tốt nghiệp ra trường, họ tự xem mình là một bậc cao siêu. Họ huyền bí hóa môn khoa học họ học trong trường y. Nhưng như đã nói, kiến thức được dạy trong trường y chỉ ở bậc nhập môn mà thôi. Trình độ của y bác sĩ phụ thuộc nhiều vào năng lực cá nhân và kinh nghiệm làm việc, khả năng ứng dụng cao khoa học vào thực tiễn.

Một số bác sĩ có suy nghĩ đúng đắn hơn, xem nghề y là một nghề, một công việc. Để làm công việc đó, họ được huấn luyện và học từ những người có kinh nghiệm hơn. Họ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân theo phác đồ, y như bất cứ công việc nào phải làm theo qui trình. Họ liên tục học hỏi và học suốt đời - tôi xin nhấn mạnh điều này - như bất cứ nghề nghiệp nào.

Trên thực tế, bác sĩ học nhiều hơn sau khi họ ra trường và kiến thức học được trong trường đại học chỉ là "viên gạch nền". Trong trường, sinh viên Y khoa học nhiều môn khoa học cơ bản nhưng không chuyên sâu, chủ yếu học lí luận. Sau khi tốt nghiệp mới là giai đoạn bác sĩ học nhiều qua thực tiễn và học trên chính người bệnh qua việc khám chữa bệnh. Có thể nói rằng bệnh nhân chính là những người thầy của bác sĩ.

Tóm lại, tôi nhận định Y học là một khoa học kém chính xác và bất định. Không có một phương pháp nào trong Y khoa là chính xác tuyệt đối kiểu Vật lí. Sinh học, bản chất là thực nghiệm, không phải là một khoa học chính xác. Từ chẩn đoán, điều trị đến tiên lượng, tất cả đều có yếu tố bất định. Trong đào tạo Y khoa, môn học nào cũng quan trọng như nhau, không chỉ Toán học và Sinh học, còn cả Ngữ văn nữa!