Việt Nam chưa thể nối lại đường bay đến Trung Quốc tới cuối tháng 4

PV
18:03 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không Việt Nam phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4 hoặc sang tháng 5/2023 để chờ các quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam.

Việt Nam chưa thể nối lại đường bay đến Trung Quốc tới cuối tháng 4 - Ảnh 1.

Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh tư liệu: TTXVN

Năm 2019 (trước dịch COVID-19), thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng hàng không hai nước khai thác; trong đó, có 11 hãng hàng không Trung Quốc gồm Air China, China Eastern, China Southern, Hainan Airlines, Lucky Air, Sichuan Airlines, Xiamen Airlines, Okay Airways, Chongqing Airlines, Shenzhen Airlines và Donghai Airlines) khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần.

Phía Việt Nam có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, và Vietjet Air khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc và Nha Trang) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ với tổng cộng 421 chuyến/tuần.

Sản lượng vận chuyển năm 2019 đạt xấp xỉ 8 triệu khách, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt trên 4,6 triệu khách, chiếm trên 60% thị phần. Trung Quốc là thị trường quốc tế lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Hàn Quốc với lượng hành khách đi lại phần lớn là khách du lịch.

Giữa tháng 2/2023, ngành du lịch Trung Quốc công bố mở lại tour du lịch đến 20 quốc gia, nhưng Việt Nam không có tên trong danh sách này. Điều này được đánh giá đã làm chậm kế hoạch khai thác của các hãng hàng không Việt Nam.

Trước đó, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế với các chuyến bay quốc tế thường lệ từ ngày 8/1/2023, các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng kế hoạch khai thác thị trường này với các bước đi thận trọng, tập trung chủ yếu vào đối tượng khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.

Dự kiến, lượng khai thác sẽ tăng dần từ tháng 4/2023 với hy vọng sẽ đón được nguồn khách du lịch quốc tế Trung Quốc.

Cùng với đó, các hãng Việt Nam đều xây dựng kế hoạch khai thác từ các thành phố của Việt Nam đến nhiều điểm, thành phố của Trung Quốc theo hình thức khai thác thường lệ và thuê chuyến. Điều này để đón đầu sự phục hồi du lịch quốc tế giữa hai nước từ lịch bay mùa hè 2023 bắt đầu từ ngày 28/3.

Do vậy, với chính sách mới, các hãng hàng không Việt Nam phải tạm thời lùi thời hạn khai thác đến Trung Quốc đến cuối tháng 4/2023 hoặc sang tháng 5/2023 để chờ các quyết định tiếp theo của quốc gia này về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam.

Trung Quốc hôm 6/2 cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour quốc tế đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, nhưng không có Việt Nam.

Năm 2019, hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, chiếm một phần ba tổng lượng khách quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ 2018. Năm 2019 cũng ghi nhận khách Trung chi tiêu quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 250 tỷ USD.

Ngay khi Trung Quốc mở cửa, một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia đã có các chính sách nhằm thu hút du khách nước này. Cả hai quốc gia này đều áp dụng visa tại cửa khẩu (visa on arrival) với mục đích du lịch, thời gian lưu trú 30 ngày. 260 khách Trung Quốc đầu tiên đã đến Bangkok ngày 11/1, Indonesia đón 200 khách từ Trung Quốc ngày 21/1. Hết quý một, Thái Lan dự kiến đón 300.000 lượt khách Trung, 7-8 triệu lượt cả năm.

Nguồn: TTXVN