Tuyển sinh 2023: Ưu điểm, hạn chế trong xét tuyển và thi tuyển vào lớp 10

Thành Phúc
11:50 - 22/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Việc lựa chọn phương án thi tuyển vẫn là phương án công bằng, khách quan nhất cho các thí sinh. Yếu tố tiêu cực rất khó xảy ra đối với kỳ thi tuyển sinh 10 ở khâu coi thi và chấm thi.

Tuyển sinh 2023: Ưu điểm, hạn chế trong xét tuyển và thi tuyển vào lớp 10 - Ảnh 1.

Kế hoạch tuyển sinh 10 của các địa phương trong những năm qua không giống nhau về môn thi, hình thức tuyển sinh. Có địa phương thi 2 môn, địa phương thi 3 môn, có địa phương thi 2 môn độc lập và 1 bài tổ hợp, có địa phương thêm môn thứ tư. Bên cạnh môn thi khác nhau thì hình thức tuyển sinh cũng khác nhau, có tỉnh thi tuyển, có tỉnh xét tuyển, có tỉnh áp dụng cả 2 phương thức.

Đối với kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023-2024 tới đây cũng vậy. Hiện những tỉnh, thành đã công bố kế hoạch tuyển sinh tính đến thời điểm này chỉ có 2 địa phương là Đồng Tháp và Vĩnh Long thực hiện phương thức xét tuyển hoàn toàn cho các trường Trung học phổ thông không chuyên. Các tỉnh thành khác chủ yếu dùng phương thức thi tuyển.

Việc xét tuyển hay thi tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay đều có những ưu điểm, hạn chế song song với nhau. Tuy nhiên, do đặc điểm, tình hình của từng địa phương thì các Ủy ban Nhân dân tỉnh (thành phố) sẽ quyết định 1 phương án do Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phù hợp nhất.

Thi tuyển sinh 10 có ưu điểm, hạn chế gì?

Mặc dù tổ chức thi tuyển sinh 10 hiện nay rất áp lực đối với thí sinh, phụ huynh và các nhà trường nhưng về cơ bản thì việc lựa chọn phương án thi tuyển vẫn là phương án công bằng, khách quan nhất cho các thí sinh.

Trong các kỳ thi tập trung hiện nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi được tổ chức nghiêm ngặt và chặt chẽ nhất. Yếu tố tiêu cực rất khó xảy ra đối với kỳ thi tuyển sinh 10 ở khâu coi thi và chấm thi.

Thứ nhất: việc ra đề thi của các Sở được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt. Những cán bộ, giáo viên tham gia ra đề, in sao đề thi được cách ly với bên ngoài và giám sát chặt chẽ suốt quãng thời gian từ khi thí sinh chưa thi cho đến khi kỳ thi kết thúc mới được ra về.

Thứ hai: kỳ thi này lấy theo chỉ tiêu đã được ấn định từ trước nên những giám thị thực hiện rất nghiêm ngặt, gần như thí sinh không thể trao đổi trong suốt quá trình diễn ra làm bài thi. Hơn nữa, phần lớn giám thị là người địa phương khác điều động đến nên họ làm rất công tâm và cũng không nặng về thành tích như kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên không có giám thị nào dám dễ dãi với thí sinh.

Khi chấm thi cũng được thực hiện nghiêm ngặt và chấm khách quan, độc lập qua 2 vòng khác nhau giữa 2 giám khảo. Ngoài ra, còn chấm kiểm tra nên giám khảo chấm bài thực hiện rất cẩn thận và không dễ dàng trong việc cho điểm. Chính vì thế, kỳ thi tuyển sinh 10 ở gần hết các địa phương có điểm thi thường rất thấp. Nhiều địa phương có điểm dưới trung bình cao hơn điểm trên trung bình.

Thứ ba: vì tổ chức thi tuyển nên điểm số mà các trường Trung học cơ sở sẽ hạn chế cho điểm ảo và thực tế điểm học bạ không chi phối trong quá trình tuyển đầu vào lớp 10. Em nào có năng lực hơn sẽ làm bài tốt hơn và sẽ là người được chọn vào lớp 10, em nào kém hơn đương nhiên khó có cơ hội vào lớp 10 công lập. Yếu tố thi tuyển không có chuyện hên xui và không có cơ hội cho những tiêu cực len lỏi vào.

Thứ tư: những em rớt tuyển sinh 10 cũng sẽ không phải tiếc nuối vì bài thi đã đánh giá đúng năng lực của các em. Từ đó, giúp cho các em đánh giá đúng trình độ, khả năng của mình để định hướng cho tương lai của mình mà không phải băn khoăn, tiếc nuối.

Thứ năm: việc thi tuyển sẽ giúp cho việc phân luồng của các nhà trường, địa phương thuận lợi hơn. Bởi vì những em không có năng lực thực sự sẽ không dám đăng ký thi tuyển sinh bởi các em tự nhận thức sẽ khó có cơ hội vào lớp 10.

Thứ sáu: các trường Trung học phổ thông sẽ lựa chọn được những học sinh tốt nhất vào trường của mình. Hiện tượng nhầm lớp, nhầm cấp sẽ không xảy ra như hình thức xét tuyển. Bởi lẽ, khi thi tuyển thì ngay từ cấp Trung học cơ sở, nhất là ở lớp 9 các em phải tích cực học tập nên chất lượng đầu vào thường cao hơn so với xét tuyển.

Tuy nhiên, hạn chế của việc thi tuyển là áp lực học tập của học sinh rất lớn, nhất là những trường ở khu vực đô thị vì các em không tăng cường học thêm, không có động lực học tập tốt là không có cửa đậu vào lớp 10. Bên cạnh đó cũng gây ra tốn kém cho phụ huynh khi con em mình phải học thêm nhiều tháng trời.

Những ưu điểm và hạn chế của việc xét tuyển

Việc xét tuyển cũng sẽ có những ưu điểm nhất định, đó là khi xét tuyển sẽ tiết kiệm cho ngân sách địa phương một khoản tiền rất lớn khi không phải tổ chức Hội đồng coi thi; Hội đồng chấm thi; tổ chức chấm phúc khảo. Bởi vì Hội đồng xét tuyển cơ bản chỉ gói gọn trong phạm vi các trường Trung học phổ thông tự làm. Số lượng người tham gia ít và công việc thực hiện cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Các em học sinh lớp 9 sẽ học nhàn hơn, áp lực của học kỳ II không lớn vì các em chỉ hoàn thành chương trình học và nhà trường xét tốt nghiệp và gửi hồ sơ để xét tuyển. Vì thế, các em không phải cặm cụi học ngày, học đêm và học thêm triền miên từ ngày này sang ngày khác.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng đỡ được một khoản tiền rất lớn cho con ôn tập ở trường và học thêm ở nhà thầy cô giáo. Các trường Trung học cơ sở cũng nhẹ nhàng trong kiểm tra, không nhất thiết phải học tăng tiết, tăng buổi để hoàn thành sớm chương trình học. Giáo viên bộ môn cũng đỡ vất vả hơn khi không phải dạy tăng tiết.

Điều quan trọng là sức khỏe của học sinh không bị ảnh hưởng quá nhiều trong quá trình ôn thi tuyển sinh, nhất là những em đã có học lực giỏi trong 7 học kỳ vừa qua (lớp 6,7,8 và học kỳ I lớp 9).

Tuy nhiên, hạn chế của việc xét tuyển sẽ nhiều hơn đối với thi tuyển. Bởi vì theo kế hoạch của các địa phương, đa phần các trường Trung học phổ thông chỉ tuyển được khoảng trên dưới 70% số lượng học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Cũng chính vì thế, sẽ dẫn đến hiện tượng nhiều trường Trung học cơ sở sẽ hào phóng cho điểm học sinh lớp 9 ở mức cao nhất có thể nhằm giúp cho học sinh trường mình có tỉ lệ đậu cao hơn đơn vị bạn. Hơn nữa, phần nhiều các địa phương áp dụng nhân hệ số 2 đối với điểm số ở lớp 9 và hệ số 1 đối lớp 6, 7, 8 nên việc hào phóng cho điểm ở học kỳ II đối với các môn học là điều khó tránh khỏi.

Vì thế, có thể các trường sẽ có cuộc chạy đua ngầm về điểm số cho học sinh và đương nhiên những điểm ảo về học lực giỏi, khá sẽ nhiều hơn. Thậm chí, có thể xảy ra tình trạng phụ huynh chạy điểm ở cuối lớp 9 nhằm giúp cho con em mình có nhiều cơ hội hơn trong việc xét tuyển.

Vậy nên, các trường Trung học phổ thông không thể phân biệt được đâu là học sinh giỏi, khá thực sự để tuyển vào vì họ chỉ có thể căn cứ vào học bạ của học trò để xét.

Việc xét tuyển còn là lý do cho nhiều học sinh chững lại trong học tập vì các em không quá lo lắng với việc xét tuyển, nhất là những trường thuộc khu vực nông thôn, miền núi, nơi có tỉ lệ chọi thấp. Từ đó, dẫn đến chất lượng thực của đầu vào của nhiều trường Trung học phổ thông sẽ thấp hơn rất nhiều so với thi tuyển.

Chính vì vậy, việc tuyển sinh 10 hiện nay có lẽ chỉ nên xét tuyển ở khu vực khó khăn, những vùng có điều kiện thì tổ chức thi tuyển sẽ khả quan hơn vì thi tuyển không chỉ nâng cao được chất lượng đầu vào mà đó là cách tuyển sinh công bằng và khách quan nhất cho thí sinh.