Trên rất cần nhưng dưới chưa vội - Gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng chậm giải ngân

Nguyễn Năng Lực
13:50 - 12/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là biện pháp thiết thực giúp họ yên tâm làm việc, góp phần phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế trở lại.

Từ ngày cách mạng thành công, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử dân tộc, dù Quốc hiệu có thay đổi, từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1976) đến Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay), song dòng tiêu ngữ dưới Quốc hiệu vẫn không thay đổi: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Dòng tiêu ngữ ấy thể hiện ý chí của cả dân tộc, chiến đấu chống ngoại xâm để giành độc lập cho dân tộc, thực hành quyền tự do cho nhân dân và làm cho cuộc sống của nhân dân được hạnh phúc.

Trong ba nội dung ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng nội dung "dân sinh hạnh phúc". Bác Hồ từng nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" ("Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", ký tên Hồ Chí Minh; đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17/10/1945).

Trên rất cần nhưng dưới chưa vội - Gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng chậm giải ngân - Ảnh 1.

Thành phố Thủ Đức (TPHCM) phát động chương trình "nhà trọ 0 đồng" nhằm chia sẻ khó khăn

với người thuê trọ. Ảnh: Thu Hường

Quan tâm chăm lo đời sống người lao động, giúp họ có cuộc sống ổn định, bảo đảm có đủ cơm ăn, áo mặc, con cái được học hành - là mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Trong  những ngày khó khăn do đại dịch, với đạo lý truyền thống "Bầu ơi thương lấy bí cùng", nhân dân nhiều địa phương đã có nhiều nghĩa cử đùm bọc, giúp đỡ người lao động. Nhiều chủ trọ giảm giá hoặc miễn tiền thuê nhà, thực hiện "Nhà trọ 0 đồng". Nhiều địa phương trợ cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân, giúp họ vượt qua cơn khó.

Theo dõi hoạt động của Chính phủ thời gian gần đây, nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng khi nhiều chính sách quan tâm đến đời sống người lao động được ban hành.

Gần đây nhất là Gói hỗ trợ tiền thuê nhà 6.600 tỉ đồng theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu vực theo quy định.

Trên rất cần nhưng dưới chưa vội - Gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng chậm giải ngân - Ảnh 2.

Người lao động mong chờ gói hỗ trợ tiền thuê trọ. Ảnh: baotintuc.vn

Chính sách này đưa ra rất kịp thời trong bối cảnh 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm. Sau khi dịch tạm yên, số người lao động quay trở lại làm việc không nhiều do còn nhiều khó khăn.

Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là biện pháp thiết thực giúp họ yên tâm làm việc, góp phần phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế trở lại.

Chủ trương đưa ra từ tháng 3, theo kế hoạch, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng phải giải ngân trước ngày 15/8, nhưng đến nay tiến độ thực hiện rất chậm, cả nước mới giải ngân hơn 11% khi hạn nhận hồ sơ còn 4 ngày.

Thực trạng "trên bảo dưới chưa nghe" này cho thấy năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhiều địa phương còn rất kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự chậm trễ còn cho thấy thái đọ lãnh đạm, vô cảm của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền trước tình cảnh dời sống khó khăn của người lao động.

Đến ngày 8/8 còn 12 địa phương gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh chưa thực hiện giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

Trên rất cần nhưng dưới chưa vội - Gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng chậm giải ngân - Ảnh 4.

Đề xuất hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, lao động tham gia BHXH. Ảnh: Dân Việt

Thực trạng "trên bảo dưới chưa nghe" cho thấy năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhiều địa phương còn rất kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự chậm trễ, có thể nói, còn cho thấy thái độ lãnh đạm, vô cảm của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền trước tình cảnh dời sống khó khăn của người lao động.

Năng lực yếu kém cộng với thái độ thờ ơ khiến người lao động chậm được hưởng chính sách rất nhân văn, thiết thực của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong cơn khủng hoảng lao động do đại dịch.

Trước thực trạng giải ngân chậm gói hỗ trợ 6.600 tỉ đồng, Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo các địa phương đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để tiền thuê nhà sớm tới tay người lao động.

Gần đây nhất, ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15/8 phải tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có biện pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách một cách khẩn trương, hiệu quả.

Thái độ kiên quyết của Thủ tướng liệu có là cú hích cho các địa phương chuyển động nhanh hơn không, chứ nếu cứ ì ạch thế này thì dân buồn lắm!