Trung Quốc tăng cường đưa giáo viên thỉnh giảng về nông thôn

Lam Linh
11:20 - 03/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhằm cải cách giáo dục nông thôn với mục tiêu cân bằng sự khác biệt sâu sắc giữa nông thôn và thành thị, Trung Quốc đã tăng cường đưa giáo viên thỉnh giảng về nông thôn.

Trung Quốc tăng cường đưa giáo viên thỉnh giảng về nông thôn - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc, trong 5 năm qua, nước này đã chi 53,3 tỷ nhân dân tệ để tuyển dụng sinh viên sư phạm về giảng dạy tại các trường nông thôn. Ảnh: CGTN

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đưa ra một loạt cải cách giáo dục với mục tiêu cân bằng sự khác biệt sâu sắc giữa nông thôn và thành thị. Giáo dục nông thôn ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng xa xôi phía Bắc, Tây và Tây Bắc, đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ nước này.

Gần đây, Nội Mông, nằm ở biên giới với Mông Cổ và là một trong năm khu tự trị của Trung Quốc đã khởi xướng thực hiện phát triển giáo dục nông thôn với mức độ ưu tiên cao.

Sự thay đổi chưa từng có về dân số thành thị - nông thôn

Vào những năm 1960, ở Trung Quốc có tới 84% dân số sống bên ngoài thành phố. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1980 - trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, dân số nông thôn đã giảm liên tục.

Đến năm 2011, một nửa dân số đất nước này đã chuyển đến các thành phố lớn hoặc nhỏ trên khắp Trung Quốc. Cuộc di cư nông thôn chưa từng có này không chỉ là kết quả của lợi ích kinh tế mà còn là kết quả thực tế đáng thất vọng của giáo dục nông thôn ở Trung Quốc.

Thực tế giáo dục nông thôn ở Trung Quốc

Kéo theo cuộc di cư đến các thành phố là sự suy giảm nhanh chóng của các cơ sở giáo dục ở nông thôn và số lượng học sinh theo học. Do đó, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố các trường học quy mô nhỏ ở nông thôn cần được quan tâm đặc biệt. Đồng thời chính thức đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ người dân nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2015. 

Theo Ngân hàng Thế giới, trong khoảng thời gian này, 43% dân số Trung Quốc thường xuyên sống ở khu vực nông thôn. Trong đó, trẻ em nông thôn vẫn chiếm khoảng một nửa số học sinh được giáo dục trong nước.

Sự phân bổ dân số không đồng đều đi kèm với sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục thể hiện như sau: Trong khi 77% dân số thành thị nhận được trình độ học vấn cao hơn hoặc tương đương với trình độ trung học phổ thông thì chỉ có 47% dân số nông thôn đạt được điều đó.

Một trong nhiều thách thức trong việc cải thiện giáo dục nông thôn ở Trung Quốc là sự bất ổn, mất cân bằng và không tương thích của cơ cấu giáo viên ở các vùng sâu vùng xa. 

Theo đó, các giáo viên toàn thời gian có xu hướng chuyển đến các thành phố để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Điều này đã gây khó khăn cho trẻ em nông thôn trong việc có được môi trường học tập ổn định và an toàn. 

Việc phân bổ giáo viên được thực hiện theo các quận trung tâm thay vì từng trường nông thôn, khiến một số thông số bao gồm độ tuổi, môn học và giới tính của đội ngũ giáo viên gần như không thể kiểm soát và cản trở cơ hội ghép giáo viên với các trường theo nhu cầu cụ thể của họ.

Hơn nữa, các trường học ở vùng nông thôn Trung Quốc thường phản ánh việc thiếu nguồn nhân lực và giáo viên phải đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt trong khi số lượng học sinh nông thôn đôi khi rất đông.

Trung Quốc tăng cường đưa giáo viên thỉnh giảng về nông thôn

Trước vấn đề này, một trong những đề xuất của Chính phủ Trung Quốc là phân phối lại nguồn lực giáo viên theo cách bình đẳng hơn. 

Tại Hohhot (Nội Mông) đã áp dụng chính sách đối với hầu hết giảng viên và giáo viên ở các quận nội thành phải bắt buộc chuyển công tác đến các trường học ở nông thôn trong 1 năm.

Ruifang Li, giáo viên tại một trường trung học cơ sở công lập đã chia sẻ về trải nghiệm về việc thỉnh giảng ở một trường tiểu học ở nông thôn. Từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023, Ruifang Li là một trong số 5 giáo viên được cử đến một trường trung học cơ sở ở Hohhot để dạy học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Ngôi trường nơi cô làm việc có một hiệu trưởng, khoảng 20 giáo viên và 200 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 6. Mỗi lớp ở trường học này không quá 40 học sinh. Nhà trường cung cấp dịch vụ nội trú, hỗ trợ hầu hết học sinh sống trong khuôn viên trường trong tuần.

Tín hiệu đáng mừng từ chính sách cải cách giáo dục nông thôn

Nhìn chung, Ruifang đánh giá chương trình này rất hữu ích cho việc học tập của học sinh nông thôn. Trong chương trình kéo dài 1 năm, giáo viên này đã nhận thấy sự khác biệt lớn giữa trình độ của học sinh nông thôn với học sinh thành phố.

Để dạy những học sinh này, Ruifang đã sáng tạo ra nhiều cách giảng dạy, đồng thời áp dụng những kỹ năng sư phạm cô từng dạy học sinh ở thành phố như: phương pháp giảng dạy đổi mới, thuyết trình đa phương tiện, thư viện và video trực tuyến. Ruifang nhận xét rằng, học sinh ở nông thôn rất hào hứng và quan tâm đến những kiến thức giáo viên mới ở thành phố cung cấp.

Về phân công công việc, đối với các giáo viên địa phương, họ vẫn được phân công làm giáo viên chủ nhiệm của mỗi lớp học. Công việc của họ là quản lý các vấn đề của học sinh từ điều kiện sống đến phát triển cá nhân. Đồng thời, những giáo viên này cũng sống luôn trong trường cùng với các học sinh.

Trái lại, các giáo viên thỉnh giảng đến từ thành phố ít quan tâm đến đời sống cá nhân của học sinh hơn. Nhiệm vụ họ phải đảm nhiệm là giảng dạy từng môn học cụ thể.

Nguồn: Borgen