Triết lý giáo dục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại được nhìn nhận như thế nào?
Ngày 8/9, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Triết lý giáo dục Việt Nam: từ truyền thống đến hiện đại.
Đông đảo các nhà khoa học tham dự hội thảo: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm - Nguyên Trưởng khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Detlef Briesen - Trường Đại học Justus Liebig Giessen, Đức; Giáo sư, Tiến sĩ Jean Francois Dupeyron - Trường Đại học Bordeaux, Pháp…
Hội thảo đã nhận được 72 bài tham luận đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế; Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Khánh cho biết: "Hội thảo "Triết lý giáo dục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại" tổng kết lại kết quả đã đạt được trong nghiên cứu về triết lý giáo dục. Hội thảo cũng trình bày nhiều báo cáo thể hiện lịch sử hình thành triết lý giáo dục Việt Nam cũng như những kinh nghiệm, bài học rút ra từ các quốc gia.
Hội thảo cũng làm sâu sắc, hoàn thiện thêm triết lý giáo dục, nhận diện những vấn đề mới, đang nảy sinh cần tiếp tục thảo luận nhằm đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu xã hội nhân văn, trong đó có triết học...".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng đã báo cáo đề dẫn: "Có cần thiết phải có triết lý giáo dục hay không? Một quốc gia có nền giáo dục yếu không thể là một quốc gia mạnh. Cho dù quốc gia đó có thể sở hữu bom nguyên tử, thì cũng không thể là một quốc gia hùng cường. Khoan hãy bàn luận về những mặt mạnh, những điểm yếu, về những điểm tích cực cũng như hạn chế của nền giáo dục của ông cha ta, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng nền giáo dục Phật giáo thời Lý và thời Trần, truyền thống giáo dục khoa bảng Khổng giáo thời Lê và thời Nguyễn cho tới đầu thế kỷ XX là bệ đỡ tinh thần cho sự phát triển của Đại Việt từ khi chúng ta giành được độc lập khỏi ách một ngàn năm Bắc thuộc. Dù nền giáo dục đó đã không thể giúp chúng ta đương đầu với phương Tây, khiến chúng ta phải chịu chung số phận như bao dân tộc khác trong khu vực. Nhưng nếu không có nền giáo dục đó thì cũng không có chúng ta hôm nay.
Hiện nay, thế giới xung quanh ta cũng đã thay đổi nhiều. Dù tự hào đến đâu về nền giáo dục truyền thống của mình, cũng không thể chỉ gặm nhấm quá khứ. Bao năm qua, Việt Nam thực hiện không ít lần cải cách giáo dục, bao lần nhấn mạnh "giáo dục là quyết sách hàng đầu", đổ không ít tiền của, nhưng tại sao chưa có được những kết quả như mong muốn?".
Phó Giáo sư Nguyễn Quang Hưng đưa ra một số gợi mở: Thứ nhất, triết lý giáo dục phải mang tính đại chúng và tính ổn định, bền vững. Triết lý cũng như triết học nói chung thường là sản phẩm sáng tác của tầng lớp tinh tú trong xã hội. Nhưng triết lý cũng như triết học còn có thể là sản phẩm của đại chúng. Triết lý giáo dục nói tới căn cốt của nền giáo dục và mang tính đại chúng.
Triết lý giáo dục phải được diễn đạt dễ hiểu và mang tính ổn định, trường tồn, không cao xa, trừu tượng, cũng không nên nặng về ngôn từ. Càng sa đà vào thế giới các khái niệm, vào những vấn đề thuần túy lý thuyết thì càng xa rời thực tế. Triết lý giáo dục là thái độ, là hành động, thể hiện lương tâm và nhiệt huyết đối với lĩnh vực giáo dục khiến bất cứ ai cũng sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục cao cả đó.
Thứ hai, triết lý giáo dục phải lĩnh hội được hơi thở, tinh thần của thời đại. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa và điều đó thể hiện rõ trong giáo dục. Vấn đề là chuẩn bị cho hành trang của mình như thế nào để tránh học mót, dập khuôn một vài nền giáo dục tiên tiến nào đó khó tránh khỏi thất bại.
Thứ ba, triết lý giáo dục phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và văn hóa truyền thống của Việt Nam. Mặt khác, triết lý giáo dục phải đáp ứng được những đòi hỏi của nền giáo dục hiện tại cũng như của sự phát triển của nước nhà trong nhiều thập niên tới. Đó phải là triết lý hướng tới một nền giáo dục nhân bản.
Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay phải kế thừa được những truyền thống quý báu của nền giáo dục truyền thống của ông cha ta. Đó phải là triết lý giáo dục của Việt Nam, phù hợp với tâm tính và con người Việt Nam. Không thể rập khuôn một cách máy móc triết lý giáo dục của một quốc gia nào đó dù hay đến mấy. Một triết lý giáo dục dù hay đến đâu, hấp dẫn đến mấy, nhưng nếu chỉ xuất phát từ ý tưởng của một vài người nào đó, cho dù đó là nhà nghiên cứu, nhà quản lý có tâm huyết, nhưng cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Triết lý giáo dục không phải là một lý tưởng, mà ở trong cuộc sống, đúc kết trở thành phương châm hành động của giới chức, trước hết của cả thầy và trò, của nhà giáo dục và người được giáo dục. Triết lý giáo dục không phải là khẩu hiệu mà là hành động.
Hội thảo đã chia thành hai nội dung với chủ đề: Những vấn đề lý luận và lịch sử của triết lý giáo dục – cơ sở lý luận cho việc xây dựng triết lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay; Thực tiễn giáo dục ở Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề và triển vọng.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo khó giải quyết được hết các vấn đề đặt ra nhưng đây là dịp để hun đúc thêm lòng nhiệt huyết đối của các nhà khoa học giáo dục với nền giáo dục Việt Nam. Từ những nhận định này, những nhà giáo, nhà khoa học người sẽ cùng suy nghĩ, cùng hành động vì nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, có triết lý giáo dục minh triết, thực tiễn, hiệu quả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google