Trung Quốc giữ vai trò tâm điểm về tốc độ phục hồi kinh tế Châu Á

Quang Minh
09:43 - 03/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á phần lớn đang cơ bản phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ chưa cao. Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hồi phục tốt hơn cho các quốc gia.

Mở cửa trở lại - Trung Quốc tạo ra cơ hội

Có thể nói, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã tạo ra một cú "hích" cho các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương tăng trưởng trở lại trong năm 2023. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, tốc độ phục hồi đang bị cản trở bởi lạm phát cao và nợ hộ gia đình. 

Báo cáo dự báo tăng trưởng ở châu Á, trong đó có Trung Quốc sẽ tăng tốc trong năm nay sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch và tái mở cửa. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc, sự phục hồi ở những quốc gia khác trong khu vực chỉ ở mức trung bình do áp lực lạm phát và nợ hộ gia đình làm chậm chi tiêu của người tiêu dùng.

Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, các nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 5,1% trong năm nay, tăng so với 3,5% vào năm 2022. Các nền kinh tế lớn của châu Á như Indonesia, Philippines, Thái Lan... sẽ phục hồi chậm lại, đồng thời đối mặt với rủi ro từ tăng trưởng toàn cầu suy yếu, tác động lan tỏa từ xung đột ở Ukraine và các thảm họa do biến đổi khí hậu.

Nhu cầu xuất khẩu từ khu vực này cũng chậm lại do Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất để đạt các mục tiêu về lạm phát. Tranh chấp giữa Mỹ Và Trung Quốc về thương mại và công nghệ là “thách thức trước mắt nhất” đối với khu vực. Các biện pháp trừng phạt và các hạn chế mà mỗi bên áp đặt cho bên kia ở một mức độ nhất định đã chuyển hướng thương mại sang các nước khác. 

Địa chính trị có thể làm gián đoạn thương mại và hạn chế chia sẻ công nghệ, qua đó ảnh hưởng tới các nền kinh tế châu Á. Các chuyên gia kinh tế tư nhân cũng đã hạ dự báo tăng trưởng trong khu vực trong năm nay, viện dẫn khả năng các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể gây suy thoái ở Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn khác. 

Các quốc gia Châu Á cần tìm cách khắc phục nhiều khó khăn

Nhiều quốc gia trong khu vực đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần sau khi chi tiêu quá tay trong thời kỳ đại dịch, trong khi các hộ gia đình cũng phải vay nợ nhiều. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới lưu ý châu Á đã đạt được những bước tiến lớn trong việc xóa đói giảm nghèo nhưng quá trình hướng tới thu nhập cao hơn và giảm bất bình đẳng đang trì trệ do cải cách và hiệu suất lao động chậm lại. 

Ngân hàng Thế giới kỳ vọng các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng hơn so với dự báo trước đây, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong các hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng khu vực này không bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của 1 số ngân hàng toàn cầu. Ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, các nền kinh tế khu vực cần tìm cách khắc phục trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi, bao gồm căng thẳng thương mại gia tăng, dân số già hóa nhanh chóng và rủi ro khí hậu. 

Theo ông Aaditya Mattoo: “Các quốc gia cần giải quyết các nhu cầu cải cách lâu dài như đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và y tế công cộng để cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cải cách sâu hơn, quản lý chủ động hơn và hợp tác quốc tế là chìa khóa để giải quyết một số thách thức này. Tôi nghĩ rằng tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của khu vực trong năm nay. 

Trung Quốc, vốn chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, phần lớn nhờ sức tiêu dùng nội địa mạnh mẽ phục hồi sau những khó khăn do COVID-19". Ngân hàng Thế giới cũng nêu ra 4 hành động chính sách được cho là cần thiết để giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á gồm cải cách tài chính vĩ mô, cải cách cơ cấu, cải cách liên quan đến khí hậu và hợp tác quốc tế.


Nguồn: VOV
Bình luận của bạn

Bình luận