Tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn - tại sao không?

Phan Anh (ghi)
16:38 - 05/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chia sẻ về quan điểm tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn, nhiều y bác sĩ hiện đang làm nghề Y bày tỏ quan điểm. Tạp chí Công dân và Khuyến học ghi lại để độc giả hiểu thêm về vai trò của các môn học trong chương trình giảng dạy Y khoa.

4 trường đào tạo Y khoa dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển gồm: Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng tổ hợp D12 - Ngữ văn, Hóa học, Anh văn; Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Tân Tạo (Long An) dùng tổ hợp B03 - Toán học, Ngữ văn, Sinh học; Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) dùng tổ hợp A16 - Toán học, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn.

Ngữ văn giúp y, bác sĩ rèn giũa nhiều kỹ năng nghề nghiệp

Tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn - tại sao không? - Ảnh 2.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm trong giờ giảng dạy Y khoa. Ảnh: Vinmec

Bày tỏ quan điểm về việc tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn, nhiều người phản đối cho rằng để học Y, các môn Hóa và Sinh quan trọng hơn môn Ngữ văn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec nêu quan điểm đồng tình như sau: 

Thứ nhất, bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc. Ai đó đã nói "văn là người" vì vậy không thể phủ nhận văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách, nên cái tâm của người thầy thuốc.

Các tác phẩm văn học mang đến cho bác sĩ một nhân sinh quan toàn diện về con người, về các trạng thái tình cảm và tâm lý phức tạp của con người. Điều này giúp bác sĩ phát triển tư duy nhân văn, tăng cường khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh, giúp bác sĩ có thể điều trị cá thể hóa người bệnh. Các kiến thức khoa học vẫn có thể tiếp thu được nếu học muộn nhưng quá trình hình thành nhân cách và tâm hồn là một quá trình khởi đầu ngay từ khi còn bé.

Thứ hai, học văn giỏi giúp bác sĩ có kỹ năng giao tiếp tốt với người bệnh để hiểu rõ hơn về bệnh tật, để tránh được các xung đột đáng tiếc.

Thứ ba, học giỏi văn giúp bác sĩ diễn đạt các ý kiến một cách rành mạch, rõ ràng khi viết các báo cáo. Tôi đã đọc không ít luận án thạc sĩ, tiến sĩ được viết với rất nhiều sai sót về ngữ pháp, về diễn đạt.

Trong các kỳ thi tuyển sinh viên Y khoa quốc tế ngoài phần lý thuyết thì phần phỏng vấn rất quan trọng. Trong phần này người hỏi không khu trú vào kiến thức khoa học mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết rất rộng về nhiều vấn đề nhất là các vấn đề xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống. 

Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam được đào tạo trước đây không chỉ giỏi về chuyên môn mà đều là những nhân cách lớn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm

Tâm hồn y bác sĩ phải nhân văn mới có thể chữa lành bệnh

Tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn - tại sao không? - Ảnh 4.

Bác sĩ Phan Xuân Trung. Ảnh: ykhoa.net

Liên quan đến việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn, bác sĩ Phan Xuân Trung, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, ngày xưa tuyển bác sĩ có tuyển ngoại hình. 

"Ngoại hình" ở đây không chỉ là hình thức, diện mạo chiều cao, cân nặng mà còn là thần thái, cách ăn nói có ra dáng người có học thức. 

Bác sĩ là nghề tiếp xúc thường xuyên với người bệnh đang gặp khổ đau về thể xác hay tinh thần, do đó, rất cần sự đồng cảm, thương yêu và biết lựa lời để nói. 

Y tổ Hippocrates nói "thầy thuốc chữa bệnh không phải chỉ bằng chén thuốc và con dao mà còn bằng lời nói". Đôi khi bác sĩ chỉ nói vài câu thôi là bệnh nhân hết bệnh. Muốn nói được như vậy, tự tâm hồn bác sĩ phải nhân văn.

Bác sĩ Phan Xuân Trung cho biết, trong các bệnh viện ở miền Nam thường có các ma-sơ (Tiếng Pháp: ma sœur) tình nguyện chăm sóc bệnh nhân. Các sơ chăm bệnh rất nhẹ nhàng, thương cảm. Tất cả các tôn giáo đều đề cao lòng từ bi, bác ái, thương yêu người bệnh. Các điều dưỡng viên là những người không thể thay thế trong các bệnh viện. Dù máy móc có hiện đại đến đâu cũng không thể thay được họ - những bàn tay ấm áp vì bệnh nhân. 

Thánh Teresa cũng yêu thương người bệnh nghèo mà thành lập dòng Nữ tu Bác Ái. Những linh mục theo dòng Camilo sẽ tận tụy lo cho bệnh nhân lở loét, bị xã hội ruồng bỏ. Trường Y Sài Gòn trước đây có các ma-sơ phục vụ căn tin cho sinh viên, chuyển tải tinh thần yêu thương cho các thầy thuốc tương lai.

Không có tình thương, chẳng bệnh tật nào có thể được chữa lành

"Ngày nay, việc tuyển sinh Y khoa không tuyển ngoại hình, không so đạo đức, nên các trường y cho ra lò không ít thầy thuốc máu lạnh như một cỗ máy. Dễ nhận ra các thầy thuốc máu lạnh này khi nghe họ nạt nộ bệnh nhân chỉ vì bệnh nhân có một vài câu thắc mắc. Thầy thuốc máu lạnh sẵn sàng trấn lột bệnh nhân đến đồng xu cuối cùng... Thật may, điều này không phổ biến. 

Và trong đại dịch COVID-19 vừa qua, những thầy thuốc vô tâm rõ ràng hơn bao giờ hết khi họ ngồi ở ghế lãnh đạo bộ, ngành, sở, cơ sở y tế... Họ móc túi bệnh nhân đến đồng cuối cùng.

Và như vậy thì, Tuyển sinh ngành Y bằng môn Ngữ văn, tại sao không? Điều này chẳng có gì vô lý. Bác sĩ Phan Xuân Trung nói về sự cần thiết của môn Ngữ văn với đào tạo Y khoa và bác sĩ thời nay.