Triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn hơn 11.000 tỉ đồng
Mới đây, Công an thành phố Lạng Sơn cho biết đã triệt phá thành công Chuyên án 2403M, bắt giữ 3 đối tượng thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị ghi trên hóa đơn lên đến hơn 11.300 tỉ đồng.
Đường dây mua bán trái phép hóa đơn trên 11.000 tỉ đồng
Theo Cơ quan điều tra, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả hoặc căn cước công dân của người khác để thành lập doanh nghiệp "ma" (doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất, kinh doanh), sau đó thực hiện hành vi mua bán hóa đơn lòng vòng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2024, các đối tượng đã thành lập trên 40 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thành phố Lạng Sơn để mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó có 10 công ty không có hóa đơn giá trị gia tăng mua vào nhưng xuất hóa đơn giá trị gia tăng bán ra khống với tổng giá trị ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng hơn 11.300 tỉ đồng. Các công ty trên đều không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký kinh doanh.
Từ tháng 9/2023 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác và Thương mại Tân Lang (Công ty Tân Lang, ghi có trụ sở tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vật liệu Xây dựng Việt Khôi (Công ty Việt Khôi, ghi có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) đều do Phạm Việt Cường giữ chức vụ Phó Giám đốc, không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào, nhưng lại mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống của 2/40 công ty "ma" nói trên, chủ yếu là hóa đơn các mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá.
Phạm Việt Cường đã mua các hóa đơn này từ Trần Thị Liên Chi và một người khác (chưa rõ họ tên, địa chỉ), với tổng giá trị ghi trên hóa đơn khoảng 75 tỉ đồng. Sau khi mua hóa đơn khống, Cường bán lại cho các doanh nghiệp tại các tỉnh khác, thu lợi từ 5% đến 7% trên tổng giá trị hóa đơn (chưa bao gồm thuế VAT).
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định đối tượng Vũ Thị Loan là kế toán của cả hai Công ty Tân Lang và Việt Khôi, đã giúp Phạm Việt Cường theo dõi việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống và nhận, chuyển tiền qua tài khoản của hai công ty này cùng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Loan. Hiện, Cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc.
Mức xử phạt hành vi mua bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp
Việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn thực hiện theo các quy định liên quan tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021), cụ thể:
Thứ nhất, đối với hành vi cho, bán hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Thứ hai, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn sẽ bị xử phạt theo Điều 4, Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (trừ trường hợp hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn làm tăng số tiền thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn bị xử phạt về thuế theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này).
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.
Thứ ba, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định sẽ bị xử phạt theo Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP với mức phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được hoàn cao hơn so với quy định.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào NSNN; buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).
Thứ tư, đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm xác định là hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự sẽ bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 với mức phạt từ 1 đến 3 lần số thuế trốn, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (mức phạt tăng dần theo tình tiết tăng nặng của vụ vi phạm)
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào NSNN; Buộc điều chỉnh lại số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp cấu thành Tội trốn thuế.
Về xử lý hình sự, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội trốn thuế (Điều 200).
Và hành vi mua, bán trái phép hóa đơn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước (Điều 203).
Căn cứ các quy định nêu trên, về cơ bản, các chế tài hành chính và hình sự đối với các hành vi hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn đã được quy định cụ thể, đầy đủ trong hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về hình sự theo tính chất, mức độ, quy mô của hành vi vi phạm.
Đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp cấu thành Tội trốn thuế
Sẽ bị truy tố, xét xử về Tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Nếu là cá nhân bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 4 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỉ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Đối với hành vi mua, bán trái phép hóa đơn cấu thành Tội mua, bán trái phép hóa đơn
Sẽ bị truy tố, xét xử về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu là cá nhân bị xét xử với 2 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 2 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google