Trăm năm đường đá làng Phù Lưu

Trịnh Thông Thiện
08:53 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Làng Phù Lưu (phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) có niên đại từ thời Hùng Vương. Làng có tên nôm là làng Giầu, được coi là nơi khởi đầu con sông Tiêu Tương, con sông truyền thuyết gắn liền với sự tích Trương Chi - Mỵ Nương trong văn hóa dân gian của vùng Kinh Bắc.

Sau cổng làng là con đường lát đá xanh dài 3.000m hàng lối thẳng tắp, nổi tiếng vùng Bắc Bộ gần 100 năm nay.

Con đường đá xanh có một không hai của làng Phù Lưu

Bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở Phù Lưu cũng lấy làm tự hào về con đường của làng, luôn dành tình yêu đặc biệt cho con đường đá xanh có một không hai. Làng là quê hương của nhà văn Kim Lân với truyện ngắn "Làng" nổi tiếng. Trong truyện ngắn này, nhà văn Kim Lân xây dựng nhân vật ông Hai đi sơ tán thời kháng Pháp khoe về cái làng mình rằng: "Làng ông có nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong làng lát toàn bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì thượng hạng, không có lấy một hạt đất...". 

Theo ông Lê Trần Thúy, một cán bộ hưu trí nhiều năm làm công tác văn hóa của làng Phù Lưu thì gốc tích của con đường đá xanh có cách đây cả trăm năm. Trước đây, làng Phù Lưu có cụ Hoàng Thúy Chi là quan Tổng trấn tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ông là người có thế lực và uy tín trong vùng. Năm 1933, ông về vận động dân làng đổi mới nếp sống văn hóa qua việc sửa đình Phù Lưu, xây Gác chuông chùa, xây Văn chỉ làng nhằm tôn vinh những người thành danh và người có công với làng và xây Hương học đường để tôn vinh những người con khoa bảng của làng. Trong thời gian Phù Lưu xây dựng các công trình trên, làng Đình Bảng (Từ Sơn) cũng mua đá xanh về làm công trình, nhưng vì một lý do nào đó lại không dùng. Ông Hoàng Thúy Chi biết tin nên đã bỏ tiền túi và quyên góp dân làng mua lại toàn bộ số đá để làm đường làng.

Đá xanh lát ở làng Phù Lưu được chuyển từ Đông Triều, Quảng Ninh về. Thời đó, tiền mua và chi phí lát một viên đá xanh mất 5 hào, tương đương khoảng 30 kg gạo. Hơn 10 năm thi công, Phù Lưu mới hoàn thành được con đường đá xanh có chiều dài khoảng 3.000 m.

Cũng theo ông Lê Trần Thúy, đường đá xanh được thiết kế trên các trục đường lớn, đường chính lát 4 viên đá theo chiều ngang chạy từ đầu làng đến cuối làng. Trên các trục đường chạy vào trong ngõ lát 2 viên. Đặc biệt, con đường được thiết kế để khi người lạ đến Phù Lưu đã đi vào đường làng trên dải đá xanh sẽ không bao giờ bị lạc.

Vẻ đẹp của thời gian

Trước năm 1945, làng Phù Lưu chưa có điện, nhưng ở các góc đường đều có đèn bão để báo cho người đi đường biết đâu là đến khúc cua, ngã ba, ngã tư. Hệ thống thắp sáng này do đội tuần đinh dưới sự quản lý của Lý trưởng, cứ đến chập tối, đội tuần lại đi thắp tất cả ngọn đèn này.

Từ năm 1949 đến 1954, nơi đây bị Pháp chiếm đóng. Xe cơ giới, xe quân sự của địch đi lại nhiều, làm con đường đá xanh hư hỏng đáng kể. Cho đến năm 2007, dân làng Phù Lưu họp bàn về việc tổng trùng tu, nâng cấp con đường đá xanh của làng. Lúc đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng đường làng nên bê tông hóa cho phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, quan điểm của các cụ cao niên trong làng và nhiều người trẻ không đồng tình với việc bỏ con đường đá xanh đã gắn bó với dân, với làng. Dân làng đồng tình bảo tồn con đường ở mức tối đa có thể, kiên quyết không bê tông hóa.

Ngày trước, đường làng Phù Lưu ở giữa lát đá, hai bên vẫn là bùn đất lầy lội nhưng sau này đời sống người dân khấm khá hơn đã lát thêm gạch, nhưng phải xếp nghiêng và hình xương cá để đảm bảo con đường bền mà vẫn đẹp, vẫn giữ nguyên đá xanh ở giữa. Ngày nay, con đường lát đá xanh Phù Lưu hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của làng quê Việt.

 Gần một thế kỷ trôi qua, mặt đá không còn những vết rỗ, vết băm để người đi đường không bị trơn trượt vào những hôm trời mưa. Nay mặt đá ở con đường chính dẫn vào làng Phù Lưu đã mòn và bóng lên hàng ngày, đẹp lạ thường.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 1.

Đường chính làng Phù Lưu với 4 hàng đá xanh dát ngang, xanh bóng theo thời gian.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 2.

Đến Phù Lưu có cảm giác như đi giữa phố cổ, nhà cửa san sát, sầm uất. Những chợ lớn, cầu hàng
ngày xưa không còn nữa nhưng vẫn lưu lại trong các địa danh đường làng, ngõ xóm.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 3.

Từ trục đường chính còn có những con đường hai hàng đá xanh dẫn đi khắp ngõ trong làng.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 4.

Ngày trước, đường làng Phù Lưu ở giữa lát đá, hai bên vẫn là bùn đất lầy lội nhưng sau này đời sống người dân khấm khá hơn đã lát thêm gạch, nhưng phải xếp nghiêng và hình xương cá để đảm bảo con đường
bền mà vẫn đẹp, vẫn giữ nguyên đá xanh ở giữa.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 5.

Ngày nay, con đường lát đá xanh Phù Lưu hiện đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp
truyền thống của làng quê Việt.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 6.

Một ngã tư có con ngõ thông với đường chính ở làng Phù Lưu.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 7.

Đường đá trong làng Phù Lưu đều là đường thoát, tức là có thể thông nhau và thoát ra ngoài qua 6 cổng làng. Gọi là cổng nhưng không bao giờ có cánh cửa, không đóng bao giờ. Có quy chuẩn rõ ràng để khách đến cứ theo đường đá là đi được khắp làng, còn khi nào thấy đường lát gạch là biết đã vào ngõ cụt.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 8.

Trải qua gần thế kỷ, đá đã mòn mặt, nhưng vẫn bền chắc.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 9.

Bên ngoài cái vẻ ồn ào của phố thị, làng Phù Lưu vẫn giữ được những vẻ trầm mặc cổ kính
với con đường đá xanh mát.

Trăm năm đường đá Phù Lưu - Ảnh 10.

Ngày nay mặc dù sự phát triển của làng nhưng đường đá vẫn giữ nguyên vẹn, không bị thu hẹp.

Bên cạnh con đường lát đá xanh, Phù Lưu còn nổi tiếng bởi một chợ Giầu, là một trong 5 chợ nổi tiếng sầm uất nhất vùng Kinh Bắc một thời. Người vùng Kinh Bắc hay gọi là làng Giầu Phù Lưu. Phù Lưu vẫn còn đó dấu tích về một thời buôn bán hưng thịnh, đó là những ngôi nhà cổ. 

Làng Phù Lưu do giao thương nên văn hoá có đặc điểm là ngôi làng mở, không khép kín. Con trai được học hành, con gái thì buôn bán ở chợ Giầu. Chính vì sớm có những quan hệ mở nên người Phù Lưu tiếp thu được nhiều tri thức bên ngoài luỹ tre làng.

Phù Lưu - làng của những người nổi tiếng

Thời phong kiến, làng Phù Lưu có bốn vị đại khoa tiến sĩ: Nguyễn Thúc Dụ, Chu Tam Dị, Hoàng Văn Hòe và Nguyễn Đức Lân. Sau năm năm 1945, làng là quê hương của 50 Tiến sĩ, 11 Giáo sư và Phó Giáo sư cùng hàng trăm Thạc sĩ, Cử nhân... mặc dù làng chỉ có khoảng 180 hộ gia đình. Đó là bác sĩ đầu tiên xứ Đông Dương - Hoàng Thụy Ba; là nhà báo Hoàng Tích Chu, danh họa Hoàng Tích Trù, nhà soạn kịch Hoàng Tích Linh, đạo diễn điện ảnh Hoàng Tích Chỉ; là nhà văn Kim Lân - nhà NSND Nguyễn Đăng Bảy; nhạc sĩ Hồ Bắc…. trên nhiều lĩnh vực như: Hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, biên kịch, văn học, lịch sử, toán học...

 

Bình luận của bạn

Bình luận