Chiêu trò huy động vốn bằng dự án sâm Ngọc Linh "ảo" của Chủ tịch Công ty Mỹ Hạnh
Để huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng, Chủ tịch Công ty Mỹ Hạnh đã "vẽ" ra dự án sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam.
Cơ quan công an xác định, thông qua dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, Phạm Mỹ Hạnh đã huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng. Sau đó chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng.
"Vẽ" dự án trồng sâm Ngọc Linh để huy động vốn, chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng
Theo cơ quan công an, từ năm 2017-2022, bà Phạm Mỹ Hạnh đã đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật về việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Để huy động được số vốn khổng lồ và tạo niềm tin cho khách hàng, Công ty Mỹ Hạnh đã tổ chức, tham gia nhiều sự kiện lớn liên quan đến sâm Ngọc Linh. Công ty này nhiều lần quảng cáo, giới thiệu đang đầu tư trồng 100 ha sâm Ngọc Linh tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; 60 ha sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Qua đó huy động các nhà đầu tư góp vốn với hứa hẹn sinh lời rất lớn. Tuy nhiên, từ số vốn huy động này, Phạm Mỹ Hạnh đã chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng.
Để thuyết phục nhà đầu tư, Công ty Mỹ Hạnh cũng tổ chức cho những "khách hàng tiềm năng" tham quan các vườn sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp, đơn vị khác tại Quảng Nam. Song lại nói rằng đây là vườn sâm của Công ty Mỹ Hạnh. Thông qua các phương tiện truyền thông, Công ty Mỹ Hạnh sau đó đã dùng những hình ảnh này để quảng bá thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó, Công ty Mỹ Hạnh còn tổ chức các talk show (chương trình trò chuyện) với chủ đề bảo vệ sâm Ngọc Linh "quốc bảo Việt Nam". Tháng 7/2022, công ty này còn thực hiện lễ ký kết hợp tác truyền thông và phân phối sâm Ngọc Linh sang thị trường Úc.
"Nổ" có dự án vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum MHG Farm
Theo tìm hiểu, trên trang chủ website của Công ty Mỹ Hạnh, công ty này đã dùng những ngôn từ mỹ miều giới thiệu là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chuyên "nghiên cứu, trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm từ sâm Ngọc Linh".
Đồng thời, Công ty Mỹ Hạnh cũng giới thiệu về Dự án MHG Farm - Khu Du lịch Sinh thái Măng Cành, Kon Tum được đầu tư và xây dựng tại Km 18, tỉnh lộ 676, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ năm 2019 với đăng ký pháp nhân là Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plong.
Theo giới thiệu của Công ty Mỹ Hạnh, với sự đồng hành sát cánh của đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản..., công ty này tự tin sẽ triển khai dự án MHG Farm thành hiện thực.
Đại diện Ban quản lý Công Mỹ Hạnh cũng từng chia sẻ, nổi bật tại MHG Farm là khu vực vườn sâm Ngọc Linh ứng dụng công nghệ cao như: Công nghệ sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, Internet vạn vật… Đồng thời, với quy trình quản lý khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế cùng hệ thống camera hiện đại sẽ đảm bảo năng suất tối đa, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Công ty Mỹ Hạnh còn "nổ": "Với khát vọng mang lại cuộc sống giàu đẹp hơn và tình yêu dành cho sâm Ngọc Linh, công ty đưa ra các phương án Hợp tác trồng Sâm Ngọc Linh công nghệ cao dành cho các nhà đầu tư tâm huyết với chính sách hấp dẫn".
Tuy nhiên, hiện tại không thể truy cập vào trang chủ của Công ty Mỹ Hạnh nữa. Được biết động thái này diễn ra sau khi có thông tin công an đang điều tra làm rõ chiêu trò lừa đảo huy động vốn của Công ty Mỹ Hạnh, mạo danh trồng sâm Ngọc Linh.
Không có dự án trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Kon Plông như giới thiệu
Liên quan đến sự việc này, ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum khẳng định rằng, huyện Kon Plông có nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp, dược liệu, nhưng tỉnh Kon Tum không cấp chủ trương để trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty Mỹ Hạnh hay Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông tại địa bàn huyện. Bởi huyện Kon Plông không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý, không nằm trong vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh.
Theo ông Đặng Quang Hà, tỉnh Kon Tum mới chỉ thực hiện việc trồng sâm Ngọc Linh tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei nơi có chỉ dẫn địa lý được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Đồng thời, dự án nông trại hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn tại Kon Plông do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện theo pháp luật chủ yếu trồng cây dược liệu là sâm đương quy và sâm dây.
Do đó, việc Công ty Mỹ Hạnh tự quảng bá, giới thiệu với khách hàng có trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Kon Plông là không đúng.
Trước đề nghị của Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) về cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc Công ty Mỹ Hạnh đã quảng bá trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Kon Plông, theo ông Đặng Quang Hà, huyện Kon Plông cũng đã có văn bản phản hồi về vấn đề này.
Điều tra các đối tượng giúp sức cho Phạm Mỹ Hạnh thực hiện hành vi lừa đảo
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang củng cố tài liệu chứng cứ làm rõ các đối tượng giúp sức cho Phạm Mỹ Hạnh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; triệt để xác minh thu hồi tài sản đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư; khẩn trương củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, cơ quan chức năng đề nghị các bị hại, nhà đầu tư cần hợp tác với cơ quan công an trong việc tố giác hành vi của bà Phạm Mỹ Hạnh để Công an quận Cầu Giấy làm rõ phạm vi, quy mô, tính chất phạm tội của bị can.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp tác, dòng tiền ứng, nhận với Phạm Mỹ Hạnh trong các giao dịch dân sự, cần hợp tác với cơ quan điều tra để thu hồi tiền. Cơ quan chức năng xác định số tiền này cũng là tiền bà Hạnh đã chiếm đoạt bất hợp pháp trong vụ án.
Bắt tạm giam Chủ tịch Công ty Mỹ Hạnh
Như Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đưa tin, ngày 10/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an quận Cầu Giấy đã bắt tạm giam bà Phạm Mỹ Hạnh (sinh năm 1980, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Thời điểm tháng 11/2022, bà Phạm Mỹ Hạnh trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về việc công ty có dự án đầu tư trồng cây Sâm Ngọc Linh tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
Thông qua "dự án" này, Phạm Mỹ Hạnh đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn và hứa hẹn sẽ trả lãi suất lên đến hàng chục phần trăm/năm. Làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần trong Công ty Mỹ Hạnh.
Sau khi huy động vốn của nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng, bà Hạnh sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho chính các nhà đầu tư, lấy tiền của người góp vốn sau trả tiền gốc và lãi cho người đã góp vốn trước. Với thủ đoạn tinh vi này, Phạm Mỹ hạnh đã chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng.
Công an quận Cầu Giấy xác định, hành vi của bà Phạm Mỹ Hạnh có đủ yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bà Phạm Mỹ Hạnh từng được báo chí ca ngợi về thành công trong kinh doanh và các hoạt động thiện nguyện.
Theo đó, khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối sim điện thoại, hàng điện tử, máy văn phòng..., sau đó, bà Phạm Mỹ Hạnh đã mở rộng kinh doanh và liên tục thành công trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh viễn thông, thiết bị chống cháy…
Năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh chính thức ra đời với 5 lĩnh vực hoạt động chính: cung cấp sản phẩm và dịch vụ viễn thông; nghiên cứu, trồng sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; sản xuất và phân phối sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái; spa Dược liệu sâm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google