Tục lệ tao nhã: xin chữ đầu năm
Tục xin chữ - cho chữ đã trở thành một truyền thống tốt đẹp không thể thiếu trong mỗi dịp đầu năm. Truyền thống này thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ người Việt Nam, rất cần được lưu giữ.
Đối với người Việt Nam, mỗi dịp Xuân về thì người người, nhà nhà đều đi xin chữ. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa, và đối với nhiều gia đình cũng là những việc làm quan trọng, cần thiết trong những ngày đầu năm. Vào dịp Tết, tại các nơi có truyền thống hiếu học, tục lệ xin chữ về treo cả năm trong nhà sẽ mang lại những điều may mắn như một phong tục đẹp đẽ của mọi người.
Tục lệ tao nhã: xin chữ đầu năm
Theo kinh nghiệm dân gian, ý nghĩa của việc xin chữ đầu năm là mong muốn cả một năm đều may mắn, bình an và phúc lộc thọ tràn ngập với bản thân cũng như gia đình. Mỗi chữ được viết theo phong cách Hán Việt hoặc cũng có thể là chữ Quốc ngữ trên những tấm giấy điều đỏ/trắng hoặc giấy lụa, nét bút thanh tao, mạnh mẽ, uốn lượn, thể hiện trình độ, tay nghề, thẩm mỹ và cảm xúc của người viết chữ.
Người Việt Nam thường xin chữ trên những tấm giấy to bản, như một bức tranh để có thể mang về đóng khung treo trên tường, nhiều chữ khéo viết sẽ như một họa phẩm tuyệt tác với nét đẹp riêng không thể sánh ví.
Những chữ cái thường được nhiều người xin là những điều mà nhiều người ước muốn như chữ: Tài, Lộc, Phúc, Thọ, An, Khang...
Xin chữ cũng là thể hiện tinh thần hiếu học
Chữ viết thường được thể hiện bởi các thầy đồ, các nhà nho, các họa sỹ chuyên viết thư pháp. Khi xin chữ, người xin thường chia sẻ với người cho chữ những điều mà mình mong muốn. Khi thỉnh chữ, họ cũng có ý muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ. Việc xin chữ cũng là một truyền thống tốt đẹp về tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt Nam.
Từ xa xưa, khi muốn xin chữ vào đầu năm mới thì người đi xin chữ phải chuẩn bị một cái lễ nhỏ nhỏ bao gồm: Trầu cau, chè thuốc,... để đến nhà thầy đồ xin chữ. Đặc biệt thầy đồ phải là những người hay chữ trong vùng, nho sĩ hoặc đỗ tú tài do nhà vua ban.
Vào ngày nay chúng ta không cần phải cầu kỳ đến tận nhà các thầy đồ nữa mà chỉ cần đến các khu phố ông đồ, các triển lãm nghệ thuật, các khu du lịch, các ngôi chùa cổ kính, các hội thiêng của non sông... những nơi tập trung đông người du xuân, hái lộc.
Trong số những người cho chữ thường là những bậc cao trí, có tuổi đời và kinh nghiệm dài, rộng, nhưng cũng có nhiều ông đồ "trẻ" là những tài năng xuất chúng có niềm đam mê nghệ thuật, biết học hỏi bộ môn Hán học, đọc nhiều, am hiểu nhiều và có tài năng thể hiện thư pháp trên giấy gió, trên lụa. Bộ môn này khá khó, nét chữ sẽ như một tác phẩm nghệ thuật, có những chữ viết chỉ đạt được một lần trong đời của người họa sỹ...
Xin chữ năm nay - Tết Quý Mão 2023
Nói đến xin chữ đầu năm ở Hà Nội, bạn có thể nghĩ ngay tới Văn Miếu, Quốc Tử Giám - Hà Nội. Đây là trường Đại học đầu tiên của Kinh thành Thăng Long xưa, di tích đã có gần 1.000 năm tuổi, đã từng là nơi đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi tham quan nổi tiếng của Hà Nội trong dịp Tết, ở đây thường là nơi tổ chức các sự kiện học tập lớn, các sự kiện tôn vinh truyền thống hiếu học danh giá, khen tặng các sỹ tử xuất sắc, trao giải cho các tài năng học, nơi đây cũng là địa điểm tụ hội các tài năng thơ ca hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, Văn Miếu là nơi các sĩ tử thường đến "cầu may" trước mỗi kỳ thi quan trọng.
Khi đến xin chữ tại Văn Miếu, bạn sẽ rất dễ dàng gặp được các thầy đồ, các nhà nho ưu tú của đất Kinh Kỳ. Ngay trong những ngày đầu năm từ 1,2,3 Tết, di tích Văn Miếu đã mở cửa sẵn sàng chào đón du khách thập phương tới xin chữ, cầu may cho sự nghiệp học hành - thăng tiến - đỗ đạt.
Sau khi đã viết chữ, thường thầy đồ sẽ giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ mà người xin mong muốn, để mỗi người có thể hiểu hết được những ý nghĩa sâu sắc trong đó. Qua đó, người xin chữ cũng học hiểu thêm về nét đẹp văn hoá dân tộc có từ xa xưa.
Các chữ được du khách thường xin năm nay bao gồm: Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn. Trong đó, chữ Tâm là xin cầu thanh tịnh, xóa hết dục vọng, ích kỷ, hận thù, để có được một cuộc sống bình yên, thanh thản; Chữ Phúc tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, sung sướng nên thường được nhiều người xin để trang trí trong nhà; Chữ Đức là biểu trưng cho nét đẹp và đạo đức của con người. Người xin chữ đức để răn dạy chính bản thân mình phải sống tốt, làm những điều tốt đẹp để tâm hồn được an nhiên; Chữ Nhẫn có nghĩa là độ lượng, là sự khoan dung và bản lĩnh của con người.
Ngoài ra, người Việt với truyền thống tôn sư trọng đạo, cũng thường thích treo các chữ Hiếu cầu cho sự biết ơn, chữ Tín để đem niềm tin cậy, chữ Duyên cho những người bạn trẻ cầu tình duyên.
Được biết, tại Hà Nội Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 diễn ra từ 15/1 đến 29/1, mở cửa hàng ngày từ 8 giờ đến 20 giờ. Các ngày mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết, Hội chữ Xuân mở cửa đến 22 giờ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google