Trung cấp liên thông đại học được không? Luật quy định thế nào về đào tạo liên thông?

Quang Minh
14:14 - 16/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Trước kỳ thi tốt nghiệp PTTH, nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm vấn đề "đầu ra" của các trường. Trong đó đào tạo liên thông từ phổ thông/trung cấp lên đại học được quy định ra sao, hãy cùng tìm hiểu.

Theo báo cáo thống kê ngành giáo dục, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học là những ngành có nhu cầu đào tạo liên thông đại học lớn nhất bởi 2 ngành này vẫn được đào tạo ở trình độ trung cấp và cao đẳng. 

Bên cạnh đó, các ngành Luật, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Kế toán, Dược học, Điều dưỡng, Y khoa, Luật Kinh tế, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử cũng là những ngành có đào tạo ở bậc trung cấp, cao đẳng. Do đó để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao trình độ, số lượng người học có nhu cầu học lên đại học là rất lớn.

Đào tạo liên thông, liên thông đại học trong giáo dục

Bộ Luật giáo dục (Điều 10) đã quy định rõ nội dung Liên thông trong giáo dục, cụ thể như sau:

1. Liên thông trong giáo dục là việc sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

2. Việc liên thông trong giáo dục phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng. Chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng kế thừa, tích hợp kiến thức và kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Người học không phải học lại kiến thức và kỹ năng đã tích lũy ở các chương trình giáo dục trước đó.

3. Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đào tạo liên thông được quy định như thế nào? 

Theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Chính phủ quy định về đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học. Tại Điều 6, quy định tuyển sinh liên thông như sau:

1. Tuyển sinh liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học được thực hiện theo các phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

3. Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển sinh liên thông theo các hình thức do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định như sau:

a) Dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

b) Dự thi tuyển sinh liên thông riêng do cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển sinh liên thông riêng bao gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề. Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển thực hiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, chỉ áp dụng thi tuyển sinh liên thông riêng đối với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 05 (năm) điểm trở lên theo thang điểm 10.

Điều kiện của người dự tuyển liên thông

Điều 4, Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg của Chính phủ quy định:

1. Người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.

2. Người dự tuyển liên thông phải bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có một trong các văn bằng dưới đây:

a) Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo trong nước cấp. Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, người đăng ký dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng khối ngành sức khỏe, trong đó người có bằng tốt nghiệp Y sĩ được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt; người có bằng trung cấp Dược hoặc cao đẳng Dược đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học ngành Dược.

Hàng năm, các cơ sở đào tạo, các cấp học đều niêm yết chỉ tiêu tuyển sinh liên thông cho học sinh và phụ huynh được biết rõ. Tuy nhiên, theo quy định chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm không được vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học tương ứng theo ngành đào tạo.