Bài tập về nhà vào dịp Tết có thực sự cần thiết?

Nguyễn Khanh
17:18 - 09/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm nào, vào dịp cận đến Tết, các phương tiện thông tin đại chúng lại phản ánh về tình trạng giáo viên giao bài tập Tết cho học trò. Nhiều phụ huynh, học sinh đều nêu mong muốn giáo viên ở các nhà trường đừng giao quá nhiều bài tập bởi học sinh rất áp lực.

Hãy để các em được hưởng một Tết trọn vẹn

Việc giao bài tập vào dịp Tết thực ra không thực sự cần thiết và cũng chẳng có tác dụng gì bởi đây là thời điểm mà học sinh đã vừa kiểm tra học kỳ I xong, học kỳ II mới bước vào 1-2 tuần lễ. 

Hơn nữa, giáo viên cũng muốn được thảnh thơi, nghỉ ngơi trong dịp Tết thì cớ gì lại quàng cho học sinh của mình sợi dây vào chân? Nếu có tình trạng này, giáo viên hãy nên bỏ thói quen của mình để học sinh một cái Tết trọn vẹn.

Giáo viên phải giao bài tập cho học sinh làm vào dịp Tết để làm gì? - Ảnh 1.

Để trẻ nghỉ ngơi, học nấu ăn, dã ngoại hoặc tìm hiểu truyền thống gia đình, văn hóa trong dịp Tết. Ảnh: TTH

Thầy giáo Hữu Hưng, một giáo viên cấp Trung học cơ sở chia sẻ: "gần 20 năm dạy học và chỉ trừ năm tập sự ra thì năm nào tôi cũng được phân công dạy học sinh lớp 9. Thông thường, học sinh cuối cấp luôn chịu áp lực học tập rất lớn vì phải luyện tập cho kỳ thi tuyển sinh 10. Tuy nhiên, việc giao bài tập cho các em vào dịp Tết là hơi quá, vì có giao thì các em cũng không có nhiều thời gian thực hiện. Vả lại, việc làm một số bài tập trong vài ngày nghỉ Tết ngắn ngủi không thực sự cần thiết".

Áp lực chuẩn bị bài vở là liên tục cả năm

Thực tế hiện nay, các em học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 có tới hơn chục môn học song hành mỗi năm. Phải nói rằng, những em học sinh có động lực học tập rất căng thẳng và mệt mỏi, nhất là các em đang chịu tác động lớn của nhiều phương pháp dạy học mới mà ngành giáo dục đang triển khai.

Môn nào cũng yêu cầu học sinh chuẩn bị bài trước, vì thế, những em cán sự lớp, những em học giỏi thường phải thực hiện các khâu chuẩn bị cho nhóm, tổ của mình nên học tập rất căng thẳng, mệt mỏi mới có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập mà thầy cô giáo giao hằng ngày.

Chính vì vậy, trong quá trình đứng lớp, nhiều thầy cô giáo đã cố gắng giải quyết hết các bài tập cơ bản ở trên lớp cho học trò. Vì thực tế, nếu giáo viên và học sinh làm việc hợp lý thì bài tập sẽ không còn rớt lại và tất nhiên học sinh còn phải áp lực làm bài tập ở nhà.

Đối với những bài mới, thực hiện chủ trương của Bộ là giao nhiệm vụ học tập cho học trò chuẩn bị trước khi học. Nhưng, nếu như giáo viên chỉ giao những nhiệm vụ cơ bản nhất đối với bài học và yêu cầu học sinh hiểu đến đâu, làm đến đó, không chép tài liệu trên mạng để đối phó với giáo viên, không yêu cầu học sinh phải chuẩn bị tất cả các câu hỏi, các hoạt động động của bài học mới là điều đáng trân quý.

Nếu giáo viên cứ máy móc áp dụng cứng nhắc theo hướng dẫn, học sinh sẽ luôn cảm thấy áp lực vì mỗi buổi học thì các em đều học từ 3-5 môn học khác nhau. Thực tế cho thấy, học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà chu đáo, đúng hết thì phần lớn là chép ở tài liệu mua sẵn hoặc lời giải sẵn trên mạng, vì thực tế các kiến thức này các em chưa học. Nếu đã biết tường tận, thì có lẽ học sinh không cần phải đến trường!

Nếu giáo viên cứng nhắc, áp đặt thì học sinh sẽ tìm cách đối phó, chép ở đâu đó rồi đến nhóm của mình báo cáo sản phẩm. Kết quả là, các em lên trình bày đúng hết nhưng bản chất của vấn đề không nằm ở chỗ đúng, mà là học sinh có hiểu được nội dung hay không? Những lời trao đổi của bạn bè, những nhận xét, đánh giá của thầy cô chỉ là một cách khen nhau giả vờ, đầy "chất kịch".

Đối với các bài tập trong sách giáo khoa, nếu thầy trò giải hết trên lớp thì học sinh cũng không cảm thấy quá áp lực với môn học và sẽ tạo cho các em hứng thú và thích thú với học tập. Học sinh học đến đâu, dứt điểm đến đó nên khi Tết đến không chịu một ràng buộc nào về bài tập còn lại.

Những thói quen cũ, cách làm cổ cần lược bỏ

Một số giáo viên vẫn duy trì thói quen cũ là giao bài tập trong sách giáo khoa, giao bài tập mở rộng hay giao một số đề sưu tầm được rồi giao cho học sinh làm vào dịp Tết với ý nghĩ để học sinh không quên bài.

Nhưng thầy cô đã quên mất một điều là học sinh vừa trải qua kỳ kiểm tra học kỳ căng thẳng, vất vả và suốt nhiều tháng học tập liên tục của học kỳ I thì các em cũng cần được nghỉ ngơi, cũng cần được những ngày thảnh thơi cùng gia đình, bạn bè.

Một vài bài tập không nâng cao được chất lượng và cũng chẳng làm cho học trò siêng năng hơn nhưng nó sẽ tạo cho nhiều học sinh khiếp sợ trong những ngày Tết vì đi chơi ở đâu cũng lo lắng bài tập của thầy cô đã giao cho lớp.

Thực ra, lịch nghỉ Tết của học sinh ở các địa phương thường chỉ dao động trên dưới 10 ngày. Đây không phải là thời gian quá nhiều để các em quên đi kiến thức mà mình đang học. Nếu các em được nghỉ ngơi và có cái Tết trọn vẹn bên gia đình thì biết đâu sẽ là niềm vui, động lực để các em bước vào năm mới với khí thế học tập mới.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vì thế, các thầy cô giáo cũng cần tránh giao bài tập cho học trò. Bởi cho dù giao bài tập cho học trò và các em đều thực hiện thì giáo viên cũng lấy đâu thời gian để xem bài làm của các em ra sao. Sau Tết, bước vào học là thầy và trò lại tiếp tục với các bài học mới theo phân phối chương trình đã được phê duyệt sẵn. Tiết học nào thì bài học đó, có đâu thời gian để quay lại bài tập Tết.

Việc giao bài tập Tết của một số giáo viên là không cần thiết và cũng chẳng có văn bản nào yêu cầu, bắt buộc phải làm việc này. Vì thế, thầy và trò cũng không cần "mua thêm việc". Tác dụng chưa thấy nhưng chắc chắn phụ huynh và học sinh sẽ không thích thú gì với việc này.