Sinh viên, người lao động chống đỡ với giá xăng tăng cao
Không chỉ nghĩ ra trăm phương ngàn kế để đối phó với giá xăng "phi nước đại" như hiện nay, sinh viên, người lao động nghèo phải chống đỡ với vô số loại hàng hoá, thực phẩm cũng đang ngày một tăng như diều theo giá xăng.
Từ đầu năm 2022 tới nay, giá xăng tại nước ta liên tục tăng cao đã kéo theo nhiều loại mặt hàng tăng giá, khiến cho cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó sau đại dịch COVID-19 càng trở nên khó khăn.
Có rất nhiều công chức, công nhân, sinh viên, sinh sống học tập, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… đã đưa ra một số "phương kế" tức thời để đối phó với tình hình giá xăng trở nên quá cao, quá đắt đỏ khi lập "đỉnh" tới hơn 33.000 đồng/lít như giai đoạn hiện nay.
Chuyển qua đi buýt
Ngọc Thạch, quê Bình Định, hiện làm kế toán cho một công ty liên doanh với nước ngoài có trụ sở tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Bình thường như trước kia cô vẫn chạy xe gắn máy từ phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, vào văn phòng công ty để làm việc, và chiều tối lại chạy xe về nhà, với tổng quãng đường cho 2 lượt khoảng 50km.
Khi giá xăng còn ở ngưỡng hơn 20.000 đồng một chút 1 lít, thì cứ trung bình cô em tôi bơm đầy bình xăng hết khoảng 60.000 đồng, sẽ đi làm 3 ngày, mỗi ngày cả đi và về Ngọc Thạch tiêu tốn cho tiền xăng cỡ 20.000 đồng.
Thế nhưng, khi xăng đặt ngưỡng hơn 30.000 đồng/lít, cũng với quãng đường di chuyển hàng ngày đi làm đó, Ngọc Thạch phải chi tiền bơm xăng tới 100.000 đồng mới đầy bình xe. Như vậy mỗi ngày đi làm cô em tôi phải phụ chi thêm khoảng hơn 10.000 đồng để bù vào việc giá xăng tăng cao, tổng cộng một ngày chạy xe đi về hết hơn 30.000 đồng tiền xăng.
Quá "hoảng hốt", nên từ cách đây hơn nửa tháng, Ngọc Thạch đã để chiếc xe gắn máy "nằm" ở nhà, và chuyển qua đi xe buýt, bởi theo như cô em tôi kể thì việc đi làm bằng tuyến buýt số 150 (Tân Vạn - Bến xe Chợ Lớn) cũng rất tiện đường, chỉ phải đi bộ từ 2 đầu bến lên - xuống chừng khoảng vài ba trăm mét, trong khi giá tiền của mỗi lượt vé buýt chỉ 7.000 đồng, tổng 2 lượt đi, về là 14.000 đồng.
Như vậy, tính ra so với chạy xe gắn máy đi làm thì việc chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt thì mỗi ngày "tiết kiệm" được khoảng 17.000 đồng.
Anh Trần Văn Lâm, nhà ở khu dân cư phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức, làm việc bảo vệ tại quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh từ hơn 1 tháng nay anh đã chuyển hẳn qua đi xe buýt, chứ không còn chạy xe gắn máy đi làm như trước nữa. Anh Lâm kể: "Tôi làm bảo vệ nhưng cũng chỉ làm… hành chính, vì vậy việc chuyển qua đi xe buýt cũng không có gì là bất tiện cả, chỉ là mới đi thì phải chờ đợi xe, rồi xe di chuyển có đôi lúc lâu hơn chạy xe gắn máy…, nhưng dần quen và thấy cũng OK!
Chuyển qua đi xe buýt, ngoài sự an toàn, không bụi bặm…, mỗi tháng tôi còn tiết kiệm được mấy trăm ngàn đồng, mà đáng lẽ ra tôi phải bỏ ra để mua xăng, khi giá vé buýt được nhà nước trợ cấp bù lỗ nên nó khá rẻ, chỉ 7.000 đồng/vé. Sắp tới đây tôi sẽ không mua vé lượt theo ngày nữa, mà chuyển qua mua vé tập(1 tập 30 vé), thì số tiền sẽ rẻ nhiều nữa, khi chia ra trung bình 1 vé đi buýt chỉ khoảng 5.000 đồng". Anh lâm cho biết.
Số lượng sinh viên từ bỏ việc đi học bằng xe gắn máy để chuyển qua đi xe buýt để đối phó với giá xăng đắt đỏ, tăng đáng kể, đông hơn rất nhiều so với trước đây. Lê Thị Vân, sinh viên năm 3, hiện trọ cùng bạn tại quận Bình Thạnh, và học tại Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (P.Linh Trung-Làng Đại học Thủ Đức), cho hay: "Giá xăng đắt đỏ như hiện nay thì hàng ngày đi học nếu chạy xe gắn máy em phải chi ra khoảng 15.000 đồng cho cả 2 lượt đi, về. Nhưng từ hơn 1 tháng nay chuyển qua đi xe buýt mỗi ngày em chỉ mất 6.000 đồng, bởi sinh viên được trợ giá nên vé chỉ 3.000 đồng/lượt".
Vân còn cho hay, không chỉ riêng mình, mà 2 cô bạn cùng quê, trọ chung phòng, vốn trước kia cũng đi học bằng xe gắn máy, vậy mà giờ cũng đều chuyển đi buýt hết để tiết kiệm, bởi họ không "kham" nổi giá xăng quá đắt đỏ như giai đoạn gần đây, nên tiết kiệm được khoản gì thì nên tiết kiệm, bởi cuộc sống sau đại dịch COVID-19 còn quá nhiều khó khăn, vất vả, trong khi không chỉ xăng, rất nhiều loại hàng hoá khác giá cũng đã, đang "phi nước đại".
Đi học, đi làm chung xe để tiết kiệm
Đối với những người cảm thấy việc đi học, đi làm của mình bằng xe buýt là không hợp lý, ít thuận tiện, thì họ cũng có một "chiêu trò" để đối phó với giá xăng đắt đỏ, khá hay, đó là: Đi xe chung.
Nguyễn Văn Nam và Trần Văn Hà hiện đang cùng trọ học tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, và cùng đang học tại quận 10, nhưng khác trường nhau. Trò chuyện cùng Nam chúng tôi được biết Nam học Trường Đại học Bách Khoa, trong khi Hà học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, và vì trường cùng trên địa bàn quận 10, lại cách không xa nhau là mấy, nên những buổi đi học cả 2 "cưỡi" trên một chiếc xe gắn máy, thay vì mỗi người chạy một chiếc như trước kia.
Nam kể: "Tụi em toàn học sáng, chỉ ít hôm học lệch ca nhau, vì vậy chuyển qua đi chung xe thấy cũng thuận lợi, hơn nữa tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể mỗi tháng. Nếu hôm nào học lệch ca, hay có các tiết đột xuất, không trùng giờ thì bọn em lại phải chạy xe riêng, chứ bình thường cứ 2 đứa đi học chung một xe cho rẻ…". Cũng theo Nam, nhiều bạn ở lớp, ở trường học của Nam cũng đưa ra "phương kế" chạy chung xe như vậy để đối phó với giá xăng đắt đỏ.
Chỉ gần nhau thôi, người lao động cũng "khắc phục" bằng cách chạy xe qua đón nhau để đi học, đi làm cùng cho tiết kiệm, giảm chi phí. Lê Tuấn Hạnh, công nhân Công ty Sam Sung (Khu công nghệ cao Thủ Đức), là một ví dụ. Khi Hạnh thuê trọ tại phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, còn cậu bạn tên Nguyễn Văn Tường, làm cùng công ty, nhưng thuê trọ tại phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức.
Hàng ngày trên đường đi làm, Hạnh tiện thể chạy qua đón Tường đi chung xe, tất nhiên mỗi tháng qua đi, Tường phải có trách nhiệm đóng góp chút tiền xăng với Hạnh, và theo như Hạnh giải thích thì việc đi làm chung xe như vậy mỗi người mỗi tháng sẽ tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng.
Hạnh kể: "Bình thường như trước kia xăng còn rẻ, mình em đi làm trong vòng 1 tháng cũng hết cỡ 400.000 đồng tiền xăng, những tháng gần đây xăng liên tục tăng giá khiến tiền xăng bị "lạm phát" thêm cỡ 300.000 đồng/tháng. Chính vì vậy khi chọn cách đi làm chung với bạn trên 1 chiếc xe, chia ra hàng tháng mỗi người chỉ hết cỡ gần 400.000 đồng tiền xăng, tiết kiệm hơn".
Không chỉ nghĩ ra trăm phương ngàn kế để đối phó với giá xăng "phi nước đại" quá đắt đỏ như hiện nay, sinh viên, công nhân nói riêng và đại đa số những người lao động nghèo nói chung, cũng đang phải vật lộn với vô số loại hàng hoá, thực phẩm cũng đang ngày một tăng như diều theo giá xăng, khiến cuộc sống của họ vốn đã vất vả lại càng thêm cơ cực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google