"Truyện cổ Nhật Bản" - những minh triết căn bản của đời người

Thế Vinh
07:11 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nếu như kho tàng văn học dân gian Việt Nam hướng đến sự giáo dục về phẩm chất đạo đức, lối sống thì đối với người Nhật Bản, nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc lại xoay quanh sự gắn bó mật thiết với thế giới tự nhiên.

Tự nhiên trong văn hóa của người Nhật được lưu giữ một cách tinh tế qua nhiều thế hệ trong những câu chuyện cổ tích, mà thông qua cuốn "Truyện cổ Nhật Bản" với sự tuyển dịch và biên soạn chọn lọc 56 câu chuyện cổ vừa ra mắt bạn đọc, độc giả sẽ như được bước vào bức tranh thiên nhiên thanh bình, hài hòa của Nhật Bản cổ xưa - nơi văn hóa và con người đầy nghệ thuật làm nên một nét văn hóa mang đậm dấu ấn Nhật Bản.

Truyện cổ Nhật Bản - Ảnh 1.

"Truyện cổ Nhật Bản" với sự tuyển dịch và biên soạn chọn lọc 56 câu chuyện cổ vừa ra mắt bạn đọc, độc giả sẽ như được bước vào bức tranh thiên nhiên thanh bình, hài hòa của Nhật Bản cổ xưa

"Truyện cổ Nhật Bản" - nghệ thuật trong ứng xử hàng ngày

"Truyện cổ Nhật Bản" là sự tổng hợp của những câu chuyện cổ nhỏ được các tác giả dành hơn mười năm nghiên cứu, ghi chép và mang đến cho trẻ em Nhật Bản. Ở đó có những câu chuyện hài hước, yên bình, cũng có những câu chuyện cảm động về tình người, mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, nhưng suy cho cùng, cái đọng lại ở mỗi độc giả yêu thích cuốn sách là "những minh triết căn bản của đời người" - những giá trị tinh thần được truyền qua các thế hệ của đất nước hoa Anh đào.

Các cốt truyện trong "Truyện cổ Nhật Bản" mang đến những nội dung thú vị, các chủ đề xoay quanh cuộc sống. Nội dung truyện được nhân hóa và mang đến nhiều thể loại đặc sắc, giúp cho mọi người có được những nguồn động lực và truyền cảm hứng sâu sắc. Đa số nội dung truyện thường xoay quanh những điều kỳ ảo, hư cấu mà người viết truyện mang lại. Các nội dung thường tập trung vào những điều xấu xa, hậu quả gây ra, những người tốt và những điều nhận được khi làm các việc tốt qua từng câu chuyện với những nhân vật được nhắc đến.

Ta thấy một mùa đông Nhật Bản yên bình. Đi dọc theo cuốn Truyện cổ Nhật Bản, không khó để độc giả bắt gặp hình ảnh những người nông dân, những Samurai... dành thời gian quây quần bên đống lửa vừa nói chuyện vừa canh gác; hay những đêm mùa đông lạnh giá, một mái nhà nhỏ với tiếng mèo kêu và cơn mưa lộp độp ngoài vườn... Màu trắng của tuyết, màu xanh của những loài cây mùa đông và cả những đốm lửa đỏ rực đã tạo nên một không gian yên ả xuyên suốt những câu chuyện cổ của những người Nhật Bản - vừa sống động, tình cảm, lại vừa tinh tế.

Những trang sách còn dẫn ta đến với những loài động vật nhỏ thích giúp đỡ và trả ơn cho con người, những chú chuột chăm chỉ giã bánh dày, chú cá giàu lòng vị tha hay con rắn biết trả ơn... Những loài động vật gần gũi, hoạt động như con người được nhắc tới trong câu chuyện của người Nhật như một yếu tố để đề cao, ca ngợi cuộc sống lao động, mang đến những bài học đạo đức ý nghĩa.

Bên cạnh đó, thông qua những câu chuyện cổ, độc giả có thể cảm nhận được tầm quan trọng của tấm lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, cảm thông trong suy nghĩ và văn hóa của người dân Nhật. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, lối sống vị tha, biết ơn và luôn để lòng mình được bình an sẽ là một thông điệp tuyệt vời, mang tới tính nghệ thuật trong lối hành xử hàng ngày.

Một trong những điều quan trọng nhất để tạo nên một kho tàng truyện cổ Nhật Bản giàu sức gợi, sức tả là cách sử dụng bút pháp khéo léo trong lối kể chuyện và vận dụng linh hoạt các yếu tố ngôn ngữ. Không có những nhân vật sử thi hùng tráng, không có những cảnh giao tranh quyết liệt... truyện cổ tích của người Nhật hướng đến sự thanh tịnh, yên bình trong cảnh sắc và tâm trí, nhân vật truyện tập trung vào các nhân vật bình dân trong cộng đồng như những người ngư dân, anh thanh niên đốn củi, các cô bé, cậu bé...

Truyện cổ Nhật Bản được hình thành từ lâu đời và là một trong những nghệ thuật văn học dân gian lâu đời tại quốc gia này. Những câu truyện cổ tích xuất phát từ những câu chuyện vui trong cuộc sống và được mọi người truyền tai nhau sau đó nhân hóa lên với những sự hư ảo và kỳ thú nhằm mang lại một niềm tin trong cuộc sống cũng như mang đến những bài học ý nghĩa.  Có thể nói, không chỉ đối với trẻ nhỏ, mà đối với cả những người trưởng thành, cuốn "Truyện cổ Nhật Bản" có lẽ sẽ là một người bạn đồng hành dịu dàng, tốt tính và luôn sẵn sàng ủ ấm trái tim của bất cứ ai.

Câu chuyện điển hình trong "Truyện cổ Nhật Bản"

1. Yêu nữ tuyết

Một câu truyện khá đặc sắc, kể về hai cha con gặp phải yêu nữ tuyết, sau đó người cha đã bị hại và người con trai được tha sống, tuy nhiên chàng trai buộc phải giữ bí mật. Sau đó chàng trai gặp một cô gái, hai người đem lòng yêu thương nhau và có con. Đến một hôm trời tuyết chàng trai nhớ đến chuyện năm xưa và kể cho người vợ nghe. Ngay lập tức người vợ hóa thành yêu nữ tuyết và định giết chàng trai. Tuy nhiên ngay lúc đó đứa bé bật khóc và chàng trai được tha mạng. Yêu nữ tuyết biến mất và từ đó hình thành nên một câu truyện truyền thuyết và người Nhật tin rằng khi trời tuyết sẽ có yêu nữ xuất hiện.

2. Ông thần nghèo

Câu chuyện nói về một gia đình lười biếng và thường xuyên không dọn dẹp nhà cửa. Đến một ngày ông lão tự dưng dọn dẹp và quét nhà nên cả nhà đã cùng nhau dọn dẹp. Sau khi nhà cửa sạch sẽ ông lão nghe tiếng phát ra trên trần nhà của ông thần nghèo. Vị thần bảo ông mang đến chợ gặp ông già đầu bù tóc rối. Thế là ông lão mang vị thần ra chợ tìm gặp và sau khi vị thần qua ông già kia thì ông lão trở về nhà, từ đó cả gia đình sống hạnh phúc và không ai lười biếng nữa.

Truyện cổ Nhật Bản - Ảnh 2.

Nàng Công Chúa Tuyết trên bìa "Truyện cổ Nhật Bản".

Ý nghĩa bìa cuốn "Truyện cổ Nhật Bản"

+ Sử dụng hình ảnh trung tâm là hình tượng nàng Công Chúa Tuyết xinh đẹp trong trang phục kimono truyền thống của Nhật Bản.

Trong cổ tích Nhật Bản, có nhiều truyện với nội dung yêu quái hay động vật hoá thân làm vợ con người. Trong đó thường xuất hiện yêu nữ tuyết/công chúa tuyết/cô gái tuyết hóa thân. Bìa hiện tại lấy cảm hứng từ nhân vật này.

+ Hình ảnh nguyệt môn: Nguyệt môn hay cửa nguyệt môn là một loại hình cửa đi lại đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nguyệt môn hình tròn, thường trổ trên tường trong vườn hoặc trong nhà, dành cho người đi bộ và thường mang tính trang trí, tăng tính thưởng lãm cho khung cảnh. Nguyệt môn thường thấy ở các gia đình phong lưu, giàu có. Nó tượng trưng mặt trăng và mang ý nghĩa hướng ra thế giới bên ngoài và đón các cơ hội tương lai.

+ Hai bên nguyệt môn có chấn song bằng tre, phía xa cũng có hình ảnh bụi tre. Cũng như Việt Nam và các nước châu Á, cây tre gắn bó với đời sống và văn hóa của người Nhật với nhiều công dụng phổ biến. Trong lịch sử Nhật Bản, cây tre cũng là chủ đề của các truyện cổ tích, là biểu tượng của sự may mắn và không thể thiếu trong các lễ hội. Người Nhật tin rằng, tre là loài cây bí hiểm và độc nhất vô nhị. Nó được coi như một loài cây thần thánh vì trong ruột rỗng của cây chính là nơi trú ngụ của các vị thần. Cây tre cũng là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, sức mạnh tinh thần lớn lao của người Nhật.

+ Hai bên nguyệt môn còn có hình ảnh chuông gió. Trong quan niệm truyền thống của người Nhật, chuông gió có ý nghĩa bảo vệ con người khỏi quỷ dữ. Nó cũng được sử dụng trong các nghi lễ trừ tà. Tại Nhật, chuông gió cũng được coi là vật bảo vệ, chống lại các thảm họa tự nhiên.

Về tác giả "Truyện cổ Nhật Bản"

Toshio Ozawa, sinh năm 1930 tại Mãn Châu cũ. Ông từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu Banashi, Giáo sư danh dự Đại học Tsukuba, Chủ tịch Hiệp hội Văn học Truyền miệng Nhật Bản và Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn học Truyền miệng Quốc tế. Bắt đầu từ việc nghiên cứu Truyện cổ Grimms, ông tiếp tục tiến hành nghiên cứu truyện dân gian Nhật Bản và nghiên cứu so sánh các truyện dân gian. Ông từng xuất bản các sách như Truyện cổ là gì? (Daiwa Shobo, Fukuinkan Shoten), Ngôn ngữ truyện cổ (Fukuinkan Shoten và sách tranh như Kachikachiyama và Umakatayamamanba (Fukuinkan Shoten).

Suekichi Akaba (1910 - 1990), sinh ra ở Tokyo. Ông từng đạt nhiều giải thưởng danh giá như: Giải Takeshi Motai tại Triển lãm Doga Nhật Bản (1959), Giải thưởng Văn hóa Sách Thiếu nhi Sankei cho cuốn Momotaro (Fukuinkan Shoten), White Ryu Black Ryu (Iwanami Shoten) năm 1965 và Con ngựa trắng của Suho (Fukuinkan Shoten) năm 1968, Giải thưởng Văn hóa Xuất bản Kodansha (1973), Năm 1975, Giải thưởng bức tranh Shogakukan, Giải thưởng Hans Christian Andersen hạng xuất sắc, Giải thưởng Sách ảnh của Bảo tàng Brooklyn với cuốn Con ngựa trắng của Suho (1975), Giải thưởng Hans Christian Andersen dành cho Họa sĩ với những thành tựu trong sách ảnh (1980). Ngoài ra, ông còn có rất nhiều sách tranh như Kasajizo, Daiku to Oniroku, Kuwazu Nyobo, Tsuru Nyobo, Kachikachiyama, Mirunanokura (Fukuinkan Shoten)...

Lời tác giả

"Nhật Bản ngày nay có rất nhiều sách để giải trí. Nhưng truyện cổ tích lại thấm đẫm nhân sinh quan cũng như cái nhìn của trẻ em, và thấm đẫm cái nhìn của người Nhật về tự nhiên vì họ gắn bó mật thiết với tự nhiên. Có thể nói nó chứa đựng sâu sắc những trí tuệ căn bản của đời người và được truyền qua nhiều thế hệ. Và những truyện cổ tích như vậy đã hiện lên qua ngôn ngữ chung mà vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Tôi mong chúng sẽ được truyền đến tai mọi trẻ em. Đương nhiên, có thể đọc bằng mắt cũng không sao nhưng tùy trường hợp mà thử đọc to lên và tự mình lắng nghe xem sao. Giọng nói của con người có một sức mạnh bí ẩn. Không phải là thiện hay ác mà là giọng nói ảnh hưởng trực tiếp đến trái tim con người qua đôi tai. Thời nay, văn hóa nhìn bằng mắt tràn ngập cuộc sống nhưng truyện cổ tích vốn là văn hóa nghe bằng tai nên tôi mong các em thưởng thức truyện cổ bằng tai. Chắc chắn các em sẽ hình dung ra nhiều cảnh tượng và cảm nhận được nhiều cách tiến lên trong cuộc đời". 

- Toshio Ozawa