Chống giá vàng "nhảy múa"- Bài 1: "Vàng hóa nền kinh tế" và sự ra đời Nghị định 24
Cách đây 11 năm, vàng hóa trở thành một vấn đề nan giải của nền kinh tế trong nước. Để giải quyết vấn đề, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và chọn SJC độc quyền sản xuất vàng miếng.
Vàng hóa nền kinh tế
Vào năm 2011, vàng bất ngờ tăng giá chóng mặt làm dấy lên nỗi lo kim loại quý này sẽ lấn át đồng nội tệ trên một số phương diện. Trong khi lượng vàng được nhập khẩu để bán ra thị trường Việt Nam chưa bao giờ được coi là đủ, thì lượng vàng tồn đọng trong dân cũng được cho là rất lớn...
Từ đó, ở nước ta mới bắt đầu đề cập đến khái niệm vàng hóa nền kinh tế.
Hiện chưa có chỉ số nào đo lường mức độ vàng hóa. Tuy nhiên, quay trở lại 11 năm trước, có thể thấy khi đó nền kinh tế Việt Nam có độ vàng hóa khá cao khi xét theo các chức năng tiền tệ mà vàng đã thay thế, hay lấn át Việt Nam đồng tại thời điểm đó.
Thứ nhất, trong hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ, tại thời điểm đó, vàng có thể được chấp nhận rộng rãi và thanh toán không hạn chế một cách khá dễ dàng ở trong nước. Đặc biệt, vàng được dùng thanh toán cho các giao dịch lớn, mua bán nhà cửa, đất đai.
Thứ hai, khi định giá những mặt hàng lớn như nhà đất, ô tô, người dân thường quy ra đơn vị cây vàng, hay lượng vàng. Như vậy, vai trò định giá của vàng đã phát huy.
Thứ ba, vào năm 2011, khi lạm phát gia tăng, giá bất động sản trầm lắng, giá chứng khoán sụt giảm liên tục, dân chúng đã đổ xô đi mua vàng. Thị trường kim loại quý chứng kiến những đợt tăng giá chóng mặt và nhu cầu ngày càng nhiều.
Theo thống kê của Hiệp hội vàng thế giới (WGC) tại thời điểm 2011, Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về nhu cầu vàng. Theo tổ chức này ước đoán, lượng vàng còn tồn trữ lại trong dân Việt Nam dưới dạng cất trữ là khoảng 1.000 tấn, tương đương với khoảng 56 tỉ USD theo thời giá năm 2011 (1.750 USD/ounce).
Như vậy, có thể thấy mức độ vàng hóa nền kinh tế theo nghĩa vàng thay thế Việt Nam đồng trong một số chức năng tiền tệ ở nước ta thời điểm đó đã vào loại hàng đầu thế giới.
Hệ lụy từ "cơn sốt" vàng
Với quyền lực của mình, mỗi khi "cơn sốt" vàng nổi lên, các cơ quan quản lý lại đau đầu ứng phó, còn người dân lại lùng sục tìm mua, tích lũy.
Theo các chuyên gia, cứ có "cơn sốt" vàng, nền kinh tế lại nhập khẩu thêm vàng để can thiệp và bình ổn giá. Nhà nước sẽ phải cho phép dùng hàng triệu USD để nhập vàng, cắt ra rồi bán cho dân. Doanh nghiệp vì thế mà mang ngoại tệ đi nhập vàng, trong khi lẽ ra nên dùng để nhập nguyên liệu, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng.
Về mặt tâm lý, vì lo lắng Việt Nam đồng mình cầm trong tay mất giá, người dân sẽ tìm cách mua bằng được vàng.
Chính vì vậy, nếu vàng hóa nền kinh tế càng cao, nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ càng lớn và gây sức ép phá giá đồng tiền Việt Nam.
Trên thực tế, hiện chưa có nghiên cứu nào về việc vàng có thể làm suy giảm vai trò tiền tệ của Việt Nam đồng. Tuy nhiên, vàng hóa khả năng sẽ tạo ra trào lưu giữ vàng hơn là giữ tiền, đặc biệt là khi lạm phát có xu hướng nóng lên, lượng tiết kiệm có thể sử dụng được (nguồn cung tín dụng) của nền kinh tế giảm đi. Trong cung cầu vốn tín dụng trên thị trường tiền tệ, tình trạng vàng hóa nền kinh tế gia tăng sẽ dẫn đến lãi suất thị trường tiền tệ gia tăng.
Sự ra đời của Nghị định 24 và thế độc quyền của SJC
Trước tình trạng thị trường vàng gây bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô, ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tại Khoản 2 và 3 Điều 4 quy định: "Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".
Khi Nghị định 24 ra đời đã phát sinh nhiều hoài nghi về tính hiệu quả, bởi lẽ tại thời điểm đó, thị trường vàng trong nước cũng như thế giới đều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, thói quen nắm giữ vàng gần như đã hằn sâu vào ý thức của người dân Việt Nam, vì vậy khó lòng có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Tuy vậy, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định từ khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý Nhà nước được thực hiện hiệu quả. Nhiều năm nay, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.
SJC được thành lập vào năm 1988, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 16/9/2010, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV với tên gọi Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC.
Theo Nghị định 24, từ hơn 10 năm nay, vàng miếng SJC đã được chọn làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia. Và thế độc quyền của SJC trong sản xuất vàng miếng đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhất là hiện nay giá vàng trong nước đang "nhảy múa" thì lợi ích của SJC càng lớn nhưng lại không đủ sức để bình ổn thị trường vàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, trước tình hình giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới, Nghị định 24 với sự độc quyền của SJC cần phải cấp thiết thay đổi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google