"Tử công phu" và chuyện "bạch ốc xuất công khanh"

Huy Minh
06:00 - 12/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với người Việt trước đây, thành tựu của một ai đó thường được đánh giá qua khoa cử. Thi đỗ, mà đỗ cao được xem là một vinh dự lớn lao. Những ông tiến sĩ, ông nghè vinh quy bái tổ luôn được xem là một hình ảnh cao quý, một "hấp lực" với tất cả mọi người.

"Tử công phu" và chuyện "bạch ốc xuất công khanh"- Ảnh 1.

Dạy trò viết chữ Nho. Ảnh: ĐK

Đây là kết quả lớn lao của công phu học tập và tu dưỡng của các ông cống, ông nghè, từ đó đóng góp không nhỏ vào giáo dục khoa cử nói riêng và góp phần xây dựng nước ta trở thành một quốc gia văn hiến nói chung.

Vừa rồi tôi được thầy mình tặng cuốn sách của phụ thân thầy - cố Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh: "Khoa cử Việt Nam và truyện các ông nghè" (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 2018), một trong số những công phu tích lũy dầy dặn của ông. Xin lược trích đôi điều về việc học hành - thi cử của cha ông ta thuở trước.

Học tài, thi phận

Theo những tài liệu cũ để lại thì từ thế kỷ VIII đời nhà Đường, nước ta đã có ông Khương Công Phụ quê ở Thanh Hóa, đỗ trạng nguyên. Nhưng đó là kỳ thi tổ chức ở Trung Hoa, Khương Công Phụ cũng làm quan ở bên Tàu. Sau đó không thấy sử sách nhắc đến ai nữa. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chính thức kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài ở nước ta và nhà Lý là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam xác lập chế độ giáo dục khoa cử có hệ thống. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học, Lê Văn Thịnh đỗ đầu (nhưng chưa gọi là trạng nguyên). Năm 1077 mở kỳ thi có ba môn: Phép viết, phép tính và hình luật để chọn người làm lại viên. Năm 1086, có khoa thi tuyển người có trình độ văn học. Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn lâm học sĩ.

Tuy vậy, việc tổ chức khoa cử vẫn chưa vào nề nếp. Phải đến đời nhà Trần, năm 1232, mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên, mới quy định cứ 10 năm lại mở một khoa. Yêu cầu khoa thi này là kiểm tra trình độ văn học. Còn có những kỳ thi lại viên, chỉ buộc những người dự thi thảo các giấy tờ hành chính (gọi là ba đẩu) và phép viết, phép tính. Vua Trần còn cho lập nhà học ở phủ Thiên Trường vào năm 1281. Đây được xem là trường "quốc lập" đầu tiên trong lịch sử, được tổ chức tại địa phương. Tại kinh đô Thăng Long thì thành lập Quốc tử viện. Học sinh học ở trường hay viện đều là con cháu tôn thất hay quan lại, và khi bổ dụng làm quan, cũng phải là người trong thân tộc. Mãi cho đến năm 1304, Đoàn Nhữ Hài được phong chức Trị khu mật viện sự, một chức vụ rất quan trọng chỉ giao cho người tôn thất. Như vậy, Đoàn Nhữ Hài mới là sĩ nhân (học trò) đầu tiên không phải người tôn thất được cử tham gia triều chính… 

Thế kỷ XIX bắt đầu với triều đại Gia Long, cũng lấy Nho học làm quốc giáo. Các vua triều Nguyễn rất chú ý đến giáo dục, nhưng ở các kỳ thi đều không lấy học vị trạng nguyên. Nhân tài do khoa cử tạo nên, ở các triều đại cũng nhiều. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều nhà nho duy tân bài xích những thói tệ trong khoa cử (trước đây một số vị quan lại triều Lê cũng đã công kích). Cho đến năm 1919 thì chế độ khoa cử theo giáo dục phong kiến hoàn toàn bị bãi bỏ.

Chế độ học tập ngày xưa hầu như chỉ dựa vào các khoa thi làm chuẩn đích. Không định thời gian học tập, không chia bộ môn (trừ môn tập làm văn và khi đã học lên mức chuyên trị kinh điển). Cứ ba năm mở một kỳ thi, ai không đỗ thì học lại chờ kỳ thi khác. Sách vở dùng để học tập cũng không thống nhất. Quy chế học tập hàng ngày cũng do thầy giáo quyết định: Thời gian học, nghỉ, đi thi. Một vài triều vua có quy định số lượng thí sinh. Như năm 1501, quy định khảo hạng thi Hương, xã lớn cho đi 20 người, xã nhỏ 10 người, xã nào ít người học thì không buộc lệ ấy. Năm 1721 lại thấy ghi: Để cho thi Hương, quan huyện được phép sát hạch các sĩ tử. Số hạch lấy đỗ chia làm 3 hạng: Lớn, vừa và nhỏ. Huyện lớn 200, huyện vừa 150, huyện nhỏ 100 người.

Đánh giá học sinh, các thầy đồ xưa chấm bài bằng mực son. Vòng son là dấu hiệu khen hay, mấy nét chấm theo đường dọc là tỏ ý khuyến khích, còn nét sổ là chê trách nặng (sổ toẹt). Phân loại học sinh có 4 bậc: Ưu, bình, thứ, liệt. Mỗi bậc cũng có khá hơn hoặc kém hơn, nên người ta còn thêm vào loại bình: Bình cộc, bình con; và thêm vào loại thứ: Thứ muỗi, thứ mác.

Ở các kỳ thi không chính thức, kỳ bình văn, sát hạch ở trường Huấn, trường Đốc, thầy giáo điểm duyệt xong bài, định ngày rằm hay mồng một, họp các trò lại để bình những bài văn hay. Việc này do các viên huấn đạo, giáo thụ, đốc học chủ trì, có mời các nhà khoa bảng chữ nghĩa địa phương đến tham dự. Những bài văn hay hoặc những câu hay đều được đưa ra tán thưởng, ghi chép làm mẫu mực. Tác giả học sinh xuất sắc có thể được các thầy cho ngồi bên cạnh và thưởng rượu gọi là khuyến miễn. Trường học ngày xưa cũng có hình phạt, thường là hình phạt làm nhục học sinh. Phần lớn những hình phạt là đánh đòn, bắt quỳ, luồn háng bạn!

Việc thi cử chính thức là thi Hương, thi Hội. Triều đình còn tổ chức những khoa thi bất thường như: Khoa Minh kinh (1429), khoa Hoành từ (1431), khoa Nhã sĩ (1865). Nhưng còn phải vào sân điện nhà vua làm thêm một kỳ nữa, gọi là thi Đình, lúc đó mới thành ông tiến sĩ (và có những học vị khác).

Những bài thi đều là những thể loại riêng, có quy tắc nhất định. Đại khái có thể hiểu đơn giản: Kinh nghĩa văn sách có tính cách như văn nghị luận. Chiếu, chế, biểu là loại công văn. Thơ phú là loại sáng tác. Chỉ dưới triều Hồ (1404) mới có thêm kỳ thi thứ 5: Chữ viết và toán. Thời kỳ Pháp đặt nền đô hộ khoa cử nhiều sửa đổi. Năm 1906 thi Hương, bỏ kinh nghĩa và thơ phú, bắt thêm luận Quốc ngữ, khoa học thường thức và một bài dịch tiếng Pháp. Thi Hội cũng chỉ thi văn sách, chiếu, biểu, tấu, sớ và các bài Quốc ngữ, chữ Pháp.

Thi cử có những quy định chặt chẽ đến nghiệt ngã. Số người thi so với số người lấy đỗ thật là một trời một vực. Năm 1499, có hơn 5.000 người thi, lấy đỗ 55 người; năm 1502 cũng số lượng ấy, lấy đỗ 61 người; năm 1514 thi 5.700 người lấy đỗ có 43 người. Trong các kỳ thi, người ta cố tại ra một không khí nghiêm minh, khắc khổ. Khi học sinh bước vào trường thi, để chống lại những người mang sách vở tài liệu người ta khám xét đến ba lần: "Quân lính các hiệu Điện tiền khám trước, quân lính các hiệu Thần vũ khám lại, rồi các viên chỉ huy hiệu úy dùng vũ sĩ cẩm y khám xét lần nữa, mới cho vào trường. Khi sĩ nhân vào trường xong, bọn quan đề điệu theo lệ, công đồng khóa cửa trường thi lại. Người ta còn đề phòng cả người đi chấm và người phục vụ. Giám khảo chỉ cử trước kỳ thi có 5 ngày. Người trật tự phải là người không biết chữ. Ai làm việc ở trường thi kỳ trước thì không được làm kỳ thi sau nữa. Ngoài ra, người ta còn quan niệm: Học tài thi phận. Phận ở đây do phúc đức, âm phần, do cái nghiệp, cái nợ nào đó ở cõi u minh mà người trần không sao lường nổi. Khi mở cửa trường thi, tiếng loa gọi đầu tiên là gọi những oan hồn vào báo oán, tiếng loa thứ hai để gọi những hồn vào báo ơn. Và: Sĩ thứ giả, thứ thứ nhập! Học sinh vào sau cùng, sau những lực lượng ma quái vô hình ấy.

Mặc dầu việc tổ chức các kỳ thi đã vận dụng mọi khả năng của chính quyền, pháp quyền, binh quyền và cả thần quyền nữa để tăng thêm sự nghiêm minh và riết róng, nhưng nhiều tệ nạn trong thi cử như mua văn bán chữ vẫn cứ xảy ra. Có những thời kỳ triều chính đổ nát, lại chính vua chúa phá bỏ nguyên tắc. Như dưới thời chúa Trịnh, Đỗ Thế Giai đã đề nghị: Một người nộp tiền ba quan không phải khảo hạch đều được vào thi, gọi là tiền thông kinh. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép việc này nói thêm: "Người vào thi đông đến nỗi giày xéo lên nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, công nhiên làm bậy, không còn biết phép thi là gì".

Gian nan lều chõng

Những bài làm trong các kỳ thi phải theo các quy tắc và thể thức rất nghiêm ngặt, học sinh phải nhớ hết tên của vua chúa đương triều, cả tên của cha mẹ tổ tiên vua để kiêng, để tránh đi, hoặc phải viết bỏ hay thêm nét, chứ không được phạm khi viết văn. Không chỉ có tên người mà cả tên lăng, miếu, đền, đài trong hoàng gia nữa. Mắc lỗi trên là phạm húy, mắc lỗi dưới là khiếm tị. Nhắc đến những chữ đế, chữ vương mà không viết riêng ra, nâng lên dòng trên là bất kính. Đặt chữ không tao nhã bên cạnh những từ chỉ vua chúa là tội khiếm trang. Giấy làm bài thi đã đóng dấu sẵn, nhưng sau khi chép đề phải viết được hai dòng rồi đi lấy thêm dấu nữa. Chung quanh chỗ đóng dấu, không được đồ, di, câu, cải (xóa, chữa, chua thêm). Vi phạm quy tắc ấy là mắc lỗi thiệp tích. Chữ trong bài phải viết kép, nếu viết đơn là mắc lỗi bạch tự. Viết không đủ quyển là lỗi bất túc, để giấy trắng là lỗi duệ bạch...

Để được trở thành ông nghè, nho sinh thời phong kiến tất phải khổ công học tập. Người xưa đã có một thuật ngữ để chỉ những nỗ lực vượt qua sự nghiệt ngã này, gọi là "tử công phu" (học đến nỗi gần như chết vì khó nhọc). Cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Ngô Tất Tố là cuốn Lều chõng, đã cho ta thấy một trường hợp như thế. Vân Hạc là một thanh niên tài năng lỗi lạc, tất cả các bài thi điểm số đều cao, chỉ vì tuổi còn trẻ, nên khoa này phải bắt hỏng, để giảm bớt sự kiêu căng, đến khoa sau mới cho đỗ, mới là đúng chủ trương kén chọn người hiền! Lý luận như vậy chẳng biết thế nào mà cãi, thí sinh chỉ có cách ôm hận quay về, lại vất vả gian nan nhiều năm tháng nữa, mới có thể mang lều chõng tiếp tục mộng khoa danh. Bị hành hạ bởi nhiều quy tắc ngặt nghèo như vậy, nho sinh thời xưa luôn phải thấp thỏm âu lo. Rất nhiều, rất nhiều người không đạt được nguyện vọng, hàng chục khoa thi lần nào cũng trượt. Cảnh túng bấn lại càng thêm túng bấn: Mấy phen thi cử đều không đỗ/ Dăm thước vườn hoang bán sạch rồi. Có những ông đồ vác khăn gói đi hết nơi này sang nơi khác, tìm nơi dạy học kiếm ăn, mặc cho vợ sống những ngày lẻ loi, dù họ không phải là người chinh phụ. Có những ông đồ khác, quên đời trong đám ca lâu tửu điếm, rồi hút xách, rượu chè... Có kẻ thi hỏng, bất đắc chí xoay sang làm giặc và tất nhiên vì lực lượng ô hợp nên bị đàn áp dễ dàng. Khi đó không những vợ con mà cả họ đều bị liên lụy.

Để được nhận học vị tiến sĩ, mang danh hiệu ông nghè trong xã hội phong kiến ngày xưa, quả không phải là một chuyện dễ dàng đơn giản. Không biết bao nhiêu thầy nho, ông đồ chỉ mới vào cửa trường thi Hương, đã phải suốt đời trì trà trì trật. Có chữ nghĩa dù giỏi giang đến mức nào, nhưng nếu không biết tuân theo khuôn khổ phép tắc thì công phu to lớn đến đâu cũng vô ích. "Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy!" - Tú Xương đã phàn nàn như thế. Lỗi lạc đến như Phan Bội Châu mà cũng phải nhiều lần thi mới giành được cái bằng cử nhân ở kỳ thi Hương. Đạt danh hiệu ông nghè ở thi Hội, thi Đình, với các nho sinh, thí sinh thuở trước là điều vạn nan. Vậy mà qua mấy thế kỷ, chúng ta đã có đến gần ba ngàn ông nghè, thì cũng phải công bằng mà nhận định rằng chí tiến thủ của các thế hệ nho sinh là rất đáng trân trọng.

Bạch ốc xuất công khanh

Những thí sinh ngày xưa phải học tập rất nhiều, phải trau dồi cho có một tri thức thông kim bác cổ. Đọc sách, phải đọc đến mức hàng ngàn hàng vạn cuốn (thiên kinh vạn quyển). Phải nhớ thật nhiều, thật đúng. Phải học thuộc lòng văn vần, văn xuôi, mức tối thiểu là: Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi (thuộc lòng một ngàn bài thơ, một trăm bài phú và năm mươi bài văn sách). Phải có một trình độ mẫn tiệp, bất thình lình gặp một trường hợp cụ thể nào cũng phải có sẵn lý luận, sẵn chữ dùng, sẵn điển tích để ứng đối ngay. Phải có một trình độ thông minh, phát hiện được ngay những lắt léo ẩn tàng trong đầu đề các bài văn hay các dụng ý của những người đối thoại. Sách giáo khoa chính thức là Tứ thư, Ngũ kinh phải nắm thật vững, thông hiểu ngọn ngành, và phải có cả trình độ chuyên trị, nghĩa là phải đi sâu vào một bộ kinh nào đó, chiếm lĩnh được những phần uyên áo (sâu xa, mầu nhiệm), để có thể phát biểu được điều sở đắc của mình. Có những ông nghè lỗi lạc, chọn riêng cho mình một bộ kinh nhất định (Kinh thi, Kinh thư hay Kinh dịch) để đi sâu. Rồi lại phải đọc cả Bách gia chư tử, bách gia là hàng trăm người, là những nhà tư tưởng, đồ đệ của các vị giáo chủ Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca qua các thời đại, và là nhà nho của các đời: Hán nho, Tống nho, Minh nho, Thanh nho. Tác phẩm của các nhà thơ lớn, đặc biệt của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đều phải thuộc lòng. Các bài ký hay luận thuyết của các ông Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Đông Pha đều phải thành thạo.v.v... Những ai đi theo con đường khoa bảng ngày xưa, đã phải tự trang bị một vốn kiến thức sách vở thật đồ sộ.

Chưa có điều kiện làm một bản thống kê điều tra về đời sống của các ông nghè xưa nay, nhưng hình như đại đa số các vị đó đều xuất thân trong cảnh nghèo nàn, đều từ "nông thôn, chân đất" mà ra. Câu thành ngữ "bạch ốc xuất công khanh" là do người ta tổng kết lại tình hình thực tế của nhiều ông nghè và ông quan thuở trước. Bạch ốc là nhà nghèo, nhà trống trơn không có của nả, không có thế lực để nương tựa, thậm chí thường thiếu cả bữa ăn. Thế mà từ những gia đình xơ xác trống trải như vậy, đã góp sức xây dựng cho đất nước những tài năng xuất sắc, đảm nhận những trọng trách để có những quyền lợi, có vị trí như những quan đại thần (được phong tước công hầu, được làm quan to trong triều). Rất nhiều giai thoại của các ông nghe, các nhà khoa giáp Việt Nam cho thấy: Họ đều chứng minh cái hoàn cảnh "bạch ốc xuất công khanh" như vậy. 

Ông nghè Hồ Sĩ Dương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) lúc nhỏ phải phụ bếp cho mẹ nấu nước bán cho khách qua đường, không có nhà ở, đến tối hai mẹ con phải ngủ nhờ trong một xó đình. Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai (Can Lộc, Hà Tĩnh) đỗ rồi, được nhà vua phong làm Thượng thư sáu bộ. Khi ghé qua một nhiệm sở, người dân nhận ra ông hoàng giáp cao sang kia chính là anh lực điền đã từng đào ao thuê cho làng mình. Ông nghè Bùi Xương Trạch (Hà Nội) hôm treo bảng ở kinh kỳ vẫn đang cày nốt thửa ruộng ở làng mình, phải có người quen hấp tấp chạy về báo cho cái tin vui thi đỗ thì mới biết. 

Rất nhiều thơ văn và giai thoại ca ngợi các mẹ, các chị có công lao tạo ra các ông nghè. Có bà mẹ trẻ chồng chết phải nuôi cả con riêng của chồng, con đẻ của mình, chắp bóp từng đồng cho các con đi học như câu chuyện bà mẹ của hai anh em Tôn Mạnh, Tôn Trọng. Có người chị đã nuôi em ăn học quên cả hoàn cảnh riêng của mình như chị của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh. Còn những người vợ thì thật là tấm gương tuyệt vời. Từ thời "tấm cám" (thời nghèo nàn cơ khổ) họ tần tảo nuôi chồng ăn học, để mong chồng đạt được danh vị. Có thể đã có đến hàng triệu người vợ như thế trong suốt bao thế kỷ xưa, và hàng triệu người mất công, vô vọng mà không hề oán, không hề dám kêu van. Nhưng những ai có chồng thành đạt thì quả là hạnh phúc vô cùng. Nguyễn Bính nói được cái hạnh phúc ấy bằng những câu thơ đẹp: Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đàng/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem/ Đêm nay mới thực là đêm/ Ai đem giăng sáng giãi lên vườn chè.

Chuyện "bạch ốc xuất công khanh" ở Việt Nam rất phong phú để chứng minh xuất thân nghèo nàn của các nho sĩ. Họ đã vượt được hoàn cảnh và xứng đáng là những ông nghè.

Vượt khó khăn về cảnh ngộ trở ngại: Học tập thường phải thức khuya dậy sớm, từ đó dễ bị mất ngủ. Sự mệt mỏi thường khiến con người chán nản, thậm chí bỏ cuộc giữa kỳ thi. Nhiều thầy nho trước đây đã nghĩ ra một các mẹo như phải treo một cái gậy, hoặc một viên gạch lớn từ xà nhà buông xuống, đóng đúng vào tầm trán của mình. Ngồi học mà buồn ngủ, gật đầu là đập trán vào viên gạch hay cái gậy, người học trò sẽ giật mình, tỉnh giấc và lại ôm lấy giấy bút. Ngày xưa học sinh gọi là "chùy thích cổ". Lại có trường hợp ở kinh thành, gặp một biến cố nào đó, nhà nước cấm thắp đèn ban đêm. Đặng Trần Côn (không đỗ ông nghè nhưng nổi tiếng là danh sĩ, tác giả cuốn Chinh phụ ngâm chữ Hán) đã đào hầm để học suốt đêm dưới địa đạo!

Vượt khó về tuổi tác: Có nhiều thầy đồ mải miết với chuyện học, chuyện thi, nhưng số phận không sớm mỉm cười với họ. Họ đã trượt khóa trước phải thi khóa sau cách mấy chục năm trời. Nhưng tinh thần học tập, ý chí kiên trì của họ thì vẫn bền bỉ, không bao giờ chán nản. Cụ Đoàn Tử Quang hỏng ngược hỏng xuôi, nhưng đến năm 82 tuổi vẫn còn lều chõng đi thi Hương để đỗ được cái cử nhân cuối bảng. Cụ phải thi cho đỗ để báo đáp công ơn của mẹ già trên 100 tuổi đang sống để chờ xem con thi cử đạt kết quả thế nào. Cụ Quách Đông Dần trên 60 tuổi, đã già yếu, nhưng vẫn đi thi và đỗ tiến sĩ, khiến cho cả nước phải trầm trồ. Cụ đã có những câu thơ đắc ý: Phen này đỗ được đại khoa/ Nước Nam biết lão: Già mà không suy. Hình ảnh ông nghè, danh hiệu ông nghè đã là một biểu tượng được tôn vinh, một niềm ước mơ của xã hội ta thời khoa cử, đúng như câu ca dao một thuở: Trai thì đọc sách ngâm thơ/ Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/ Mai sau nối được nghiệp nhà/ Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

Không phải chỉ có các thầy đồ, các nho sĩ nuôi mộng ông nghè mà tất cả cộng đồng đều có chung hy vọng chờ đợi, có chung hào hứng thành đạt.

Bình luận của bạn

Bình luận