Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục

Quỳnh Giang
00:02 - 02/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một số triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ như xuất hiện mụn rộp, phát ban rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường.

Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh 1.

Một số triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ như xuất hiện mụn rộp, phát ban rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường.

Phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục

Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh phát triển thành các mụn nước có thể lan rộng khắp cơ thể. 

Bệnh nhân được coi là dễ lây nhiễm nhất khi các mụn nước chảy mủ. Nhưng trong đợt bùng phát hiện tại, các triệu chứng của bệnh không điển hình. Một số người gặp phát ban, mụn nước đầu tiên rồi mới tới sốt, nhức đầu... 

Trong khi đó, những người khác lại bị phát ban và không thêm bất kỳ triệu chứng giống cúm nào. Nhiều bệnh nhân đã bị mụn rộp khu trú trên bộ phận sinh dục và hậu môn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới cho biết mụn rộp, phát ban từ bệnh đậu mùa khỉ rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường.

Bệnh đậu mùa khỉ

Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh 1.

Phát ban đậu mùa khỉ thường bắt đầu với vết sưng tấy chứa mủ, đóng vảy trước khi phát triển thành vết loét.
Ảnh: news.llu.edu

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Infectious Diseases Journal, các bệnh nhân đậu mùa khỉ ít sốt và ít mệt mỏi hơn so với nhiều bệnh nhân nhiễm các virus gây bệnh khác. Tuy nhiên, họ có nhiều tổn thương ở vùng sinh dục, hậu môn hơn bình thường.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, phát ban ở đậu mùa khỉ có thể xảy ra trên nhiều bộ phận của cơ thể như mặt, miệng, tay, chân, ngực, bộ phận sinh dục và hậu môn.

Phát ban đậu mùa khỉ thường bắt đầu với vết sưng tấy chứa mủ, đóng vảy trước khi phát triển thành vết loét. Vết này đóng vảy và lành trong khoảng thời gian 2-4 tuần.

Phát ban cũng có thể là triệu chứng duy nhất mà bệnh nhân đậu mùa khỉ mắc phải. Nhưng các triệu chứng khác như sốt, sưng hạch bạch huyết có thể xảy ra trước hoặc sau khi phát ban.

Giang mai

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai.

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Triệu chứng của bệnh giang mai rất giống nhiều bệnh lý khác.

Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh 2.

Một số triệu chứng của bệnh giang mai như phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay. Ảnh:
everydayhealth.com

Tương tự phát ban của đậu mùa khỉ, triệu chứng khi mắc giang mai tiến triển qua nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn lại rất khác nhau.

Một số triệu chứng của bệnh giang mai là xuất hiện các vết loét nhỏ hoặc không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng; phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; xuất hiện sẩn như mụn cóc sinh dục có thể phát triển trên âm hộ ở phụ nữ hoặc xung quanh hậu môn ở cả nam và nữ; các mảng trắng trong miệng; mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt và nổi hạch ở cổ, nách và bẹn.

Nếu không được điều trị kịp thời, người mắc bệnh giang mai có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Herpes

Virus Herpes là họ virus rất lớn có khả năng tự nhân đôi khi tấn công vào các tế bào. Loại virus này thường gây ra nhiễm trùng ở mắt, lưỡi, cổ họng, môi, bộ phận sinh dục và các bộ phận khác trong cơ thể.

Các loại virus Herpes khi xâm nhập vào tế bào chủ sẽ gây ra các triệu chứng nhiễm trùng da, các vết loét hoặc phá hủy cấu trúc của tế bào. Virus Herpes có thể gây bệnh ở tất cả mọi người kể cả giới tính và tuổi tác. Tuy nhiên, virus này có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh 3.

Mụn rộp ở môi do virus herpes simplex. Ảnh: CNN

Các triệu chứng nhiễm virus Herpes bao gồm: Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sưng hạch phụ cận. Vị trí nhiễm virus Herpes, người bệnh cảm thấy đau rát trước khi mọc mụn nước. Mụn nước hoặc mụn mủ có kích thước bằng hạt tấm hoặc hạt vừng, lõm giữa, mọc thành đám như chùm nho. Mụn nước vỡ tạo thành những vết trợt sau đó đóng vảy tiết.

Các tổn thương ở người mắc đậu mùa khỉ thường dễ nhầm lẫn với bệnh herpes hay mụn rộp đường sinh dục, mụn rộp ở môi do virus herpes simplex gây ra.

Tuy nhiên, các tổn thương mụn nước ở đậu mùa khỉ tạo thành vết lõm tại trung tâm khá đặc trưng và các nốt này thường có kích thước lớn hơn so với herpes. 

Theo các bác sĩ da liễu, xét nghiệm là cách tốt nhất để phân biệt sự khác biệt giữa đậu mùa khỉ và herpes.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ

Để xác định ca bệnh đậu mùa khỉ, nhân viên y tế sẽ lấy các bệnh phẩm tại là dịch tại các vùng tổn thương, các nốt phỏng da ở bệnh nhân nghi mắc đậu mùa khỉ; ngoài ra cũng lấy các mẫu bệnh phẩm khác như: Máu, dịch đường hô hấp để làm các phương pháp xét nghiệm khác nhau.

Các phương pháp xét nghiệm được triển khai từ xét nghiệm sinh học phân tử đến các xét nghiệm thông thường khác để xác định. Với dịch tổn thương ở vùng da, nhân viên y tế tách chiết các vật liệu di truyền có nghi ngờ nhiễm virus đậu mùa khỉ ra; sau đó nhân đoạn gen đặc hiệu đó ra, từ đó có thể xác định được chính xác khi có ca bệnh".

Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục - Ảnh 4.

Ca bệnh xác định mắc đậu mùa khỉ là trường hợp có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus đậu mùa khỉ. Ảnh: abcnews.go.com

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ca bệnh xác định mắc đậu mùa khỉ là trường hợp có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ là ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như:

- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh.

- Có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

- Người có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.

Các trường hợp nghi ngờ sẽ được cách ly theo dõi và làm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định ca bệnh mắc đậu mùa khỉ.

Bộ Y tế khuyến cáo các phương pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ 

Tránh tiếp xúc với người, động vật có thể bị bệnh

Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo

Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh

Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh

Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo quy định để có biện pháp xử trí phù hợp.

Bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ ở các khu vực miền Trung và miền Tây châu Phi, nơi các loài động vật hoang dã bị bệnh và thỉnh thoảng lây nhiễm sang người dân ở các vùng nông thôn. Các vụ dịch xảy ra tương đối được kiểm soát. Đợt bùng phát mới bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu từ tháng 5/2022 và là lần đầu tiên bệnh lan ra ngoài châu Phi.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính có hàng nghìn ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở khoảng chục quốc gia châu Phi mỗi năm. Hầu hết là ở Congo với khoảng 6.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ hàng năm và Nigeria với khoảng 3.000 trường hợp mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các loại vaccine được sử dụng để diệt trừ bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, nhưng các chiến dịch tiêm chủng đã ngừng hoạt động kể từ khi bệnh đậu mùa được loại trừ.