Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng

PV
00:19 - 24/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 23/8/2022, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự triệt phá một đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng Internet quy mô lớn.

Liên quan đến vụ án trên, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 đối tượng; thu giữ tang vật gồm 604 phôi bằng giả các loại, 13.106 tem giả, 151 loại giấy tờ giả đã in ấn và 5 bộ máy tính, 10 điện thoại di động, 14 máy in màu, máy scan, máy ép nhựa, 97 con dấu giả phục vụ cho các hoạt động sản xuất văn bằng chứng chỉ giả của các đối tượng.

Đường dây tội phạm quy mô lớn

Trước đó, ngày 17/8/2022, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đã triển khai đồng loạt 7 tổ công tác, khám xét khẩn cấp 7 địa điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thực hiện lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 6 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên không gian mạng.

Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng - Ảnh 1.

Các đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán, văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng Internet. Ảnh: Công an Nhân dân

Đây là đường dây phạm tội có tổ chức, do đối tượng Nguyễn Ngọc Hiệp, (sinh năm 1989, trú tại số 592/27/14 đường Nguyễn Văn Quá, khu phố 1, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Ngọc Thuận (sinh năm 1994, trú tại số 356, đường số 1, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu.

Các đối tượng đã tạo lập Fanpage “Chuyên làm cavet” để rao bán, nhận làm nhiều loại bằng cấp, giấy tờ giả, gồm: hộ chiếu, bằng lái xe, đăng ký xe, bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm ngân hàng…

Khi khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ với các số điện thoại do đối tượng đưa lên fanpage để liên hệ trao đổi thông tin thỏa thuận giá cả cụ thể. Nhóm đối tượng trên nhận làm nhiều loại giấy tờ, văn bằng chứng chỉ giả với giá thành từ 500.000 đồng đến 6.000.000 đồng, trong nhóm có sự phân công nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, đối tượng Hiệp chuyên làm giả bằng lái, đăng kiểm xe ô tô, xe máy và hộ chiếu, Thuận chuyên làm giả đăng ký xe, sổ tiết kiệm ngân hàng; đối tượng Long chuyên làm giả bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đối tượng Luật chuyên làm giả chứng chỉ nghề. Khi có khách hàng đặt làm giấy tờ, tài liệu giả, các đối tượng điều hành sẽ chia sẻ đơn hàng lên nhóm zalo chung, đơn hàng thuộc mảng công việc của đối tượng nào thì đối tượng đó sẽ chủ động sản xuất, in ấn và giao cho khách hàng bằng nhiều hình thức gồm giao hàng qua đơn vị vận chuyển công nghệ.

Tang vật vụ án. Ảnh: Công an Nhân dân

Với hình thức này, khách hàng sẽ thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng được mở bằng chứng minh nhân dân giả hoặc thu tiền qua đơn vị vận chuyển; giao hàng qua người có mối quan hệ thân quen từ trước; giao hàng qua hệ thống chân rết, đại lý ở các tỉnh, khi khách hàng đặt hàng sẽ liên hệ và chuyển tiền cho đại lý, đối tượng đại lý sẽ trao đổi thông tin và thanh toán cho đối tượng trực tiếp làm giả giấy tờ, tài liệu.

Kết quả đấu tranh ban đầu, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả trên không gian mạng; trong đó đối tượng Nguyễn Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Thuận giữ vai trò chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động của đường dây.

Hiện, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đấu tranh, mở rộng vụ án, làm rõ hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng nêu trên; không đăng tải hình ảnh các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ… lên các trang mạng xã hội, vì rất có thể đó là khởi nguồn để tội phạm lợi dụng làm giả giấy tờ để lừa đảo. Việc tham gia các hoạt động mua bán, sản xuất tài liệu con dấu của các cơ quan tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật.

Làm giả văn bằng, chứng chỉ có thể bị phạt đến 7 năm tù

Làm giả bằng cấp, chứng chỉ là một trong những hành vi bị cấm. Theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, những người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả đều có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt hành chính

Làm giả văn bằng, chứng chỉ là một trong những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, Điều 16 Nghị định 138 quy định, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Ngoài ra, cũng theo Điều 16, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài quy định về xử phạt hành chính, người thực hiện hành vi làm giả bằng cấp, chứng chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

- Có tổ chức;

- Phạm tội 2 lần trở lên;

- Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

- Thu lợi bất chính từ 10 đến dưới 50 triệu đồng;

- Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

- Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

- Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.

Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm, người làm văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.


Nguồn: tổng hợp