Tương lai nào cho sinh viên trót học sai ngành?
Không ít sinh viên học đến năm 2, năm 3 đại học mới phát hiện bản thân chọn học sai ngành, không cảm thấy hứng thú với lĩnh vực đang được đào tạo. Chán nản, hoang mang là tâm trạng của nhiều sinh viên trong giai đoạn này.
Lựa chọn khó khăn khi phát hiện bản thân học sai ngành
Đăng ký ngành học theo định hướng từ bố mẹ, Khánh Hà (Hải Dương), sinh viên năm 2, chuyên ngành Kế toán – Tài chính của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát hiện mình đang học sai ngành, đang loay hoay tìm ngành nghề khác phù hợp với bản thân.
"Sau hơn 1 năm học tại trường, tôi thấy môi trường học tập chuyên ngành này cứng ngắc, không giúp mình năng động hơn. Trong khi bản thân tôi thích giao tiếp nhiều, muốn tham gia các hoạt động cộng đồng.
Vì không hứng thú với việc học, nên tôi học trên trường chỉ để qua môn và cố gắng có tấm bằng đại học cho bố mẹ yên tâm. Thời gian khác tôi dành để tham gia câu lạc bộ tình nguyện và đi làm thêm. Bên cạnh đó tôi xoay sở để có thời gian học thêm kỹ năng thiết kế.
Nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn ngành truyền thông. Còn bây giờ thì vẫn học, nhưng sau này, rất có thể tôi sẽ làm trái ngành", Khánh Hà tâm sự.
Nữ sinh Trường Đại học Quốc tế cũng chia sẻ thêm, bản thân giờ đây vẫn được bố mẹ chu cấp ăn học, nên nếu bây giờ chuyển ngành/trường không trong các lĩnh vực mà bố mẹ mình hiểu biết và coi trọng thì chắc chắn không được chấp thuận.
Cũng đang học năm 2 và biết bản thân học không đúng chuyên ngành mong muốn, Lê Thị Thùy Trang (Thanh Hóa) lựa chọn việc học song bằng để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Thùy Trang cho biết: "Do không đỗ chuyên ngành Báo Mạng điện tử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nên tôi đã chọn học ngành Triết học của Học viện. Hiện tại, tôi đã đăng ký học song bằng để đạt được mục tiêu là trở thành phóng viên, nhà báo trong tương lai".
Học tốt một ngành đã khó, để cùng theo đuổi hai ngành học càng thách thức hơn, từ việc sắp xếp lịch học, môn học cho hợp lý, không bị trùng nhau, đến việc hoàn thành bài tập, thi cử, tham gia các hoạt động để vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có kỹ năng mềm.
"Nhiều khi lịch nộp bài tập đến dồn dập, tôi bị căng thẳng, phải thức xuyên đêm để hoàn thành, các nội dung thực hiện cũng không được như ý. Tiền học phí bị trội lên vì mình học thêm nhiều môn nữa. Tôi đã cân nhắc rất kỹ, được gia đình ủng hộ nữa nên phải cố gắng hết sức để cân bằng được cả hai ngành đang theo", Thùy Trang bộc bạch.
Không giống Khánh Hà hay Thùy Trang, phải sang lần lựa chọn thứ 3, Tô Thanh Lể (Quảng Bình) mới chọn được ngành học phù hợp. Thanh Lể cho biết thi đại học lần đầu, anh theo học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Quảng Bình vì nghĩ rằng đây là ngành hot, phù hợp với xu hướng hiện nay.
Học một thời gian, Lể cảm thấy thích thú hơn với Văn học. Nên ngay năm sau, nam sinh này đã chọn thi lại và đỗ chuyên ngành Sáng tác văn học của Đại học Văn hóa Hà Nội.
Theo học chuyên ngành này một thời gian, Thanh Lể thấy rằng, "cốt" của Văn học là Triết học. Hơn nữa, chuyên ngành Sáng tác văn học vẫn không thỏa mãn mong muốn hiểu biết của Lể nên anh đã thi đại học lần thứ 3 và đăng ký ngành Triết học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
"Mỗi lần chuyển ngành như thế, tôi đã rất đắn đo. Nhưng nghĩ rằng nghề nghiệp sẽ theo mình cả đời, tôi chỉ mất 2 năm thôi nhưng để sống mấy chục năm còn lại với ngành, nghề yêu thích thì sự đánh đổi đó là xứng đáng", Thanh Lể bày tỏ quan điểm.
Học sai ngành không có nghĩa là bi kịch
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường hợp sinh viên năm 2 thậm chí năm 3 thay đổi ngành học xảy ra không hiếm tại các trường đại học.
Sinh viên muốn thay đổi nguyện vọng, ngành học là điều đáng tiếc. Tuy nhiên việc học trong những năm trước đó không hoàn toàn lãng phí vì các bạn vẫn được học những kiến thức về mặt lý luận, phương pháp, nhân sinh quan, thế giới quan.
"Tôi nghĩ sinh viên có thể cân nhắc việc học song bằng. Bởi đã học 3 năm một ngành nào đó rồi, nếu học sang một ngành khác liên quan và bản thân thấy hứng thú, sinh viên sẽ tận dụng được sự liên thông giữa các ngành, tức là không phải học những môn đã được học ở ngành đầu tiên. Sau 5 năm, sinh viên sẽ có hai bằng đại học. Việc này đỡ lãng phí hơn việc bỏ ngang khi đang học năm 2 hay năm 3", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương nói.
Cùng quan điểm trên, chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin: "Quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 đã mở rộng hơn trong việc sinh viên chuyển ngành với điều kiện điểm GPA đạt chỉ tiêu và điểm thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh đạt chuẩn đầu vào năm dự thi.
Như vậy, giả sử sinh viên không yêu thích chuyên ngành hiện tại, hoàn toàn có thể tìm trong gần 140 chương trình đào tạo của Đại học Quốc Gia Hà Nội để cân nhắc chuyển ngành khác. Ngược lại, đối với các sinh viên trường khác muốn vào Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể xem mình có đảm bảo tiêu chí như điểm đầu vào, GPA học kì 1 hay không".
Học sai ngành không phải là đã mất "đặt cược" cho tương lai
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa: "Trường hợp sinh viên không thể chuyển ngành trong trường hay hệ thống các trường, các sinh viên đó có thể thi với khóa sau, bắt đầu lại.
Đại học là một con đường trong rất nhiều con đường khác nhau của cuộc sống. Điều đó có nghĩa, nếu sinh viên chọn sai ngành cũng không phải là dấu chấm hết và không nên quá bi quan.
Để thành công, chuyên môn chỉ chiếm khoảng 15%. Vì thế nếu sinh viên cho rằng mình chọn nhầm ngành, sinh viên có thể cố gắng học tốt ở ngành đó. Còn lại hãy trau dồi 85% thái độ sống và kỹ năng toàn diện để sau này, ra ngoài xã hội vẫn làm tốt ở ngành, nghề khác".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh cũng cho rằng, sinh viên không nên có suy nghĩ việc lựa chọn ngành nghề là một sự "đặt cược". Bởi lựa chọn ở thời điểm này có thể đúng nhưng sau khi có thêm thông tin, sinh viên lại thấy không hợp.
"Điều đó không phải là bi kịch. Chúng ta còn cả tuổi trẻ phía trước. Quan trọng là các bạn có chấp nhận sự thất bại hay không", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhấn mạnh.
"60 tuổi đi học đại học cũng không sao cả. Các bạn hoàn toàn có thể thay đổi được nghề nghiệp của bản thân mình nếu muốn. Nhưng hãy hạn chế việc chọn sai. Càng tăng tuổi, trách nhiệm với gia đình, cuộc sống càng lớn. Chúng ta sẽ càng khó quyết định chọn giữa việc chọn nghề theo sở thích hay theo kinh tế để nuôi gia đình".
Thạc sĩ Đinh Đức Hiền, chuyên gia giáo dục hướng nghiệp
"Việc chọn ngành học là rất quan trọng với mỗi người nhưng không phải là tất cả. Học tập là quá trình cả đời. Quan trọng hơn là chúng ta rèn luyện được khả năng thích ứng".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google