Từ ngày 10/9, mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có thể sẽ giảm dần

Quỳnh Giang
12:29 - 09/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mưa lớn từ ngày 7-8/9 đã gây thiệt hại tại 3 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An làm 1 người mất tích, hàng chục ngôi nhà bị ngập, xảy ra sạt lở ở nhiều nơi. Mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có thể sẽ giảm dần từ ngày 10/9.

Mưa diện rộng ở Bắc Bộ có thể kéo dài đến ngày 12/9

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày và đêm 9/9, ở khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 120mm; các khu vực khác của Bắc Bộ có mưa rào và dông, có nơi mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 50mm.

Từ ngày 10/9, mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có thể sẽ giảm dần.

Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm 9/9 có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Cảnh báo: Mưa diện rộng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài khoảng ngày 12/9.

Trong mưa dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Thiệt hại ban đầu trong đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ - Ảnh 3.

Nhiều tuyến đường tại các xã Cắm Muộn, Quang Phong, Tri Lễ, Mường Nọc... của Nghệ An bị sạt lở.
Ảnh: Báo Nghệ An

Đề phòng lũ trên sông Hoàng Long và tại các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hiện nay, mực nước trên sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang dao động ở mức đỉnh lũ; mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An đang lên; mực nước các sông suối khác ở khu vực Bắc Bộ đang biến đổi chậm theo xu thế lên.

Lúc 8 giờ ngày 9/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 3,85m, trên báo động 2 là 0,35m.

Trung tâm này dự báo, trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống mức 3,5m, ở mức Báo động 2.

Trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống mức 3,3m, dưới báo động 2 là 0,2m.

Đồng thời, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, từ ngày 9/9 đến ngày 10/9, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông từ Thanh Hóa, Nghệ An từ 2-3m, hạ lưu từ 1-2m; các sông suối nhỏ ở Bắc Bộ từ 1-2m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Phủ Lý lên mức báo động 2 và trên báo động 2, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, sông Hiếu lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu các sông chính còn dưới mức báo động 1.

Người dân cần chủ động đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa và Nghệ An.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.

Mưa lớn làm 1 người mất tích, hàng chục nhà bị ngập 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay khu vực ven biển, đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 8/9 đến 7 giờ ngày 9/9 một số nơi trên 100mm như: Nam Định: 209mm, Vũ Hòa (Thái Bình) 107.2mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 152mm, Trường Thi (Nghệ An) 197.8mm, Thuần Thiện (Hà Tĩnh) 134.8mm...

Bản tin phòng chống thiên tai ngày 9/9 cho biết, đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ từ ngày 7/9 đến nay đã gây sự cố sạt lở ở tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, sạt lở đoạn kè bờ sông thuộc chân cầu Đen từ suối Chăm đổ ra sông Đà, tương ứng K2+458 – K2+538 đê Đà Giang với chiều dài sạt lở mỗi bên khoảng 80m; đoạn kè bảo vệ sông Đà Giang sạt lở, khoét sâu hết phần chân kè, đoạn giáp chân cầu sạt lở hết cơ kè. Tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm tra, khoanh vùng, cắm biển cảnh báo tại vị trí sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để xử lý sự cố; tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở.

Đồng thời, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, vào lúc 7 giờ ngày 8/9, tàu Hà An 01 – HP 5768, trọng tải 1.232 tấn, trên tàu có 7 người, chở 1.077 tấn dầu nằm neo khu vực gần phao số 0 luồng Diêm Điền, do thời tiết mưa dông, sóng to, gió lớn tàu bị nước tràn vào hầm mũi, đến 11 giờ 30 phút ngày 8/9 tàu bị chìm, toàn bộ 7 người được cứu an toàn.

Thiệt hại ban đầu trong đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ - Ảnh 2.

Mưa lớn kéo dài, nhiều đập tràn trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An nước ngập băng, chảy xiết, người dân không thể đi lại. Ảnh: Báo Nghệ An

Mưa lớn từ ngày 7-8/9 cũng đã gây thiệt hại tại 3 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An như sau:

1 người mất tích lúc 15 giờ ngày 8/9/2022 là ông Nguyễn Xuân Giang, sinh năm 1985, do lũ cuốn trôi tại thôn Sòng, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Đợt mưa lớn cũng đã làm 56 nhà bị ngập ở Nghệ An, 1 nhà bị sạt lở đất ở Hòa Bình. 286,3ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập (Hòa Bình: 2,5ha; Nghệ An: 158,5ha, Thanh Hóa: 126,3ha).

Ngoài ra, ngập 3 vị trí quốc lộ 48E (Nghệ An), 10 vị trí tỉnh lộ (Nghệ An: 3, Thanh Hóa: 7), 8 vị trí đường liên xã (Hòa Bình), 10 ngầm (Hòa Bình); sạt lở ta luy tại 3 trị trí Quốc lộ 48D, Quốc lộ 16, TL543B (Nghệ An). Mưa lớn từ ngày 7-8/9 đã làm hư hỏng 30m kênh ở Nghệ An.

Ngày 7/9, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã ban hành công văn số 468/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. 

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 3 cơn bão, 1 cơn áp thấp nhiệt đới, 160 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 179 trận dông lốc, sét, 78 vụ sạt lở bờ sông, 177 trận động đất, 8 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Thiên tai từ đầu năm 2022 đã làm 117 người chết, mất tích, 71 người bị thương. 437 nhà sập, 6.692 nhà hư hỏng, tốc mái; 203.790 ha lúa, hoa màu và 25.690 ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 17.773 con gia súc, 73.167 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 325 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 4.384 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 8.810 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. 209.313 m đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng. 33 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi; sạt lở, hư hỏng 33,29km đường giao thông với khối lượng 703.932m3 đất, đá.

Thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 4.140 tỷ đồng.

(Nguồn: Tổng cục Phòng, chống thiên tai)

Bình luận của bạn

Bình luận