Tuần qua, giá vàng, giá dầu cùng tăng

PV
17:35 - 13/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, giá vàng và giá dầu thô đều ghi nhận đà tăng. Trong đó, đây là tuần tăng giá thứ tư liên tiếp của thị trường vàng.

Giá vàng tăng tuần thứ 4 liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/8, giá vàng thế giới ghi nhận đà tăng với giá vàng trong các hợp đồng kỳ hạn hết hạn vào tháng 12 tăng 8,30 USD (tương đương 0,5%), lên 1.815,50 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Theo Dow Jones Market Data, đây là chuỗi tăng giá dài nhất kể từ ngày 31/12/2021. 

Cùng với đà suy yếu của đồng USD và tâm lý của những người tham gia thị trường đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để tìm kiếm manh mối về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá vàng đã tăng liên tiếp trong 2 phiên đầu tuần này.

Tuần qua, giá vàng, giá dầu cùng tăng - Ảnh 1.

Giá vàng và giá dầu đều ghi nhận đà tăng trong tuần này.

Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng lại tụt dốc khi những bình luận của các quan chức FED cho thấy khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ khá mong manh, ngay cả khi số liệu lạm phát tháng 7 của Mỹ có dấu hiệu "hạ nhiệt". Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 đã không tăng so với tháng trước nhờ giá xăng giảm. 

Vàng được đánh giá là tài sản có xu hướng hoạt động tốt trong môi trường lãi suất thấp, vì vậy việc FED tiếp tục đưa ra những bình luận "diều hâu" về thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường này.

Nhiều chuyên gia như ông Rupert Rowling, chuyên gia phân tích thị trường của Công ty Quản lý tài sản Kinesis Money (Liechtenstein), hay ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty Dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ), đều cho rằng giá vàng sẽ gặp khó nếu FED kiên định thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng đã hạ dự báo đối với giá vàng.

Giá dầu trong tuần được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực

Khép lại phiên 12/8, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9 giảm 2,25 USD (2,4%), xuống 92,09 USD/thùng, qua đó thu hẹp mức tăng trong cả tuần qua còn 3,5%. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 76 xu (0,8%), xuống 98,84 USD/thùng, khép lại tuần giao dịch vừa rồi với mức tăng 4,1%.

Một linh kiện bị hỏng đã khiến hoạt động của đường ống dẫn dầu từ các cơ sở khai thác ngoài khơi ở Vịnh Mexico bị gián đoạn. Nhưng theo Hãng tin Reuters, một quan chức của bang Louisiana cho biết linh kiện bị hỏng này sẽ được thay thế trong ngày 12/8.

Tuần trước, những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng đã đẩy giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 13,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất của dầu Brent kể từ tháng 4/2020.

Trong khi đó, giá dầu WTI tuần trước cũng giảm 9,7%.

Tuy nhiên, bước sang tuần này, cả hai chuẩn dầu trên đều đã lấy lại đà tăng sau khi những số liệu về tăng trưởng việc làm ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, bất ngờ tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng 7.

Ngoài ra, số liệu xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc cũng hỗ trợ giá dầu. Theo đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã nhập khẩu 8,79 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7, tăng so với mức thấp nhất trong 4 năm ghi nhận vào tháng 6. Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ một năm trước đó.

Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ sau thông tin Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, do giá khí đốt tự nhiên tăng cao khiến một số nước chuyển sang sử dụng dầu.

Các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng giá dầu vẫn có cơ hội tiếp tục tăng cao hơn, khi nguồn cung thắt chặt trong thời gian tới vẫn là một bài toán lớn với các quốc gia.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận