Tết Nguyên đán là nghi lễ truyền thống đặc biệt của người Việt, chứa đựng ý nghĩa to lớn về ước vọng có cuộc sống no ấm đủ đầy, viên mãn, sum vầy.
Cuộc sống hiện đại giờ đây đã khiến cho Tết nay dần không còn giống như Tết xưa. Không chỉ ý nghĩa của Tết nhạt dần mà nhiều người còn sợ Tết, ghét Tết vì Tết trở thành gánh nặng lo toan, nhiều phiền phức trong giao đãi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Tết đang bị mai một, mất “chất” và đang “nhạt” dần. Hình ảnh Tết xưa với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, với những niềm vui thuần khiết đã trở thành một miền ký ức khó có thể quay trở lại.
Nét đẹp truyền thống của Tết liệu có biến mất theo thời gian? Làm sao để những giá trị cốt lõi của Tết, ý nghĩa văn hóa thiêng liêng của dân tộc được lưu truyền và tiếp nối mãi về sau? Đó luôn là trăn trở của những người yêu Tết truyền thống mỗi mùa xuân sang.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa nhận định, giá trị văn hóa truyền thống nói chung và những nét văn hóa Tết nói riêng đang có nguy cơ bị mai một. Đây là vấn đề khiến cho giới nghiên cứu cũng như những người yêu quý văn hóa Việt Nam phải động lòng, suy nghĩ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, văn hóa Tết Việt ngày nay đã khác rất nhiều so với văn hóa Tết của ngày xưa. Nhiều khái niệm văn hoá gắn với Tết dường như không còn quen thuộc với mọi người hoặc nhiều người không hiểu, không rõ và không còn áp dụng trong thực tế.
Tết xưa được chờ đợi bởi đó là dịp đoàn viên, sum họp của gia đình. “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” hay “Mùng 1 là Tết tại gia, mùng 2 Tết ngõ, mùng 3 Tết đường”.
Nhưng nay đã khác rồi, ngay trong cảm quan của người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ không còn coi việc đoàn viên trong ngày Tết như tiếng gọi thiêng liêng, của giá trị gia đình, dân tộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngày nay, không cần phải về quê ăn Tết, hoặc nếu có về thì cũng chỉ là ghé qua miền quê như một chuyến đò ngang. Sau đó, người ta sẽ rời đi và sử dụng những ngày Tết theo cách của riêng mình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, các mỹ tục trong văn hóa Tết cũng đang có nguy cơ bị thất truyền, mai một.
Ví dụ như tục lì xì. Ngày xưa, lì xì được coi là một phong tục rất đẹp, đó là mỹ tục mang đậm giá trị văn hóa.
Thế nhưng, hiện nay, không ít người lại thương mại hóa phong tục này và biến nó thành dịp thực hiện các hành vi, mục đích khác nhau mang tính chất thế tục để có thể thăng tiến, mua quan bán chức…
Thực tế, nhiều người không hiểu giá trị của phong bao lì xì mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là giá trị vật chất.
Cũng có ý kiến cho rằng, Tết không cần phải gói bánh chưng. Thế nhưng, mấy ai hiểu được ý nghĩa của bánh chưng xanh. Đó là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam, kết tinh năng lực, phẩm chất, giá trị truyền thống của người Việt.
Bánh chưng không đơn thuần là thứ để ăn, mà nó còn là thức dâng trời, đất, đó là đạo hiếu, là thế ứng xử của con người đối với vũ trụ và các bậc tiền bối.
“Và một điều cũng đáng buồn không kém là Tết nay không còn nhiều những trò chơi dân gian.
Những trò chơi chứa đựng nếp nghĩ, lối sống, chiều sâu giá trị văn hóa của người Việt đang mất dần, thay vào đó là sự lên ngôi của trò chơi có thưởng, trò chơi điện tử.
Đành rằng công nghệ thông tin, cách mạng khoa học 4.0 sẽ làm thay đổi hình thức, phương thức, phương tiện phục vụ con người nhưng con người mà đứt đoạn khỏi quá khứ, quay lưng lại với quá khứ, từ chối những trò chơi dân gian thì sẽ đánh mất ít nhiều giá trị, ý nghĩa của ngày Tết”, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cũng bày tỏ nỗi lo về thực trạng người trẻ thờ ơ với văn hóa truyền thống.
Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, nếu những người trẻ không hiểu, không biết các giá trị văn hóa truyền thống thì không thể trở thành truyền nhân văn hóa và thực tế này sẽ hình thành sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại.
Khi đó, chủ trương của Đảng là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khó có thể thực hiện được.
“Thậm chí bây giờ con người còn hờ hững với Tết, có người còn chủ trương bỏ Tết Nguyên đán mà họ quên mất Tết chính là bảo tàng văn hóa, bảo tàng mỹ tục.
Cho nên tiếng gọi của Tết và tuần tự các lễ nghi trong ngày Tết chúng ta thực hiện không phải níu kéo quá khứ mà là kết nối quá khứ để những gì thuộc về truyền thống sẽ trở thành bệ phóng cho tương lai.
Thế hệ ông cha gói bánh, giã giò nhưng ta thì có thể mua bánh bán sẵn dâng lên tổ tiên mà không cần mất nhiều thời gian. Lễ thức dâng lên tổ tiên không quan trọng bằng lòng thành chúng ta ký thác gửi gắm vào trong lễ vật", Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng nói".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng, mọi người cần phải chấp nhận sự thật là Tết đang đổi thay, chấp nhận nhưng đừng phủ nhận các giá trị của Tết, đừng để đến khi quay lưng lại với quá khứ rồi mới thấy đó là điều quan trọng.
Ở góc độ tâm lý, theo chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, nỗi lo lắng Tết bị mai một ở nhiều người, là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
“Theo khoa học tâm lý, con người cảm thấy an toàn với những gì quen thuộc và thiếu an toàn với những gì lạ lẫm, không nói đến chuyện tốt hay xấu bởi đó còn phụ thuộc và quan điểm của mỗi người”, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến lý giải.
Đối với những người ở độ tuổi trung niên trở lên, Tết sẽ đồng nghĩa với những nghi thức văn hóa như cúng lễ tổ tiên, lì xì, thăm hỏi, chúc tụng, bữa cơm sum vầy…
Phản ứng của giới trẻ với một vài nghi thức văn hóa đã khác, làm cho những người yêu Tết truyền thống, thường là các ông bà, bố mẹ, thấy rằng hình ảnh trong tiềm thức của họ về Tết, cách mà ngày xưa họ hoan hỷ mong chờ đón Tết đã vắng bóng và họ cảm thấy tiếc nuối.
Lúc này, ông bà, bố mẹ muốn hướng con cháu đến những nét truyền thống nhưng nếu sự định hướng không đủ khéo léo sẽ làm Tết thiếu vui.
“Đừng yêu cầu con trẻ phải biết mọi việc, dù là việc nhỏ nhất. Chúng ta phải đồng hành, dẫn dắt và dạy dỗ con. Yêu thương vô điều kiện là tình yêu thương không kỳ vọng”, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam nhận định.
Theo chuyên gia Bùi Thị Hải Yến, muốn giải quyết mâu thuẫn này, các thành viên trong gia đình cần đối thoại, đặt vào vị trí của người nhau.
“Tôi khuyến khích ông bà, bố mẹ có trải nghiệm nhiều hơn đặt mình vào vị trí của con trẻ và tự trả lời câu hỏi điều gì đã hình thành nên cách ứng xử và quan điểm của các con như vậy”, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cho hay.
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến nói thêm: Nếu muốn con trẻ có quan điểm Tết truyền thống giống mình, các bậc phụ huynh phải đồng hành, làm mẫu cho con ngay từ khi còn nhỏ.
Nếu mẹ muốn Tết đến, con nấu những nồi nước thơm để xông nhà hay rửa mặt, gội đầu thì mẹ cần nói với con ý nghĩa của nồi nước thơm đó, cùng con nhặt sạch các loại lá và đun lên, chứ không làm sẵn và bảo con dùng đi.
Từ việc làm các món ăn ngày Tết, ý nghĩa của các phong tục, tập quán đều phải được truyền dạy từ khi con còn rất nhỏ. Đây là một quá trình dài, và khi để bỏ lỡ quá trình ấy, quan điểm đón Tết của các con đã khác thì chỉ có cách đặt vào vị trí của nhau để thấu hiểu.
Trong đó, ông bà, bố mẹ cần phải hiểu con, cháu của mình trước, cùng đồng hành và dẫn dắt. Từ đó khiến con tâm phục khẩu phục và giúp con đặt vào vị trí của người lớn để thấu hiểu.
Hai, ba thế hệ trong một gia đình cùng thấu hiểu nhau thì dù Tết truyền thống, Tết hiện đại hay kết hợp cả truyền thống và hiện đại sẽ không còn là vấn đề lớn.
Khi đó, những giá trị truyền thống mà chúng ta muốn giữ gìn chắc chắn sẽ được gìn giữ, những nét văn hóa chúng ta muốn phát huy, cũng sẽ được lan tỏa".
Thực hiện: Đắc Quang - Ngọc Ánh
Thiết kế: Việt Hoàng