Công dân khuyến học

Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm - điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh gần 850 năm tuổi

Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm - điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh gần 850 năm tuổi

Trần Vũ

Trần Vũ

08:24 - 08/05/2025
Công dân & Khuyến học trên

Việc tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm nhằm đảm bảo cho công tác gìn giữ, bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia Đền Đuổm gắn với Lễ hội Đền Đuổm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Di tích lịch sử quốc gia đền Đuổm là di tích thờ Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh - người có công lớn trong việc dập giặc ngoại xâm trong thời kỳ nhà Lý. Ông đã được hai đời vua nhà Lý gả công chúa và cũng là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam được hai lần phong làm phò mã.
Với hơn 30 năm cai quản phủ Phú Lương xưa (gồm các châu nay là đất thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn), đức thánh Đuổm Dương Tự Minh còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế và đưa vùng đất này trở nên trù phú, bình yên. Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh trở thành biểu tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, cũng như nêu cao tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc.
Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm - điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh - Ảnh 1.

Di tích quốc gia Đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: VNE

Tu bổ, tôn tạo Đền Đuổm - Di tích Quốc gia tồn tại gần 850 năm

Di tích lịch sử danh thắng Đền Đuổm là một ngôi đền có lịch sử lâu đời, được xây dựng từ thế kỷ XII, năm 1180 vào thời vua Lý Cao Tông. Ngày nay,Đền Đuổm là điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh của du khách thập phương, nhất là vào dịp đầu năm mới. 

Dự kiến, trong năm 2025, việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và thắng cảnh Đền Đuổm sẽ thực hiện hoàn thành. 

Nguồn kinh phí thực hiện ước tính khoảng 22,3 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn xã hội hoá.

Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm sẽ được thực hiện với các nội dung như: Tu sửa tôn tạo, gia cố ngôi đền Thượng cho hài hòa, phù hợp với cảnh quan chung của khu di tích Đền Đuổm…; Tu bổ, phục hồi Đền Trung theo kiến trúc chữ Đinh với 2 phần gồm Tiền đường và Thượng điện, diện tích xây dựng 110m²…; Tu bổ, phục hồi hai Phủ thờ công chúa Diên Bình và phủ thờ công chúa Thiều Du theo kiến trúc chữ nhật với ba gian, diện tích xây dựng 44m²/phủ…; Tu bổ, phục hồi Đình Niêng theo kiến trúc chữ nhật với ba gian, diện tích xây dựng 37m²;… Tu bổ, tôn tạo Tam quan với hình thức nghi môn tứ trụ, chiều dài cổng 12,5m, chiều cao đỉnh cột trụ giữa 7,455m. 

Cùng với đó, mở cổng nhỏ có mái tại vị trí giữa cột đồng trụ giữa và cột đồng trụ ngoài, một lối đi chính giữa, hai lối đi phụ hai bên nhỏ hơn kiến trúc cổng vòm, trên tường gắn triện, chân cột thắt cổ bồng, đỉnh trụ gắn tứ phượng…

Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm - điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh - Ảnh 2.

Năm 1993, di tích Đền Đuổm đã được xếp hạng Di tích Quốc gia, đồng thời vào năm 2017 lễ hội đền Đuổm cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Dự án Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được thực hiện nhằm đảm bảo cho công tác gìn giữ, bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia Đền Đuổm gắn với Lễ hội Đền Đuổm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng thời, việc tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Đền Đuổm cũng nhằm đảm bảo xứng tầm với giá trị lịch sử của di tích, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân; góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trước đó, ngày 18/3/2025, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 226/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên yêu cầu kiểm tra, có biện pháp xử lý việc cổng Di tích quốc gia đền Đuổm bị phá dỡ. Sau khi nhận được báo cáo số 1046/BC-SVHTTDL ngày 20/3/2025 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1255/BVHTTDL-DSVH đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng có liên quan dừng các hoạt động liên quan tác động đến hiện trạng di tích quốc gia Đền Đuổm để tránh tác động tiêu cực đến di tích, bảo vệ hiện trường (nhất là các thành phần đã tháo dỡ) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ hiện trạng di tích trong hồ sơ Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia Đền Đuổm, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thẩm định theo quy định; Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đền Đuổm và các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon