Tranh cãi quanh chuyện bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường tình dục
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng bệnh đậu mùa khỉ có nhiều ca lây lan qua quan hệ tình dục ở người, nhưng nó không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Châu Âu thấy gì về bệnh đậu mùa khỉ?
Các nhà khoa học đại học Queen Mary, London, Anh, đã xem xét 528 ca nhiễm đậu mùa khỉ từ ngày 27.4 - 24.6 ở 16 quốc gia và phát hiện hầu hết các ca lây nhiễm liên quan đến quan hệ tình dục đồng giới. Nghiên cứu này được cho là quy mô nhất đến thời điểm này về bệnh đậu mùa khỉ, công bố ngày 21/7, trên tạp chí y khoa New England. Các nhà nghiên cứu đưa ra số liệu 98% người nhiễm virus đậu mùa khỉ là nam giới đồng tính hoặc lưỡng tính, 41% nhiễm HIV, độ tuổi trung bình 38 (từ 21 - 40 tuổi, quan hệ tình dục đồng giới, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không bao cao su). Số bạn tình trung bình của những người này trong ba tháng gần đây là 5 người, trong đó khoảng một phần ba quan hệ tình dục khi dự các bữa tiệc hoặc ở phòng tắm hơi trong tháng trước đó.
Tiến sĩ John Thornhill, nhà nghiên cứu giải thích: "Điều quan trọng cần nhấn mạnh là đậu mùa khỉ không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục theo định nghĩa truyền thống (sexually transmissible infections - là những bệnh nhiễm trùng lây nhiễm qua tiếp xúc bộ phận sinh dục hay dịch tiết bộ phận sinh dục người bệnh với niêm mạc (mắt, mũi, miệng, hậu môn) hoặc da tổn thương ở người lành khi hoạt động tình dục). Nó lây lan thông qua bất cứ hình thức tiếp xúc gần gũi nào, trong đó có cả quan hệ tình dục".
Theo Tiến sĩ Thornhill, nghiên cứu giúp tăng cường hiểu biết của giới khoa học về cách thức đậu mùa khỉ lây lan. Điều này giúp xác định nhanh chóng các ca nhiễm mới, nhằm đưa ra chiến lược phòng ngừa hiệu quả hơn. Dù hoạt động tình dục là con đường lây nhiễm chính làm phát sinh các ca nhiễm mới, nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh virus có thể lây lan qua bất kỳ hình thức tiếp xúc gần nào, như giọt bắn hô hấp, da, dịch tiết từ quần áo và các bề mặt khác…
Như phụ họa, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Lazzaro Spallanzani ở Roma, Italia, công bố xác định 29/32 bệnh nhân điều trị ở đây có tinh dịch chứa vật liệu di truyền ADN chuỗi kép của virus đậu mùa khỉ. Đặc biệt, phát hiện virus đậu mùa khỉ trong một mẫu bệnh phẩm, virus này có khả năng lây nhiễm sang người khác và nhân lên.
Tổng Giám đốc viện Spallanzani, Francesco Vaia nói với Reuters rằng, dữ liệu đang được đệ trình không đủ bằng chứng để chứng minh rằng các đặc điểm sinh học của virus đậu mùa khỉ đã thay đổi khiến phương thức lây truyền của nó thay đổi theo. "Tuy nhiên, virus có trong tinh dịch là yếu tố ủng hộ giả thuyết lây truyền qua đường tình dục của virus đậu mùa khỉ"- tiến sĩ Vaia nói. Trong báo cáo riêng chưa được kiểm chứng đăng trên mạng Internet ngày 6/6, các nhà khoa học Đức cũng phát hiện ADN của virus đậu mùa khỉ trong tinh dịch của hai bệnh nhân ở nước này.
Trước đây, nhiều chuyên gia có quan điểm cho rằng virus đậu mùa khỉ ít đột biến. Dựa trên đặc điểm bộ gene của nó, họ nhận định, rất hiếm có nhiều hơn 1 - 2 đột biến; người "lạc quan" nhất cũng cho rằng có không quá 10 đột biến xuất hiện mỗi năm. Nhưng nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Lisbon, Bồ Đào Nha công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 23/6 cho thấy, có hơn 50 biến thể mới từ virus lưu hành năm 2018 - 2019, khi gây ra đợt bùng phát ở Nigeria. Các chuyên gia Bồ Đào Nha đã giải trình tự gene của virus đậu mùa khỉ công bố ngày 20/5 và xem xét 14 trình tự gene khác trước ngày 27/5. "Thật bất ngờ khi phát hiện nhiều đột biến ở virus đậu mùa khỉ năm 2022" - Giáo sư Joao Paulo Gomes, Viện Y tế quốc gia Lisbon, một trong những người chủ trì nghiên cứu nhận xét.
Các chuyên gia hiện chưa rõ đột biến có làm thay đổi độc lực của virus hay không, nhưng liệu nhiều đột biến có liên quan gì đến số ca nhiễm tăng nhanh trên khắp Anh, Mỹ, trong khi trước đây, đậu mùa khỉ không dễ lây lan giữa người với người? Đậu mùa khỉ được cho là đã lưu hành ở châu Âu từ tháng 4 mà không bị phát hiện. Đến ngày 25/6, trong 810 ca đậu mùa khỉ ở Anh chỉ có 5 ca là nữ. Khi Cơ quan an ninh y tế Anh điều tra qua thăm dò cá nhân, 96% trong số này nhận họ là nam giới đồng tính, có khi cả song tính và đồng tính. Trong gần 50 quốc gia ngoài châu Phi, Anh là nước có nhiều ca bệnh nhất tính đến thời điểm này. Ở Mỹ, số ca đậu mùa khỉ tăng gấp 3 lần trong tháng 7 và có ở hơn 40 bang. Đến ngày 3/8, số ca bệnh đã hơn 6.600 ca, cao nhất thế giới với 48/50 bang. Nhiều chuyên gia cho rằng con số thực sự có thể cao hơn nhiều. Một khảo sát khác ở Anh cũng cho thấy, chỉ có 28% nam mắc bệnh cung cấp đầy đủ tên các bạn tình gần đây, nghĩa là quan hệ tình dục dấu diếm cản trở thống kê cao nhất số ca bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn lây lan!
Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho rằng, số ca đậu mùa khỉ hiện nay ở châu Âu chủ yếu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Đến ngày 23/5, 67 ca đậu mùa khỉ ở 9 quốc gia Liên minh châu Âu, Khu vực kinh tế châu Âu (Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển) và ít nhất 42 ca nghi ngờ đang điều tra được báo cáo, chủ yếu là đàn ông quan hệ tình dục đồng giới. Andrea Ammon, Giám đốc cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho rằng, lây lan virus khi tiếp xúc gần gũi, ví dụ như hoạt động tình dục giữa những người có nhiều bạn tình được coi là khả năng cao. Canada đang cố gắng tìm hiểu căn bệnh này lây truyền giữa người với người như thế nào. Một số trường hợp nhiễm virus ở nam quan hệ tình dục đồng giới đã được báo cáo. Tuy nhiên, Angela Rasmussen, Nhà virus học, đại học Saskatchewan, bang Saskatoon nói rằng: "Cộng đồng những người quan hệ tình dục đồng giới nam bị kỳ thị kinh khủng về mối liên hệ với lây lan virus, nhưng tôi nói rằng mối liên hệ đó vẫn chưa hoàn thiện được". Tổ chức y tế thế giới thông tin, hiện đậu mùa khỉ đã có ở 78 quốc gia, chủ yếu là ở châu Âu, Mỹ và 98% số ca bệnh ngoài châu Phi là nam giới có quan hệ đồng tính.
Châu Phi nói khác về bệnh đậu mùa khỉ
Ở châu Phi vần đề lại khác. Ngày 4/8, các chuyên gia Tổ chức y tế thế giới và Cơ quan phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh châu Phi cho biết, các ca bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục này không chỉ tập trung ở nam giới có quan hệ đồng tính - điểm khác biệt với các khu vực khác trên Thế giới. Trong buổi họp báo của Tổ chức y tế thế giới khu vực châu Phi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Otim Patrick Ramadan thông tin, có khoảng 60% số ca bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là nam và 40% là nữ. Hơn 80% số ca bệnh mới trong đợt bùng phát lần này ở châu Phi là ở những nước đã có dịch lưu hành trước đây và những người bị lây nhiễm do tiếp xúc với động vật mang bệnh, sau đó lây lan cho những thành viên khác trong gia đình. Phụ nữ châu Phi thường chăm sóc người bệnh và đây là đường lây lan sang giới nữ.
Trong cuộc họp báo riêng, Quyền Giám đốc Cơ quan phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh châu Phi, Tiến sĩ Ahmed Ogwell Ouma cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy số ca bệnh hiện nay ở châu Phi chỉ tập trung ở nhóm nam giới quan hệ đồng tính. Ông Ouma nhấn mạnh: "Đường lây nhiễm đó không phù hợp với bối cảnh châu Phi, bởi nhiều quốc gia châu Phi hình sự hóa quan hệ đồng giới (Hiệp hội người đồng tính, chuyển giới (Lesbian - Đồng tính nữ, Gay - Đồng tính nam, Bisexual - Song tính, Transgender - Chuyển giới; viết tắt các từ tiếng Anh là LGBT) Thế giới báo cáo năm 2019, châu Phi có 32/54 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính. Những nước này phạt tù đến tử hình người bị phát hiện quan hệ đồng tính. Nam Phi là nước duy nhất ở châu Phi hợp pháp hôn nhân đồng tính).
Đậu mùa khỉ là dịch bệnh đặc hữu của châu Phi trong nhiều thập kỷ, chủ yếu từ động vật hoang dã nhiễm bệnh lây sang người và hoạt động săn bắn được cho là nguyên nhân của các đợt bùng phát; thường không lây lan ra ngoài lục địa. Ông nói y tế châu Phi thu thập dữ liệu bệnh đậu mùa khỉ từ năm 1970, khi tần xuất lây lan từ động vật sang người ở Tây và Trung Phi ngày càng tăng và nam giới quan hệ tình dục đồng giới chưa bao giờ là vấn đề quan trọng. Ông khẳng định đợt bùng phát dịch lần này vẫn là những nguyên nhân "truyền thống", như sống trong cộng đồng có động vật mang virus và tiếp xúc gần gũi trong không gian hẹp. "Chúng tôi chưa thấy bằng chứng về bất kỳ nhóm người riêng rẽ nào bị lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Mọi cộng đồng, lứa tuổi và cả hai giới đều có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với người bệnh trong thời gian dài, hoặc với mầm bệnh trên các vật dụng như khăn tắm, ga trải giường…". Ông kêu gọi "tránh các định nghĩa và thông tin có thể kỳ thị những người bị phơi nhiễm".
Tổ chức Y tế thế giới nói gì về bệnh đậu mùa khỉ?
Tổ chức Y tế thế giới cho rằng bệnh đậu mùa khỉ có nhiều ca lây lan qua quan hệ tình dục ở người, nhưng nó không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Dù virus không lây truyền qua đường tình dục, nhưng gia tăng số ca bệnh gần đây dường như đã lây lan ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục được hiểu là mầm bệnh truyền trực tiếp người - người qua tinh dịch, dịch tiết âm đạo... như HIV/AIDS, Chlamydia hay giang mai… Đó là lý do đậu mùa khỉ chưa được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục, cho dù lây truyền từ mẹ sang thai đã được ghi nhận. Mặt khác, theo lập luận của các chuyên gia Anh, đã phát hiện ADN của nhiều loại virus trong đó có cả virus Zika trong tinh dịch, song hiện chưa rõ các vật liệu di truyền này có làm tăng nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục hay không?
Bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát mạnh ở châu Âu, Mỹ và các nơi khác là thêm một minh chứng tác nhân truyền nhiễm ở một khu vực có thể trở thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Giới chuyên gia nhận định, virus đậu mùa khỉ có thể đang trải qua những thay đổi để thích nghi hơn với vật chủ là con người. Theo công bố trên Nature Medicine, phân tích trình tự gene virus thu thập từ các ca bệnh châu Âu chỉ ra, đợt bùng phát hiện tại ở các nước mà đậu mùa khỉ không phải là đặc hữu, có khả năng tiến hóa từ virus đậu mùa khỉ gây đợt dịch ở Nigeria 2018 - 2019 và đằng sau những phát hiện ở Châu Âu hình như sắp có chuyện xảy ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google