Phân chia vai trò chồng - vợ trong gia đình có mang đến hạnh phúc?

Đắc Quang
06:33 - 27/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sự phân chia vai trò của đàn ông (với tư cách là người chồng/người bố) và đàn bà (với tư cách là người vợ/người mẹ) một cách quá rạch ròi và cứng nhắc đang tạo ra áp lực lớn lên các thành viên trong gia đình, là nguồn gốc của những mâu thuẫn và có thể gây nên đổ vỡ.

Những hình mẫu "chuẩn mực" của gia đình

Phân chia vai trò chồng - vợ trong gia đình có mang đến hạnh phúc? - Ảnh 1.

Vai trò của người bố/người chồng trong gia đình được cho là giữ vị trí trụ cột, thực hiện các chức năng kinh tế, bảo vệ gia đình; quyết định các vấn đề của gia đình; nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái; làm tấm gương cho con thực hiện các hoạt động đối nội, đối ngoại trong gia đình.

Trong khi đó, vai trò của người mẹ/người vợ được được nhấn mạnh trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc và dạy dỗ con cái; chăm sóc các thành viên khác trong gia đình, có trách nhiệm "giữ lửa" gia đình, gắn kết các thành viên về mặt tình cảm, cảm xúc; thực hiện các công việc nội trợ.

Có nhiều lý lẽ được đưa ra để chứng minh sự "hợp lý" của cách phân chia trách nhiệm, vai trò của vợ, chồng như trên. Vì sao mỗi người đều đinh ninh vai trò của đàn ông và đàn bà trong gia đình ngay cả khi họ còn chưa bước vào hôn nhân?

Nhân danh văn hoá truyền thống để "đóng đinh" vai trò đàn ông - đàn bà trong gia đình

Biểu hiện rõ nhất của diễn ngôn về văn hóa để lý giải cho sự khác biệt nam giới và nữ giới là thông qua ca dao, tục ngữ.

Thế hệ người Việt cả nghìn đời nay đã thuộc lòng những câu ca dao, tục ngữ như "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm"; "Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu"; "Đàn ông miệng rộng thì sang/ Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà"…

Văn hóa truyền thống không phải là yếu tố bất biến, càng không phải chân lý để mọi người tuyệt đối nghe theo. Văn hóa là sản phẩm của xã hội con người, vốn luôn vận động và biến đổi không ngừng để phù hợp với nhận thức, quan điểm của nhân loại trong khoảng thời gian cụ thể, xác định.

Những câu ca dao, tục ngữ mang định kiến và khuôn mẫu giới như đã nêu ở trên cần phải điều chỉnh, thậm chí loại bỏ để xã hội hướng đến sự phù hợp, tiến bộ hiện nay.

Phân chia vai trò chồng - vợ trong gia đình có mang đến hạnh phúc? - Ảnh 2.

Các gia đình Á Đông thường phân chia rạch ròi vai trò của đàn ông và phụ nữ trong hôn nhân. Ảnh: unsplash

Quan niệm về gia đình áp đặt vai trò của phụ nữ

Nhiều người vin vào lý do thực tế, rồi đưa ra những số liệu cho thấy trong mọi lĩnh vực, đàn ông thường đứng ở vị trí đầu, còn người phụ nữ ở vị trí đấy thì ít hơn. Điều này có thật sự đúng?

Người phụ nữ khi sinh ra trong bối cảnh mà cả gia đình, nhà trường và xã hội đều nói rằng phụ nữ là phái yếu, chỉ nên làm việc nội trợ, cho dù có cố gắng, nỗ lực đến đâu cũng không thể bằng nam giới được. 

Dần dần, tư tưởng đó ăn sâu vào suy nghĩ, phụ nữ sẽ có tâm lý an phận thủ thường, lùi lại phía sau để người đàn ông của mình tiến bước, phát triển công danh, sự nghiệp. Và kết quả người đàn ông được tạo điều kiện hơn về tài chính, thời gian, cơ hội… để thực hiện mong muốn của mình, còn phụ nữ thì không.

Có một thực tế khác cho thấy, khi người phụ nữ vượt qua được những định kiến và chỉ cần họ có cơ hội, nhiều người sẽ phát huy hết khả năng, sở trường của mình mà đóng góp những giá trị to lớn cho xã hội. Ở chính trường, chúng ta có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh... 

Về kinh tế chúng ta có tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á – Thái Hương… Quá nhiều hình ảnh về những người phụ nữ thành công trong trên các lĩnh vực khác nhau mà không thể phủ định.

Đặc điểm giới tính quyết định điều gì trong hôn nhân gia đình?

Đây là lý lẽ được cho là "có sức nặng nhất" để thuyết phục rằng sự phân chia công việc gia đình theo khuôn mẫu hiện nay là hợp lý.

Nhiều người lấy sự khác biệt về cơ thể sinh học để lý giải cho sự khác nhau về phẩm chất, nhân cách, trí tuệ, kỹ năng của người phụ nữ và người đàn ông, dẫn đến sự phân chia công việc trong gia đình và ngoài xã hội.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng những số liệu về sự khác biệt giữa nam và nữ về cơ thể sinh học chỉ phù hợp khi so sánh tổng thể, còn khi đối chiếu với từng người nam với từng người nữ thì không hoàn toàn đúng. Sự khác biệt về mặt sinh học (cơ bắp, chiều cao, cân nặng…) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao, đời sống tinh thần, tình cảm… trong quá trình người đó lớn lên.

Phân chia vai trò chồng - vợ trong gia đình có mang đến hạnh phúc? - Ảnh 3.

Việc phân chia cứng nhắc vai trò đàn ông và phụ nữ khiến giới trẻ e ngại khi bước vào hôn nhân. Ảnh: Free/image

Định kiến giới là bước lùi của sự bình đẳng và văn minh

Sự khác biệt về vai trò của người đàn ông hay phụ nữ trong gia đình luôn chỉ là tương đối và không thể dùng để chứng minh cho sự thống trị của nam giới, sự tuân thủ và phụ thuộc của phụ nữ với bất kỳ lý do nào.

Hơn nữa, sự phân chia vai trò một cách quá rạch ròi không có ích lợi gì, thậm chí còn có hại cho xã hội. Bởi lẽ cộng đồng xã hội bị tách đôi làm hai cực đối đầu nhau: những người đàn ông và những người đàn bà; những người vợ và những người chồng. 

Việc chuyên môn hóa một cách cứng nhắc các vai trò theo các đặc điểm giới tính sinh học sẽ cản trở những người bạn đời yêu nhau, muốn giúp đỡ nhau trong công việc, thay thế nhau khi cần thiết, nó sẽ là trở ngại lớn cho việc tạo ra những mối quan tâm chung và thái độ sống thông cảm đối với nhau trong cuộc sống.

Nhìn rộng ra, việc phân chia rạch ròi về vị trí, vai trò của đàn ông, phụ nữ trong gia đình theo một khuôn mẫu khiến kìm hãm khả năng phát triển của mỗi người, nhất là người phụ nữ. Những người phụ nữ thực sự có năng lực lãnh đạo, làm việc ngoài xã hội bị "nén" trong không gian bếp núc, việc nhà, chăm sóc gia đình… là một sự lãng phí nhân tài trong xã hội.

Có những cái "khuôn" quá rộng so với năng lực của một người, sẽ tạo nên những áp lực. Người đàn ông trong gia đình dù không có khả năng phát triển ngoài xã hội nhưng bị ép phải làm các công việc đó bởi định kiến, bởi dư luận xã hội, hình thành áp lực tự thân, dần già sẽ khiến người đàn ông đó gặp stress, căng thẳng và rồi khi trở về nhà, trút hết tâm lý nặng nề đó lên vợ con. Bạo lực gia đình – một phần nguyên nhân cho vấn đề nan giải của toàn xã hội, cũng được nảy sinh từ đây.

Việc vạch ra rõ lằn ranh giữa đàn ông và phụ nữ trong gia đình đang kìm hãm sự phát triển của xã hội và đẩy con người ra xa mục đích bình đẳng và văn minh. Và khi cố tìm kiếm lằn ranh khác biệt này mà khắc sâu nó đều là một sự chấp niệm không có cơ sở.

Mỗi gia đình, với sự thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với khả năng, mong muốn của từng thành viên sẽ phân chia công việc và vai trò cho hợp lý. Miễn là mỗi người cảm thấy hạnh phúc, miễn là có thể biểu lộ tình yêu thương một cách tự nhiên và thoải mái thì dù vai trò nào chăng nữa cũng không còn là điều quan trọng.

Bình luận của bạn

Bình luận