Trí tuệ nhân tạo sử dụng quá nhiều năng lượng, lan truyền thông tin sai lệch về các vấn đề môi trường?
Các nhà hoạt động môi trường đã cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng và thúc đẩy sự lan truyền thông tin sai lệch về khí hậu.
Trí tuệ nhân tạo góp phần cải thiện vấn đề về môi trường
Theo The Guardian, thời gian qua, những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đã được các công ty công nghệ lớn và Liên Hợp Quốc khuyến khích như một cách giúp cải thiện tình trạng nóng lên toàn cầu, thông qua các công cụ giúp theo dõi nạn phá rừng, xác định rò rỉ ô nhiễm và theo dõi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt,... Trí tuệ nhân tạo cũng được sử dụng để dự đoán hạn hán ở Châu Phi và đo lường những thay đổi đối với các tảng băng trôi đang tan chảy.
Google đã phát triển chương trình trí tuệ nhân tạo của riêng mình có tên Bard (gần đây được đổi tên thành Gemini) và có dự án trí tuệ nhân tạo giúp đèn giao thông hoạt động hiệu quả hơn. "Ông lớn" công nghệ này cũng đi đầu trong việc thúc đẩy giảm khí thải thông qua việc áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo Channel News Asia, bà Kate Brandt - Giám đốc phát triển bền vững của Google - từng nhận định, trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo cho những người ra quyết định trước những thách thức cấp bách nhất về khí hậu.
Hai khía cạnh chính trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là giảm thiểu và thích ứng. Giảm thiểu liên quan đến việc giảm mức độ phát thải và ngăn chặn biến đổi khí hậu hơn nữa, trong khi thích ứng là ứng phó với những tác động hiện có của biến đổi khí hậu.
Trong môi trường đô thị, trí tuệ nhân tạo có thể giải quyết cả hai khía cạnh này bằng cách đẩy mạnh các thiết kế công trình phức tạp, chẳng hạn như lưới điện siêu nhỏ hoặc ứng dụng vật liệu tái tạo, hấp thu carbon.
Ở những khu vực dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như Đông Nam Á, trí tuệ nhân tạo cũng có thể được sử dụng để dự đoán và phòng ngừa thiên tai.
Trước vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới tái diễn trong khu vực, các hệ thống giám sát chất lượng không khí do trí tuệ nhân tạo điều khiển có thể cung cấp dữ liệu thời gian thực về mức độ ô nhiễm không khí, từ đó cung cấp cảnh báo cho công chúng và thúc đẩy việc ra quyết định của cơ quan công quyền nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể cải thiện độ chính xác của các mô hình dự báo thời tiết, cho phép dự đoán đáng tin cậy hơn về các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, như bão, mưa lớn và lũ lụt.
Trí tuệ nhân tạo cũng gây tác động tiêu cực tới môi trường
Tuy nhiên, báo cáo mới của một liên minh môi trường đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo có tác động tích cực đến cuộc khủng hoảng khí hậu hay không, đồng thời cảnh báo rằng công nghệ này sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng từ các trung tâm dữ liệu và sự gia tăng những thông tin sai lệch về khoa học khí hậu.
Theo ông Michael Khoo - đồng Chủ tịch của Liên minh chống lại thông tin sai lệch về khí hậu thuộc tổ chức môi trường Friends of the Earth - đưa ra cảnh báo: "Có vẻ chúng ta luôn nghe nói rằng trí tuệ nhân tạo có thể cứu hành tinh, nhưng chúng ta không nên tin vào sự cường điệu này".
Báo cáo mới của Liên minh nêu rõ: Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo có thể hiểu đơn giản là nếu tăng gấp đôi các trung tâm dữ liệu phục vụ cho công nghệ này có thể khiến lượng khí thải làm nóng hành tinh tăng 80%.
Tại Mỹ, đã có bằng chứng cho thấy tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện than đang được kéo dài để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo. Một nghiên cứu riêng biệt đã cho thấy chỉ trong 3 năm nữa, các máy chủ trí tuệ nhân tạo có thể tiêu thụ nhiều năng lượng tương đương quốc gia Thụy Điển.
Phần lớn nhu cầu năng lượng ngày càng tăng này xuất phát từ sự phức tạp gia tăng của các hoạt động trí tuệ nhân tạo - việc tạo ra các truy vấn trí tuệ nhân tạo có thể yêu cầu sức mạnh tính toán gấp 10 lần so với một tìm kiếm trực tuyến thông thường.
Báo cáo cho biết, đào tạo ChatGPT - chatbot trí tuệ nhân tạo đình đám của OpenAI, có thể sử dụng lượng năng lượng tương đương 120 hộ gia đình Mỹ trong suốt một năm.
Theo những dẫn chứng này, các nhà môi trường cho rằng không có cơ sở để tin rằng sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo sẽ làm giảm mức sử dụng năng lượng. Tất cả bằng chứng đều cho thấy nó sẽ làm tăng đáng kể mức sử dụng năng lượng khi các trung tâm dữ liệu mới tiếp tục được xây dựng. "Sẽ có những cải thiện nhỏ về hiệu suất của các trung tâm dữ liệu, nhưng chỉ với phép toán đơn giản cũng có thể thấy lượng khí thải carbon sẽ tăng lên", báo cáo nhấn mạnh.
Liên minh môi trường này cũng cảnh báo thêm, trí tuệ nhân tạo thậm chí sẽ cản trở các nỗ lực hạn chế tình trạng khẩn cấp về khí hậu bằng cách cung cấp, phổ biến những tuyên bố có thể sai lệch, chưa được kiểm chứng hoặc gây hiểu lầm về khoa học khí hậu và tác động của quá trình tăng nhiệt độ toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo có thể phá vỡ hệ sinh thái thông tin khi chúng ta cần gắn kết nó lại với nhau.
Minh bạch trong việc sử dụng năng lượng và giám sát thông tin đầu ra của trí tuệ nhân tạo
Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao Jesse Dodge tại Viện Allen về trí tuệ nhân tạo (Allen Institute for AI) cũng bày tỏ lo ngại rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng để làm "tràn lan" thông tin sai lệch về khí hậu, thông qua các phương pháp như video và hình ảnh deepfake, cũng như làm tăng lượng khí thải carbon thông qua việc sử dụng nhiều năng lượng hơn.
Tuy nhiên, ông Dodge vẫn "lạc quan một cách thận trọng" rằng trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động tích cực lớn đến cuộc khủng hoảng khí hậu với khả năng lập mô hình khí hậu, theo dõi hoạt động của các loài có nguy cơ tuyệt chủng hay dự đoán các vụ cháy rừng,... Điều quan trọng là các công ty phát triển AI cần phải hoàn toàn minh bạch và cởi mở về việc sử dụng năng lượng cho công nghệ này. Đồng thời phát triển các biện pháp giám sát, kiểm chứng những thông tin về khí hậu do trí tuệ nhân tạo đưa ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google