Triết học về sự giàu có và hạnh phúc gợi mở điều gì trong cuộc sống hôm nay?

Ngô Văn Hiển
11:19 - 31/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 30/8, Khoa Triết học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội phối hợp với Viện Pháp Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học "Triết học về sự giàu có và hạnh phúc" thu hút đông đảo sinh viên, nhà khoa học cùng tham gia bàn luận về các khái niệm khó: Tiền bạc có mang lại hạnh phúc không?

Triết học về sự giàu có và hạnh phúc gợi mở điều gì trong cuộc sống hôm nay? - Ảnh 1.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm khoa học "Triết học về sự giàu có và hạnh phúc", ngày 30/8/2023. Ảnh: Ngô Hiển

Buổi tọa đàm có sự tham gia đông đảo của sinh viên, giảng viên các trường đại học, các nhà khoa học dưới sự chủ trì của các diễn giả: Giáo sư Dominique Méda - Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành về khoa học xã hội (IRISSO) kiêm Chủ tịch Viện Veblen, Giáo sư xã hội học tại Đại học Paris Dauphine - PSL; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng - nguyên Viện trưởng Viện triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tại đây, Giáo sư Dominique Méda đã có tham luận về "Hạnh phúc có nằm trong tích lũy" với các vấn đề: Giàu có là gì? Con người có nhiều ham muốn, ham muốn tự nhiên và ham muốn hão huyền. Ham muốn về sự giàu có, vinh quang và bất tử, chúng ta luôn muốn sống xa hoa, danh giá hơn, có nhiều đam mê hơn, nhưng không bao giờ thỏa mãn hết được. Như vậy, điều quan trọng vui sống là thuận theo ham muốn tự nhiên, tránh ham muốn giả tạo. Cần tìm sự yên bình của tâm hồn và coi đây là trung tâm của vui sống, vui sống vừa là nguyên nhân, nguyên tắc, mục tiêu của cuộc đời hạnh phúc. Nhưng để yên bình tận hưởng cuộc sống trước tiên cần có sự yên bình trong tâm hồn, sự thanh thản.

Giáo sư Dominique Méda viện dẫn một câu chuyện của ông Mandeville về tổ ong sống trong rừng, trong đó các con ong sống trong tiện nghi và xa hoa. Thị hiếu xa hoa mang lại việc làm cho hàng triệu con ong. Lòng tham tiền, tính kiêu ngạo, sự ghen tị và tính hão huyền kích thích ngành nghề và sự giàu có. Sự phồn vinh nở rộ này kéo dài cho đến ngày mà Jupiter, nhạy cảm với lời kêu gọi của những con ong phải đạo, quyết định nhổ tận gốc sự không lương thiện của tổ ong. Quyết định này là một thảm họa. Giá cả sụp đổ đồng thời với sự chi tiêu, và tình trạng thất nghiệp và nghèo đói lan rộng. Tổ ong tàn lụi nhanh chóng và trở thành miếng mồi ngon cho kẻ thù. Tiếp sau đó, còn nhiều tác phẩm khác phát triển ý tưởng tích lũy tài sản đồng thời sản xuất ngày một nhiều hơn, coi đó là nguồn gốc của thịnh vượng chung.

Triết học về sự giàu có và hạnh phúc gợi mở điều gì trong cuộc sống hôm nay? - Ảnh 2.

Đại biểu tham dự tọa đàm khoa học "Triết học về sự giàu có và hạnh phúc". Ảnh: Ngô Hiển

Vấn đề thứ hai về Hạnh phúc và giàu có mà Giáo sư Dominique Méda dẫn ra là từ cuốn Principes de l'économie politique (Các nguyên tắc của kinh tế chính trị) (1820), nhà kinh tế học Malthus đã tự vấn giàu có là gì. Ông đưa ra nhiều khái niệm để rồi rốt cuộc chỉ chọn một, theo đó, khái niệm này cho phép trình bày những sự phát triển khả dĩ đong đếm. Khi nhận định về thu nhập quốc dân của Mỹ vào năm 1934, Simon Kuznets đã chỉ ra các thao tác phân loại và tuyển lựa mà ông thực hiện để lập ra thu nhập ấy. Ông dự đoán thu nhập quốc dân của nước này hẳn không được coi như một chỉ số hạnh phúc. 

Tuy nhiên, thu nhập quốc dân và tổng sản phẩm quốc nội chẳng mấy sẽ nhanh chóng được coi như biểu tượng và cái tương đương với hạnh phúc và tiến bộ. Chúng ta tiếp tục so sánh thành tích của các quốc gia dựa trên tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, nay đã trở thành chỉ số bùa hộ mệnh của chúng ta?

Trong những năm 1970, các khái niệm này rồi sẽ bị chỉ trích và có nhiều ý đồ hiệu chỉnh được tiến hành nhằm biến tổng sản phẩm quốc nội thành chỉ số hạnh phúc. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người coi việc sản xuất của cải và dịch vụ là tiêu chí nòng cốt của hạnh phúc. Nó quên đi rất nhiều chiều kích khác của hạnh phúc và đặc biệt bất lực trong việc cảnh báo chúng ta về sự suy tàn của các di sản cốt yếu: Di sản thiên nhiên - hệ thống trái đất - và gắn kết xã hội. Đã đến lúc chúng ta phải khẩn trương thay đổi các chỉ số.

Vấn đề về "Hướng tới những chỉ số mới", Giáo sư Dominique Méda đặt ra vấn đề liệu ngày nay có hội tụ đủ điều kiện để làm trỗi dậy một hình dung mới về sự giàu có, vốn hẳn sẽ nhường chỗ cho sự phát triển của các di sản, chất lượng và phân phối? Ai cho phép đánh giá hiệu năng xã hội thông qua các tiêu chí khác với tiêu chí về tăng trưởng sản xuất? 

Liệu đã đến lúc triển khai một nền kế toán (quốc gia lẫn doanh nghiệp) quan tâm đến những vấn đề quan trọng đối với xã hội vốn được coi như một tập thể có tài sản riêng (mà vị lãnh đạo đứng đầu tập thể ấy có nhiệm vụ gắn kết và bảo tồn di sản thiên nhiên của tập thể ấy) thay vì tập trung duy nhất vào tăng trưởng giá trị gia tăng mỗi khi có thay đổi và trao đổi? Hay ai sẽ dành tầm quan trọng tương tự cho các loại di sản khác nhau, để ít nhất cũng loại trừ việc một hoạt động dẫn đến suy thoái sức khỏe xã hội hay di sản thiên nhiên lại được coi như một sự làm giàu (…). 

Cần phải thuyết phục các nhóm lợi ích chung khác nhau vốn đặc biệt quan tâm đến sản xuất thặng dư ngắn hạn với bất cứ điều kiện nào, và phải vượt qua các cuộc phản kháng chống lại việc giảm thiểu tư tưởng tăng trưởng - bởi họ tin rằng tăng GDP là điều kiện tiên quyết dẫn đến tiến bộ và việc làm. Đây chính là thách thức hiện nay.

Cuối cùng, Giáo sư Dominique Méda cho rằng: "Cần định nghĩa lại tiến bộ và sự giàu có, không đặt mục tiêu không phải trọng điểm GDP, mà là những tiến bộ trong xây dựng sức khỏe xã hội, giảm dấu ấn cacbon".

Trao đổi trong buổi tọa đàm, Giáo sư Trần Văn Phòng cho rằng: Giàu có không có nghĩa là hạnh phúc. Sự đáp ứng nhu cầu vật chất mới là hạnh phúc bậc thấp, đáp ứng nhu cầu tinh thần mới là hạnh phúc bậc cao. Ông dẫn câu chuyện bà Hà Tinh (phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long, một trong 500 người giàu nhất thế giới) nhưng khi sang Mỹ chỉ mang túi 11 USD, đây là sản phẩm của 1 trẻ tự kỷ làm. Đây là bài học sâu sắc về sử dụng tiền bạc mang lại giá trị hạnh phúc. Bà Hà Tinh đã tôn vinh điều đó.

Ở Việt Nam, ông Trần Văn Dai với câu chuyện nuôi heo bằng chuối ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Dai thấy hạnh phúc khi ý tưởng của mình đã được vận dụng vào cuộc sống. Do đó, các chỉ số GDP chỉ là một phần của hạnh phúc. Hạnh phúc khi đáp ứng được cả nhu cầu vật chất và tinh thần, nhu cầu giao tiếp với xã hội. Giàu có mà sống một mình thì cũng vô vị. Giáo sư Trần Văn Phòng đồng cảm và chia sẻ với quan điểm: Sống tối giản và sử dụng tối thiểu nguồn lực tự nhiên. Tiết kiệm được sẽ tạo ra được xã hội không chỉ cơm no áo ấm mà hòa hợp với tự nhiên.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên cho rằng: "Hạnh phúc là khái niệm khá khó, mỗi chúng ta đều có quan điểm riêng, chỉ trạng thái cảm xúc khi thỏa mãn điều nào đó". Ông trích dẫn câu của Henry David Thoreau: Hạnh phúc giống như một con bướm, bạn càng đuổi theo nó, nó càng lẩn khỏi bạn. Nhưng nếu bạn chuyên tâm vào những thứ khác, nó sẽ đến và đậu nhẹ nhàng trên vai bạn.

Ví dụ, với nhiều người, mỗi ngày thức giấc thấy người thân yêu khỏe mạnh đó là hạnh phúc.

Buổi hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ của các nhà khoa học, sinh viên. Mọi người đều nhận thấy: Hạnh phúc và yêu thương phải do mỗi người tự cảm nhận bằng chính trái tim và khối óc của mình.

Triết học về sự giàu có và hạnh phúc gợi mở điều gì trong cuộc sống hôm nay? - Ảnh 4.

Đông đảo sinh viên, nhà khoa học đã tham gia Toạ đàm "Triết học về sự giàu có và hạnh phúc". Ảnh: Ngô Hiển

Bình luận của bạn

Bình luận