Vẫn tranh cãi việc giao bài tập Tết, học trong Tết cho học sinh
Cứ gần tới thời gian học sinh được nghỉ Tết, giáo viên lại đắn đo, do dự và cân nhắc việc có nên giao bài tập để học sinh về làm trong những ngày nghỉ Tết hay không?
Giáo viên cân nhắc vì rất nhiều ý kiến khác nhau về bài tập làm trong dịp Tết. Ra bài tập Tết cũng sẽ gặp phản ứng từ một số phụ huynh mà không ra bài tập Tết cũng sẽ có người gọi điện, nhắn tin chất vấn.
Phụ huynh chất vấn: Tại sao giáo viên không giao bài tập Tết?
Cô giáo Quỳnh Mai, giáo viên một trường tiểu học cho biết: "Học sinh mới nghỉ Tết được vài ngày nhưng tôi đã nhận được khá nhiều tin nhắn và điện thoại từ một số phụ huynh. Họ hỏi và thắc mắc vì sao cô không giao bài tập về nhà? Không có bài làm con tôi suốt ngày chơi điện thoại".
"Phải là bài tập thầy cô giao con mới chịu làm. Cha mẹ kêu học nhưng chúng cứ lơ lơ và nói, thầy con không giao bài thì không phải làm", một phụ huynh cho biết.
Có phụ huynh chất vấn rằng tại sao cô lại không giao bài tập về nhà trong khi thời gian nghỉ Tết của các em lại quá dài?
Có phụ huynh lại ra chiều năn nỉ kiểu; "Cô ơi! Cô cho tôi mấy đề ôn tập về cho cháu học cũng được. Cô cứ gửi qua tin nhắn cho nó đọc mới tin". Một số phụ huynh đều than phiền rằng, không đi học, không có bài tập về nhà suốt ngày con chỉ nằm chơi điện thoại và xem ti vi.
Phụ huynh phản ứng: Thời gian nghỉ Tết, tại sao thầy cô lại giao bài tập về nhà?
"Đã có không ít lần, mình bị phụ huynh chất vấn, Tết là thời gian để trẻ nghỉ nghỉ ngơi, vui chơi bên gia đình. Giao bài tập về nhà, con miệt mài làm suốt ngày thì lấy thời gian nào để vui cùng gia đình?", chị Quỳnh Hoa (phụ huynh học sinh tiểu học) bức xúc cho biết.
Đã có phụ huynh gọi điện thoại nói khá gay gắt kiểu: "Tết thì ai cũng được nghỉ ngơi, thầy cô cũng không phải dạy thì tại sao lại bắt các em phải học bài? Có người còn phản ứng gay gắt: "Văn bản nào, quy định nào yêu cầu giao bài tập về nhà những ngày nghỉ Tết?'.
Vì sao một số phụ huynh phản đối việc giao bài tập về nhà?
Thường thì phụ huynh ít phản đối khi con có bài tập về nhà trong thời gian nghỉ Tết. Tuy nhiên, số lượng bài tập vừa phải, vừa sức với các em.
Phụ huynh chỉ phản đối khi lượng bài tập được ra quá nhiều. Học sinh dù miệt mài, cần mẫn làm ngày đêm vẫn không xong . "Con tôi mới học lớp 3 nhưng có những đêm 2 mẹ con ngồi học đến tận 11 giờ mới xong".
Có phụ huynh bậc trung học cơ sở cho biết: "Mỗi môn học con thường đem về từ 6 đến 7 đề ôn tập. Đề nào đề ấy quá dài. Nhiều hôm cả gia đình về quê nhưng cậu con trai đang học lớp 7 vẫn miệt mài ngồi bên sấp giấy.
Cái lý của giáo viên khi giao bài tập về nhà vào dịp Tết
Khi giao bài tập về nhà, giáo viên phải tốn khá nhiều công sức như soạn đề ôn tập, kiểm tra, nhắc nhở và chấm sửa bài cho học sinh. Tuy nhiên, dù tốn thêm thời gian, công sức nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn muốn được giao bài tập về nhà cho học sinh.
"Thời gian nghỉ Tết của học sinh thường kéo dài khoảng 2 tuần. Thời gian này. Phần đông phụ huynh đang đi làm. Vì thế, các em học sinh ở nhà không có bài tập để làm, không có ai cai quản nên thường tụ tập chơi bời hoặc miệt mài luyện game, xem phim, chơi tiktok.
Có bài tập để các em làm cũng sẽ hạn chế phần nào việc cày phim, lướt mạng", cô giáo Vân Khánh cho biết.
Mong muốn là thế nhưng giáo viên lại nhận được phản ứng trái chiều từ một số phụ huynh. Có người cho rằng, Tết là thời gian học sinh được nghỉ ngơi, đi thăm ông bà, đi du lịch, vui xuân thì không nên bắt các em phải gò mình ngồi làm bài tập.
Đã tốn thêm công sức lại gặp rắc rối khi phụ huynh phản ứng trái chiều. Vì thế nhiều thầy cô giáo đã không còn giao bài tập về nhà cho học sinh vào dịp tết.
Vậy làm thế nào để giúp học sinh không quên kiến thức mà vẫn có thời gian vui xuân?
Bài tập ra vừa đủ, kiến thức ôn tập cần trọng tâm, vừa sức. Tránh ra đề kiểu ôm đồm, đánh đố, những bài toán nâng cao kiểu "nát óc' đối với các em.
Với giáo viên bậc trung học, các thầy cô giáo bộ môn cần họp lại và thống nhất với nhau về số lượng đề bài sẽ giao cho học sinh. Tránh kiểu mạnh môn nào môn ấy ra dẫn đến đề quá tải. Học sinh phải mất quá nhiều thời gian để làm bài khiến phụ huynh phản ứng.
Ngoài một số đề ôn tập nặng về kiến thức, cần có thêm những câu hỏi, bài tập mang tính kỹ năng thông qua những việc làm cụ thể ở nhà. Ví dụ ý nghĩa của ngày tết Nguyên đán của dân tộc ta.
Tìm hiểu phong tục tập quán ngày tết của các dân tộc Việt Nam. Nêu cảm xúc khi đi viếng mộ ông bà hoặc lau dọn bàn thờ tổ tiên, phụ cha mẹ dọn dẹp nhà cửa. Rồi hiểu thế nào về tập tục mừng tuổi, nhận mừng tuổi như thế nào cho đẹp, cho văn minh lịch sự?...
Những nội dung ôn tập và học như thế sẽ giúp học sinh hào hứng hơn với việc học và dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ thầy cô giao mà không phiền đến cha mẹ. Vì thế, cũng sẽ không bị phản ứng nhiều như cách ra bài ôn tập thông thường trước đây.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google