Xét tuyển ngành Y bằng môn Văn: Lo ngại hệ lụy từ việc tuyển sinh bằng tổ hợp 'lạ'

Thiên Ân
08:18 - 24/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

"Không nên đưa môn Văn vào tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y, tuyển sinh theo kiểu "độc, lạ" sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường", ông Nguyễn Duy Khánh - giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass chia sẻ.

Kiến thức môn Văn là điều kiện cần nhưng chưa đủ 

Lâu nay, ngành Y thường chỉ tuyển sinh theo tổ hợp B00 gồm môn Toán, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm 2023, một số trường đại học đào tạo ngành Y lại sử dụng tổ hợp có môn Văn hoặc không có môn Sinh để xét tuyển đầu vào gây nhiều ý kiến trái chiều.

Năm 2023, Trường Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Trường Đại học Tân Tạo (Long An), Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) dùng điểm môn Văn xét tuyển vào ngành Y khoa.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, ông Nguyễn Duy Khánh - giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass nhận định, các trường đại học đổi mới tuyển sinh, đa dạng các tổ hợp xét tuyển là tín hiệu tốt. 

Tuy nhiên, việc đa dạng các tổ hợp xét tuyển chỉ phù hợp với một số ngành. Với những ngành đặc thù, đặc biệt là ngành Y, khâu tuyển chọn đầu vào cần thực hiện nghiêm túc để chọn được những sinh viên phù hợp nhất.

Xét tuyển ngành Y bằng môn Văn: Lo ngại hệ lụy từ việc tuyển sinh bằng tổ hợp 'lạ' - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Khánh - giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass. Ảnh: NVCC

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, bác sĩ là một nghề đặc thù đòi hỏi phải có tư duy logic, chuyên môn sâu, sự tập trung cao độ, tính kiên nhẫn và cũng có những giây phút cần đưa ra quyết định nhanh, dứt khoát, chính xác. Vì vậy, tuyển sinh theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) truyền thống là phù hợp.

Ngoài ra, kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (được chuẩn hóa từ khâu ra đề) cũng sẽ giúp các trường đánh giá chất lượng và phân loại đầu vào.

Trường hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông không đảm bảo tính phân loại trong xét tuyển đại học thì các trường nên nhanh chóng đưa ra hình thức thi tuyển riêng nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào tốt nhất.

Ngoài dùng điểm môn Văn xét tuyển vào ngành Y, ông Nguyễn Duy Khánh cũng bày tỏ lo ngại khi một số trường đại học tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh.

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, kiến thức môn Sinh bậc trung học phổ thông khác xa kiến thức chuyên ngành ở đại học nhưng đó lại là nền tảng, tiền đề giúp sinh viên học và thực hành hiệu quả ở bậc đại học. Sinh viên ngành Y nắm chắc kiến thức Sinh học sẽ có nhiều lợi thế trong quá trình hành nghề và phát triển chuyên môn sau này.

Một số ý kiến cho rằng, để làm tốt công việc chăm sóc sức khỏe như truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao tư vấn sức khỏe, tâm lý trị liệu... rất cần áp dụng kiến thức của môn Văn.

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, các bác sĩ, nhân viên y tế có khả năng giao tiếp, thuyết trình, tư vấn và tương tác tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. 

Tuy nhiên, kiến thức của môn Văn trong ngành nghề này chỉ là điều kiện cần, quan trọng nhất vẫn là người hành nghề phải đạt tiêu chuẩn của một bác sĩ.

"Tôi không phủ nhận vai trò của môn Văn đối với các thế hệ học sinh, nhưng hãy để cho môn học này được thực hiện đúng vai trò và sứ mệnh. Không nên đưa môn Văn vào tổ hợp để xét tuyển vào ngành Y, tuyển sinh theo kiểu "độc, lạ" sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Chúng ta cần chờ các chuyên gia, đặc biệt là các cấp lãnh đạo có thẩm quyền bàn luận, nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này", ông Nguyễn Duy Khánh nói.

Ồ ạt mở ngành sức khỏe tiềm ẩn nhiều nguy hại

Ông Nguyễn Duy Khánh cho rằng, bên cạnh câu chuyện đa dạng tổ hợp xét tuyển vào ngành Y, vấn đề các trường đại học "đua" nhau mở ngành sức khỏe, thậm chí, nhiều trường không liên quan đến khối ngành sức khỏe cũng tham gia đào tạo với lượng chỉ tiêu lớn cũng là thực trạng đáng lo ngại.

Giáo viên này nhìn nhận, các ngành đào tạo về sức khỏe liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Do đó, tất cả yếu tố từ chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo... đều quan trọng như nhau và phải được chú trọng. Nếu đào tạo ồ ạt, các trường chạy đua theo số lượng thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xã hội.

"Nên để những trường đại học có kinh nghiệm, bề dày lịch sử về đào tạo y khoa tập trung đào tạo nhân lực cho ngành đặc thù này. Có như vậy, trình độ, năng lực của các nhân viên y tế mới đảm bảo yêu cầu của xã hội", ông Nguyễn Duy Khánh nêu quan điểm.