Trầm cảm sau sinh - chuyện không hề nhỏ

Bác sĩ Bình Nguyên
06:39 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 7/8, chị T.T.D, 27 tuổi, ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, Hà Giang và con T.T.N, 3 tháng tuổi, được đưa khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện khu vực Bắc Quang, Hà Giang, trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, thở nặng nhọc.

Tiên lượng hai mẹ con rất nặng nên ngay lập tức được rửa dạ dày, dùng thuốc chống độc, hồi sức tích cực… Sau hơn một giờ căng thẳng, các chỉ số sinh tồn của hai mẹ con dần hồi phục, qua được nguy kịch… Gia đình khai, sau sinh khoảng 3 tháng, chị D có nhiều biểu hiện bất thường, không nói chuyện với mọi người, tính tình thay đổi… Trong khi gia đình chưa hiểu vì sao thì D đã cùng con uống thuốc diệt cỏ, may mà phát hiện được! 

Không rõ hai mẹ con uống nhiều hay ít và loại thuốc diệt cỏ (hợp chất hữu cơ với 2 - 3 trong các chất Phospho, Nitơ, Clo, Lưu huỳnh, Oxy) nào, vì hiện nay người dân thường dùng đến gần chục loại, độc nhất là Paraquat - ­(C6H7N)2Cl2 - uống 10 - 15 mililit cũng tử vong 70 - 90%, do tổn thương trầm trọng ở phổi, suy hô hấp!

Trầm cảm sau sinh - những câu chuyện đau lòng

Chiều tối 5/2 (mồng 5 Tết Nhâm Dần), khi người chồng cùng con lớn đi chơi về đến nhà trọ trong hẻm, đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, thấy chị C, 34 tuổi, chết trong trạng thái treo cổ, con gái 7 tháng tuổi chết trong máy giặt. Chị C quê ở Sóc Trăng, công nhân một công ty ở quận Bình Tân. Người chồng khai, trước khi xảy ra chuyện đau lòng, chị C có dấu hiệu trầm cảm. 

Cũng ngày này, ở xóm 11, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, khoảng 6 giờ, người nhà phát hiện bé trai 2 tháng tuổi, con chị L.T.H, 39 tuổi đã chết, thân thể có nhiều vết dao chém. Đã xác định được chị H chém chết con trai, tự sát không thành vì trầm cảm sau sinh.

Tháng 5, chị P.T.M, sinh năm 1991, được cha đẻ chở về nhà chồng ở xã An Trạch, huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Khi đến bến phà ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, M bế con -  cháu T.S.H, 1 tuổi, đi thẳng xuống bến phà rồi quăng con xuống sông, mọi người thảng thốt. May mà ông ngoại nhảy ngay xuống cứu được bé. Cơ quan điều tra tỉnh Bạc Liêu xác định M có dấu hiệu trầm cảm. 

Tháng 6, chị P.T.Q, 37 tuổi, ở Long An, trong khi chờ khám bệnh cho con trai 2 tháng tuổi ở bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh, đã ném con từ tầng 5 làm bé tử vong. Cơ quan điều tra nhận định chị Q trầm cảm sau sinh. 

Tháng 7, sinh được 13 ngày, H.H, 21 tuổi, cầm dao rạch bụng tự sát, may mắn được người nhà phát hiện đưa vào bệnh viện Đồng Hới, Quảng Bình, khâu vết thương, chuyển khoa Tâm thần điều trị. Khi ra Viện sức khỏe tâm thần Hà Nội, cô được đánh giá là trầm cảm nặng, rối loạn lo âu vừa và stress nặng theo thang điểm đánh giá Lo âu - Trầm cảm - Stress (DASS 21: bình thường 0 - 9 điểm; vừa 14 - 20; nặng 21 - 27; rất nặng: ≥ 28).

11,6% - 33% sản phụ mắc chứng trầm cảm sau sinh

Hội Tâm thần học Mỹ điều tra cơ bản thấy 8 - 15% sản phụ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Thống kê của Tiến sĩ Norhayati, đại học Universiti Sains, Malaysia thấy có đến 63% phụ nữ châu Á sau sinh có thể mắc chứng này. 

Ở Việt Nam, thống kê của các bệnh viện phụ sản lớn ước tỉ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6% - 33%. Vì thế, trầm cảm sau sinh là vấn đề rất lớn, hậu quả rất nghiêm trọng cần thức tỉnh sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội. 

Trầm cảm (depression) là một chứng bệnh, gồm trầm cảm ngoại sinh xuất hiện sau các chấn thương tâm lý; trầm cảm thực tổn xảy ra do bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến mô, chức năng não (viêm, u não, chấn thương sọ não…; các bệnh nội tiết như suy chức năng tuyến giáp…) và trầm cảm nội sinh. Thuật ngữ "nội sinh" nghĩa là phát ra từ bên trong, thực chất lột tả bế tắc của Y học vì nó được dùng để "cắt nghĩa" nhiều bệnh, chứng bệnh không biết nguyên nhân như Tâm thần phân liệt, Trầm cảm, Mất trí, Rối loạn cảm xúc lưỡng cực (tên cũ: Loạn thần hưng - trầm cảm); các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác…)… 

Hiện tại, người ta nói nhiều đến thay đổi nồng độ, hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh Serotonin trong não nhưng vẫn chưa hề sáng tỏ nguyên nhân trầm cảm nội sinh. 

Trầm cảm sau sinh cũng là một bệnh không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ chính gây trầm cảm sau sinh được đề cập nhiều là: Thay đổi nồng độ các hormon Estrogen và Progesteron sau sinh; mệt mỏi thể chất, tinh thần kèm thiếu ngủ; thai kỳ bất toại (biến chứng, tai biến khi sinh, sinh mổ bất đắc dĩ, sinh non, bé dị tật…); thay đổi trách nhiệm cá nhân sau sinh; kinh tế khó khăn; vấn đề giới tính của giới trẻ; thiếu quan tâm của người thân; cảm giác không an toàn khi từ viện về nhà sau sinh; bố, mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ; sản phụ hoặc gia đình có người rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay tâm thần phân liệt, nguy cơ cao mắc trầm cảm sau sinh và góp phần quan trọng là yếu tố loại hình thần kinh của mỗi người.

Trầm cảm nội sinh điển hình hình thành từ từ trong nhiều tuần với biểu hiện ban đầu là hội chứng suy nhược (mệt mỏi; ăn kém, không ngon; ngủ không sâu, mất ngủ, ác mộng; giảm trí nhớ; sút cân; thiếu sức sống, khó tập trung, không muốn làm việc) và khí sắc suy giảm (nét mặt buồn rầu, ủ rũ, đờ đẫn mất linh hoạt, không phản ứng với ngoại cảnh). 

Rồi xuất hiện 3 triệu chứng: Cảm xúc bị ức chế - triệu chứng quan trọng nhất, với buồn rầu (vô cớ) các mức độ khác nhau: chán nản, thất vọng, nặng nề, sâu sắc, không lối thoát…; cảm thấy ngột ngạt, nôn nao, đau hết chỗ này đến chỗ khác; cho rằng mất hết tình cảm, không biết yêu, thương, ghét, giận và rất đau khổ vì tình trạng mất cảm xúc này; bất hạnh, bi quan, xấu hổ, tủi nhục (vô cớ); đầu óc trống rỗng, có khi kèm theo triệu chứng giải thể nhân cách (như thấy cơ thể đã biến đổi...); tri giác sai thực tại: thấy xung quanh lờ mờ, xám xịt... 

Tư duy bị ức chế: Dòng liên tưởng (suy nghĩ) chậm chạp, nghèo nàn, đơn điệu; hồi ức khó khăn; tư duy bị chìm đắm trong những chủ đề trầm cảm (ví dụ cho rằng người thân không quan tâm…); suy nghĩ tự ti; khó kết hợp các ý nghĩ; khó lĩnh hội và thu nhận vấn đề; nói ít hoặc không nói, nếu gặng thì trả lời lẩm bẩm, nhát gừng… 

Hoạt động bị ức chế: Ngồi im, khom lưng, cúi đầu; nằm cả ngày hoặc nằm im hàng giờ, chùm chăn; hành vi đơn điệu; vận động hạn chế, chậm chạp; đi lờ đờ, quanh quẩn trong phòng… Ngoài ra, tập trung chú ý suy giảm sút; tái hiện (một giai đoạn của nhớ) khó khăn; chỉ nhớ những sự việc gây khó chịu để làm chủ đề cho nghiền ngẫm trầm cảm; ý chí giảm sút, từ do dự, bất lực đến mất hết nghị lực. 

Đặc biệt, xuất hiện hoang tưởng, thường là hoang tưởng bị tội, tự buộc tội, nghi bệnh; ảo giác, thường là ảo thanh: "Nghe" thấy tiếng nói tố cáo tội lỗi của mình hay báo trước hình phạt, tiếng khóc than đám tang… Hoang tưởng, ảo giác, mất cảm xúc, bế tắc… dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát quyết liệt, rất nhanh chóng và thường dai dẳng đến cả khi đã ra khỏi trạng thái trầm cảm. Tự sát bằng bất kỳ cách nào (hủy hoại cơ thể; tự thiêu; nhảy từ trên cao; treo cổ; trẫm mình; lao vào ô tô, tàu hỏa đang chạy...) hoặc giết người thân rồi tự sát. 

Vì thế ý tưởng và hành vi tự sát của mọi bệnh, rối loạn tâm thần là cấp cứu số một trong lâm sàng tâm thần. 

Các rối loạn thực vật - nội tạng đi kèm thường là: mạch chậm, đánh trống ngực; cảm giác nghẹn thở; đổ mồ hôi; lưỡi trắng, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, viêm loét dạ dày - tá tràng; đau đầu; giảm cảm giác và trương lực cơ; tiểu khó, rắt...; mất, rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm; mất cương dương, mất hứng thú tình dục... Trầm cảm nội sinh thường nặng vào buổi sáng và nhẹ đi về buổi tối.

Các mức độ của trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh chia ra ba mức từ nhẹ đến nặng. Nhẹ nhất là tình trạng khóc lóc, ủ rũ (baby blues), xảy ra trong thời gian ngắn ở 30 - 80% người vừa sinh: Lo lắng, khóc, mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ, buồn bã, thường kéo dài 3 - 10 ngày, kết thúc trong khoảng hai tuần. Đây không phải là bệnh, không cần điều trị, sản phụ cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt; cần hỗ trợ của gia đình, bạn bè; nếu kết nối với những sản phụ khác thì rất tốt. Tránh các loại thuốc gây nghiện, chất kích thích vì làm cho tâm trạng sản phụ tệ hơn. 

Những triệu chứng trên nếu dài hơn 2 tuần, có thể đã thành hội chứng trầm cảm sau sinh (postpartum major depression), xuất hiện ở khoảng 10% sản phụ. Hội chứng này thường xuất hiện từ tuần thứ 3 và có xu hướng kéo dài. Rối loạn cảm xúc rõ nét và kéo dài nhất: khóc, thiếu tập trung, suy nghĩ chậm chạp, khó đưa ra các quyết định, thiếu tự tin, buồn chán và có ý tưởng tự sát. Các triệu chứng thực vật thường thấy là mệt mỏi, da khô, táo bón, nhạy cảm với trời lạnh… Cần được điều trị liệu pháp tâm lý và các thuốc chống trầm cảm, riêng lẻ hoặc kết hợp tùy vào diễn biến tâm lý. Nếu điều trị hợp lý, trầm cảm sau sinh thường khỏi trong vòng 6 tháng. Nếu không tuân thủ điều trị, bệnh sẽ kéo dài hơn trở thành hội chứng loạn thần sau sinh (postpartum psychosis, loạn thần sản khoa, trầm cảm loạn tâm thần sau sinh). 

Loạn tâm thần sau sinh xảy ra 1 - 2 ca/1.000 sản phụ. Hội chứng này hay thấy nhất ở những sản phụ (hoặc có người trực hệ) bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Hầu hết bệnh phát nhiều nhất ở 1 - 3 tháng sau sinh, nhưng có thể bắt đầu từ tuần thứ 2. Các triệu chứng xuất hiện sớm là kích động, lú lẫn, loạn nhớ, cáu kỉnh, mất ngủ, lo lắng. Muộn hơn là hoang tưởng, ảo giác, xa lánh mọi người và có hành vi bất thường; đặc biệt: Không quan tâm hoặc gây tổn thương bản thân và trẻ mới sinh…

Do mẹ gián đoạn kết nối với con, những đứa trẻ có mẹ trầm cảm sau sinh có thể có các vấn đề về hành vi hoặc học tập, trẻ có nguy cơ cao rối loạn phát triển và suy giảm các kỹ năng xã hội.

Trầm cảm sau sinh - chuyện không hề nhỏ - Ảnh 1.

Năm 2001, Andrea Yates, sinh năm 1964, ở ngoại ô Clear Lake City, thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, dìm chết 5 con đẻ (4 trai, một gái, 6 tháng đến 7 tuổi) trong bồn tắm nhà riêng vì trầm cảm sau sinh kéo dài, cho thấy căn bệnh này quá ác nghiệt. Trong ảnh: Bốn bé trai của nhà Yates trước khi mẹ sinh em gái.
Nguồn: Reuters

Khi phát hiện có biểu hiện trầm cảm sau sinh, nhất thiết phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám

Thống kê của các bệnh viện phụ sản lớn cho thấy gần 50% trầm cảm sau sinh các mức độ ở Việt Nam không được phát hiện bởi chuyên khoa tâm thần - một con số không kém phần đáng sợ! Bệnh không rõ nguyên nhân nên chỉ có thương yêu, quan tâm, săn sóc, động viên của người thân, đặc biệt là người chồng sẽ làm giảm, ngăn chặn được những buồn rầu, thất vọng, bi quan… vô cớ ở người mẹ sau sinh rất yếu ớt, mong manh cả thể chất lẫn tinh thần (đặc biệt sinh lần đầu), mặt khác, quan tâm săn sóc giúp phát hiện sớm những biểu hiện trầm cảm để can thiệp. 

Hoàn cảnh của cô H.H ở Quảng Bình là ví dụ: Có thai khi đang học năm thứ 3 đại học; chưa cưới, phải nuôi con ở nhà mẹ đẻ nên suy nghĩ ngổn ngang; mang thai, sinh và nuôi con, chồng rất ít quan tâm, không chia sẻ, tâm sự; phải bảo lưu kết quả học tập để sinh con, nuôi con… Cô luôn mệt mỏi; ăn không ngon; thấy thiếu năng lượng sống; ít nói chuyện, hay ngồi một mình; buồn rầu, hay khóc lóc; suy nghĩ tiêu cực, bi quan; không chăm sóc con, không có tình cảm với con, khó chịu khi nghe con khóc…

Khi phát hiện có biểu hiện trầm cảm sau sinh nhất thiết phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám. Phải nhập viện điều trị bằng thuốc, tâm lý trị liệu và các biện pháp ngăn chặn tự sát khi bác sĩ chỉ định.

                                          


Bình luận của bạn

Bình luận