Cảnh sát giao thông có được rút chìa khóa phương tiện của người bị dừng kiểm tra?
Pháp luật quy định Cảnh sát giao thông không có quyền rút chìa khóa phương tiện của người bị dừng kiểm tra. Tuy nhiên, trong một số tình huống nguy hiểm, xuất hiện hành vi chống trả của người vi phạm khi bị dừng kiểm tra thì Cảnh sát giao thông được rút chìa khóa phương tiện đó hay không?
Căn cứ vào Điều 8 Thông tư số 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an thì trong tuần tra, kiểm soát, cảnh sát giao thông có quyền: Dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông được phép kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ rõ 9 biện pháp như: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...
Như vậy, theo quy định của pháp luật, cảnh sát giao thông không được rút chìa khóa phương tiện của người bị dừng kiểm tra.
Có trường hợp ngoại lệ cảnh sát giao thông được rút chìa khóa phương tiện bị dừng kiểm tra?
Có thể thấy rút chìa khóa phương tiện bị dừng kiểm tra không thuộc quyền hạn của cảnh sát giao thông và cũng không phải là biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với những tình huống nguy hiểm, người điều khiển phương tiện có hành vi chống đối người thi hành công vụ thì cảnh sát giao thông có quyền rút chìa khóa phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm, kiểm soát phương tiện, tránh gây mất an ninh trật tự cũng như tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng về tài sản, sức khỏe hay tính mạng của người khác.
Chẳng hạn như, khi cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn nhưng người vi phạm tỏ thái độ thách thức, cố ý tăng ga nhằm trốn thoát hay cố tình lao vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thì việc rút chìa khóa là cần thiết.
Bởi điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật không chỉ gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ mà còn gây nguy hiểm cho những người đang tham gia giao thông khác.
Ngược lại, nếu người bị yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra tuân thủ hiệu lệnh và hợp tác với người thi hành công vụ thì hành động thu giữ chìa khóa xe là không đúng quy định.
Việc ghi hình, chụp ảnh, ghi âm của người dân không bị pháp luật cấm nhưng phải tuân thủ các quy định tại Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an, cụ thể:
- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ;
- Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);
- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google