Triệt phá đường dây móc nối với người nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng
Các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt. Từ tháng 11/2022 đến hết ngày 31/12/2022, đường dây lừa đảo trên đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng.
Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát
Theo Công an tỉnh Thái Bình, qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Thái Bình phát hiện đường dây lừa đảo hoạt động phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô đặc biệt lớn.
Các đối tượng giả danh cơ quan viễn thông ở Việt Nam liên lạc với bị hại, thông báo bị hại bị giả mạo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo.
Sau đó, các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt.
Từ tháng 11/2022 đến hết ngày 31/12/2022, đường dây lừa đảo trên đã chiếm đoạt tổng số tiền trên 28 tỷ đồng.
Khởi tố 19 đối tượng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 12/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 19 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự, gồm: Trần Việt Bắc (sinh năm 1993), Trần Đình Hoàng (sinh năm 1990) cùng trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1999) trú tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Thu Trà (sinh năm 2002) trú tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội; Trịnh Đức Thắng (sinh năm 1999), Phạm Văn Đối (sinh năm 1990) cùng trú tại xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; Hoàng Xuân Lâm (2000), Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1999) cùng trú tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội; Nguyễn Đắc Huấn (1993) trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội; Trần Thị Lĩnh (sinh năm 1990) trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Đào Thanh Tùng (sinh năm 1991), Đặng Văn Mạnh (sinh năm 1994), Đào Văn Long (sinh năm 1997), Đào Văn Hiểu (sinh năm 1981), Đặng Văn Vinh (sinh năm 1996), Đào Anh Tuấn (sinh năm 1997), Đào Xuân Minh (sinh năm 1996), Trần Văn Ngọc (sinh năm 2000), Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1997) cùng trú tại xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Hiện, Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo Công an Thành phố Thái Bình phối hợp với các đơn vị mở rộng điều tra vụ án, triệt để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục chỉ đạo Công an thành phố Thái Bình phối hợp với các đơn vị mở rộng điều tra vụ án, triệt để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến
Để phòng tránh, không bị "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân:
Cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần chú ý, lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua điện thoại, qua mạng xã hội...
Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.
Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.
Khi có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Điều 174 - bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google