Trương Tái và "Tây minh" - bài văn viết trên vách thư phòng

Huy Minh (tổng hợp)
06:22 - 07/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bài "Tây minh" của Trương Tái là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng qua nhiều đời. Đoạn trích ngắn gọn nhưng ý nghĩa dưới đây đã tập hợp toàn bộ những chủ đề kinh điển và là xương sống cho học thuyết của Nho giáo.

Trương Tái (Chang Tsai, 1020-1078) - nhà Nho chân chính thời Bắc Tống

Nguyên quán ở phía Bắc Trung Quốc và xuất thân trong một gia đình quan lại, Trương Tái khi chưa đầy 20 tuổi đã viết thư cho Phạm Trọng Yêm, lúc bấy giờ đang ở đỉnh cao danh vọng. Phạm Trọng Yêm đã khuyên Trương Tái nên đọc các bộ Kinh điển, trước hết là "Trung dung".

Từ đó, Trương Tái bắt đầu dùi mài kinh sử trong suốt mười năm, sự hiếu kỳ chưa được thỏa mãn thôi thúc ông nghiên cứu về Phật giáo và Đạo giáo, cuối cùng quay về Đạo của Nho giáo và toàn tâm nghiên cứu học thuyết Nho gia.

Trong thời gian dạy học về "Chu Dịch" ở kinh thành Khai Phong, đã diễn ra cuộc gặp gỡ nổi tiếng giữa Trương Tái và hai người cháu họ là Trình Hạo và Trình Di, có lẽ vào kỳ thi năm 1057 mà Trương Tái cùng với Trình Hạo đã thi đỗ.

Trong thời gian làm quan, năm 1069, Trương Tái được hoàng đế triệu kiến và mời tham gia phong trào "tân pháp" của Vương An Thạch. Nhưng khi mối quan hệ với tể tướng trở nên bất hòa, ông từ quan về ở ẩn tại quê nhà là thị trấn Hoành Cừ, Quan Trung (nay là tỉnh Thiểm Tây).

Giai đoạn cuối đời này là thời kỳ rực rỡ nhất của ông về phương diện triết học.

Sự can dự tích cực của con người vào công cuộc tạo lập Trời-Đất

Trong số các tác phẩm của Trương Tái, có thể kể đến "Dịch thuyết" và di thư tinh thần – "Chính mông". Chính mông, nhan đề sách, với nghĩa đen là "lẽ đúng đắn cho những tâm hồn mông muội" và có thể được dịch là "Kỷ luật từ khi còn trẻ" ám chỉ đến lời bình quẻ số 4 trong Kinh Dịch: "Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã" (Bồi dưỡng tâm hồn non nớt [của trẻ thơ chưa được dạy dỗ] để chúng đi trên chính đạo: ấy là sứ mệnh của Thánh nhân". Mục đích của tác phẩm là "đưa về nẻo chính" những người còn "mù mờ về Đạo", "tầm cầu một người thầy để uốn nắn họ và làm sáng tỏ những đoạn còn tối nghĩa trong Kinh Thư".

Đến thời nhà Minh và nhà Thanh thì các tác phẩm của ông mới lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng tới những triết gia tên tuổi đối lập với sự chiếm ưu thế của trường phái "Lý học" kế thừa từ anh em nhà họ Trình và Chu Hy.

Trương Tái viết những điều tâm đắc lên vách tường phía Tây thư phòng của ông, Trình Di đổi tên là "Tây minh" (bài văn ở bức tường phía Tây) và đánh giá là một "tầm nhìn chưa từng có từ thời Mạnh Tử":

"Trời là cha, đất là mẹ, ban cho ta hình dạng. Thân ta nhỏ mọn mà được ở trong vòng trời đất bao la. Cái tràn ngập trời đất là thân thể của ta, cái thống lĩnh trời đất tức là tính của ta(1). Người dân đều là anh em của ta, vạn vật là bạn của ta;(2) vua thì ta coi như người anh cả, đại thần, ta coi như gia tướng của người anh cả.

Người già ta tôn kính, là cốt quý bực tôn trưởng của ta; kẻ trẻ dại ta thương, là cốt yêu đàn con trẻ ta; bực thánh là người hợp đức với trời đất; bực hiền là kẻ tài giỏi, còn những người ốm đau, tàn tật, cô độc, góa bụa, đều là anh em ta mà vất vả khổ sở, không biết nương tựa vào đâu vậy […]

[Cha trời mẹ đất cho ta] phú quý hạnh phúc, là ưu ái cuộc sống của ta; cho ta nghèo hèn lo buồn, tức là cho viên ngọc quý để ta mài giũa vậy. Khi còn sống, ta cứ thuận (theo Trời – Đất) mà hành sự; còn khi ta chết, ta cảm thấy thanh thản an bình".

(1) Cái "Thiên địa chi tắc" (lấp đầy Trời-Đất) và cũng là thân thể ta, chính là Khí; cái "Thiên địa chi soái" (thống lĩnh Trời-Đất) và cũng là bản tính của ta, chính là lưỡng cực Âm-Dương. Xem sách Mạnh Tử: "Cái Khí ấy cực kỳ vĩ đại và mạnh mẽ. Nếu (Khí) được nuôi dưỡng bởi sự ngay thẳng mà không bị tổn hại, thì Khí ấy lấp đầy Trời Đất" (kỳ vi khí dã, chí đại chí cương, dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc vu thiên địa chi gian). 

(2) Ý chỉ "Luận ngữ" của Khổng Tử: "Trong bốn biển đều là anh em một nhà" (Tứ hải chi nội giai huynh đệ dã).

Là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà tư tưởng qua nhiều đời, đoạn trích ngắn gọn nhưng ý nghĩa này đã tập hợp toàn bộ những chủ đề kinh điển là xương sống cho học thuyết của Nho giáo: Khẳng định – có thể sánh với sự hùng hồn của Tuân Tử - sự can dự tích cực của con người vào công cuộc tạo lập Trời-Đất; ý nghĩa sự thống nhất giữa nhân sinh và vạn vật; sự tu dưỡng của bản thân trong xã hội.

Quan niệm "học không bao giờ ngừng" của Trương Tái

Là một nhà Nho chân chính, Trương Tái vẫn tin vào khả năng học hỏi mà con người là sinh vật duy nhất sở hữu, bằng ý chí của mình, con người hoàn toàn có thể vượt qua thử thách bên ngoài cũng như thói hư tật xấu bên trong:

"Tâm, ấy là cái chi phối tính và tình vậy".

Điều quan trọng là phải có quyết tâm cao độ và không ngơi nghỉ trong quá trình học tập:

"Nếu "để chí vào việc học", con người có thể vượt qua (khiếm khuyết của) Khí và thói xấu của bản thân".

Nhưng hãy coi chừng những ai ngừng học hoặc lơi lỏng dù chỉ là một chút cố gắng!

Trương Tái và "Tây minh" - bài văn viết trên vách thư phòng - Ảnh 1.

Một bức họa về Trương Tái. Nguồn: Wikimedia

"Người học chỉ cần ngừng lại, thì ngay lập tức sẽ như hình nhân bằng gỗ, kéo lắc thì động đậy, thả ra thì đứng im, chỉ trong một ngày mà trải qua vạn lần sống vạn lần chết. Người học chỉ cần ngừng lại thì không khác gì bị chết, là tâm bị chết, cơ thể tuy còn sống nhưng cũng như đồ vật mà thôi. Sự vật trong thiên hạ rất nhiều, người học vốn sống vì Đạo, nếu Đạo ngừng lại thì là chết vậy, rốt cục là vật giả dối, nên lấy hình nhân gỗ làm ví dụ để tự răn mình" (Trương Tái tập).

Tư tưởng của Trương Tái mang đậm dấu ấn của trường phái Tống Nho: Bằng con đường quay về với những gợi ý ban đầu của Khổng Tử, tư tưởng này cố gắng diễn giải những điều này bằng trải nghiệm và thực tiễn. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua cách trình bày quá trình học tập và trở thành Thánh nhân: "Học tức là học làm người", Trương Tái đã tóm tắt tư tưởng lớn của Khổng Tử bằng câu nói này, đồng thời tìm cách vạch ra chính xác nhất có thể con đường đó với hai giai đoạn chính:

"Từ người học cho tới Nhan Tử (Nhan Hồi) là một chặng đường, từ Nhan Tử cho tới Trọng Ni (Khổng Tử) là một chặng đường, (cả hai đều) cực kỳ khó đi. Hai chặng đường đó như hai cửa ải"…

Ngay cả khi Trương Tái đã vạch ra một lộ trình chính xác và cụ thể tưởng chừng như ai cũng có thể đi trên đó để trở thành Thánh nhân, đây vẫn chỉ là một đích đến không bao giờ có thể đạt được.

(Lược trích từ "Lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Anne Cheng, Omega+ và NXB Thế giới)