Trường học hạnh phúc không bài tập Tết

Thuỵ Văn
13:54 - 02/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

"Thay mặt các thầy cô giáo, tôi hứa với học sinh của trường từ nay thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán". Tuyên bố của thầy giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội được phụ huynh và học sinh cảm kích. Nhiều công dân bình luận: xây dựng trường học hạnh phúc không khó!

Trường học hạnh phúc không bài tập Tết- Ảnh 3.

Học trò Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hoà thi văn nghệ và mặc áo dài truyền thống trong hội xuân trước khi nghỉ Tết nguyên đán.

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã từng đưa ra bình luận và phân tích nhiều chiều về việc các trường học có nên giao bài tập Tết cho học sinh hay không? Rất nhiều lý do của các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh và ý kiến của chính các em về việc có nên làm bài tập Tết vào kỳ nghỉ đặc biệt này trong năm? Và vì sao người lớn cùng nghỉ việc để lo Tết, dành thời gian xum vầy cùng gia đình, cập nhật thêm kiến thức về truyền thống, về họ hàng, tình thân, quê quán thì các học sinh lại phải lo bài tập Tết?  

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang khi đưa ra quan điểm không giao bài tập Tết cũng cho rằng, sau một học kỳ, Tết là dịp để học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không cần giao bài tập để học sinh được vui chơi, tham gia các hoạt động cùng gia đình một cách thoải mái, không bị áp lực bài vở.

Tại trường, nhiều năm nay đã quán triệt thầy cô không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trước khi học sinh nghỉ học, thầy cô nhắc nhở, khuyến khích các em tham gia, phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, trò chuyện nhiều hơn với người thân để gắn kết tình cảm.

Rất nhiều trường học hiện nay đều coi trọng việc học sinh cần được trải nghiệm và cảm nhận không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Năm 2024, nhiều trường đã tổ chức lễ hội gói bánh chưng cho các em tham gia, thậm chí thuê các đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp để tổ chức hội xuân nhằm để các học sinh chơi mà học - học mà chơi, có dịp tìm hiểu ý nghĩa Tết cổ truyền, học kỹ năng tập thể và thêm gắn kết với nhà trường, với bạn bè. 

Thế hệ người cao tuổi có thể vào trường cùng các học sinh gói bánh, luộc bánh, vớt và nén bánh, tranh thủ truyền thụ những nét đẹp phong tục tập quán của thế hệ trước cho thế hệ sau. Những kỹ năng cần thiết cho bất cứ người Việt Nam nào trong hành trình đời người gồm: cắm hoa, làm bánh bột nếp vốn là nét văn hoá của đất nước nông nghiệp, trang hoàng nhà cửa, những điệu dân ca dân vũ, trò chơi dân gian... 

Các học sinh được cổ vũ để mặc áo dài dân tộc, trang phục dân tộc và tham gia trò chơi, thể hiện kỹ năng cá nhân, tài năng ngoài môn học như hát, múa, nhảy, chơi trò chơi... Các em cũng được khuyến khích để chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc kỉ niệm học trò, mái trường, ghi ơn thầy cô, để mãi về sau này, các học trò còn nhớ mãi nơi mình được học tập, rèn luyện, làm động lực để học chuyên sâu, học lên cao giúp ích cho bản thân, cho xã hội. 

Như vậy, giá trị của những ngày xuân tươi vui ấm áp sẽ không chỉ dừng ở một vài bài tập về nhà phải hoàn thành, mà sẽ là cả bầu trời xuân học trò.