Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch

Trương Thuý Hằng
17:23 - 16/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chợ cá làng chài là một dạng sản phẩm du lịch bản địa đặc sắc riêng có của Việt Nam mà du khách thế giới rất ưa thích. Chỉ có ở một đất nước nhiệt đới bờ biển dài như Việt Nam, ánh nắng đầu tiên của ngày mới ló rạng cũng là lúc phiên chợ bến cá náo nhiệt như trảy hội.

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 1.

Hừng đông ló rạng trên bãi biển. Ảnh: TTH

Ở làng biển, các cảng cá nhỏ được hình thành tự nhiên

Vùng biển Nam Trung Bộ nước ta đã trở thành nơi tiên phong khai thác các phiên chợ cá vào hành trình du lịch khám phá văn hóa bản địa của khách du lịch. 

Các vùng du lịch trọng điểm như Phan Thiết có chợ cá Mũi Né, Nha Trang có chợ hải sản Cầu Bóng, Phan Rang Tháp Chàm có chợ cá Ninh Chữ, Quy Nhơn có chợ hải sản Nhơn Lý, … và hàng loạt các chợ cá của các làng chài lâu đời dọc bờ biển. Đây hầu như là do tập quán cư trú lâu đời của ngư dân mà hình thành nên các hải cảng nhỏ, kèm theo đó là chợ mua bán hải sản tại chỗ.

Văn hóa, lối sống, tập quán của lao động nghề  biển mỗi vùng miền bày cả ra trên cát biển, mấp mé những đợt sóng vỗ và nhơm nhớp mùi biển mặn. Bình minh trong vắt còn đẫm sương đêm hiện ra trong tiếng sóng ào vào bờ. 

Phiên chợ cá ban mai đặc biệt của làng biển chỉ họp ngắn ngủi khoảng vài tiếng buổi sáng, rồi tan nhanh như chưa từng tồn tại. Đó là lúc ngư phủ trở về sau buổi đánh cá đêm, chuẩn bị ngư lưới cụ và dầu máy, đá cây bảo quản cho chuyến đi biển tiếp theo. 

Dường như cả khu chợ sớm này chẳng ai vội vàng gì dù chỉ cần ánh mặt trời nhô lên cao, chợ sẽ giải tán. Có điều lạ là cả khu chợ trải ra trên bãi cát trong ánh bình minh đông đúc những bóng nón lá, nhưng không nghe tiếng ồn ào ì xèo cãi vã gì. Vợ ngư phủ không phải đi biển bao giờ, chỉ ở bờ trông chừng con cái học hành.

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 2.

Hải sản đủ loại tươi rói được lấy ra từ những khoang thuyền lấp lánh màu biển bạc. Ảnh: TTH

Chiêm ngưỡng hình ảnh ban mai trong lành ở làng chài Phước Đồng

Ngư dân thôn Phước Đồng. huyện Tuy An, Phú Yên đa số đánh bắt hải sản tàu nhỏ, gần bờ, thường chỉ đi biển 1 đến 2 ngày, hoặc chỉ đi 1 đêm rồi sáng về lại. Cá tôm gì cũng nhỏ nhưng tươi rói và đặc biệt là không cần ướp đá, ướp hoá chất, có sao bán vậy. 

Mỗi đêm lao động nghề biển thu nhập từ 500 đến 1 triệu đồng, trừ những đêm trăng sáng. Những mẻ cá, ghẹ, ốc, sò gì cũng bán sang tay rất nhanh. Gần như cá vừa xuống bờ đã đặt lên cân, rồi trút vào vai mấy người ngánh thuê lên trên đường lớn đổ về các chợ huyện, chợ tỉnh.

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 3.

Hải sản thải loại được tận dụng để nuôi tôm hùm, cá lồng bè trên mặt biển. Ảnh: TTH

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 4.

Chợ sạch sẽ gọn gàng, phục vụ cả người địa phương lẫn khách du lịch. Ảnh: TTH

Du khách có thể nhìn ngắm đã mắt nhất là hải sản còn sống đựng trong các thùng nước mặn, nhìn chính thành quả lao động và niềm vui, nỗi buồn mang lại cho đời sống những ngư dân, đó mới là một hành trình khám phá văn hóa vùng đất đích thực.

Các địa phương trên đường tìm kiếm sản phẩm du lịch đặc trưng không thể bỏ qua sức hấp dẫn của các chợ hải sản đón bình minh vốn đã tồn tại rất tự nhiên như đời sống. Sự đầu tư thiết yếu nhất là giữ sạch sẽ vùng biển, bảo vệ nguyên dạng bờ biển tự nhiên, tôn trọng tập quán văn hóa lối sống của người địa phương. 

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 5.

Chuẩn bị cho chuyến đi sớm mai. Ảnh: TTH

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 6.

Những hải trình nuôi sống các làng biển. Ảnh: TTH

Hừng đông làng biển, niềm thích thú vô hạn với khách du lịch- Ảnh 7.

Ban mai mỗi ngày mới đầy hứng thú với vẻ đẹp lao động ở các chợ cá trên biển. Ảnh: TTH