Trách nhiệm của gia đình, nhà trường ở đâu?

Nhà báo Mỹ Hằng
19:30 - 09/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Xem video bọn trẻ hỗn láo với cô giáo và kể cả video cô giáo lao theo đuổi và ném giày vào học sinh, cảm thấy rõ ràng là bọn trẻ đã được "chống lưng", được "bơm vá" để tiêm nhiễm vào đầu rằng việc hỗn với cô giáo chẳng có gì đáng sợ, hay ít nhất là đã được làm ngơ để dẫn đến sự việc đó.

cô giáo

Hình ảnh trong video ghi lại vụ việc gây bức xúc dư luận tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Đọc mấy cái văn bản giải trình của thầy hiệu trưởng trường cấp 2 nơi cô giáo bị đám học sinh hỗn hào quây lại bắt nạt hội đồng, thấy toàn là cô giáo có lỗi, cô giáo không được lòng tin của cha mẹ học sinh và đồng nghiệp, cô giáo phát ngôn không chuẩn mực, mà không có một dòng nào cho thấy thầy hiệu trưởng tự thấy mình có lỗi vì không giải quyết dứt điểm được một vụ việc đã kéo dài.

Xem video bọn trẻ hỗn láo với cô giáo và kể cả video cô giáo lao theo đuổi và ném giày vào học sinh, cảm thấy rõ ràng là bọn trẻ đã được "chống lưng", được "bơm vá" để tiêm nhiễm vào đầu rằng việc hỗn với cô giáo chẳng có gì đáng sợ, hay ít nhất là bọn trẻ đã được làm ngơ để dẫn đến sự việc đó, và rõ ràng cô giáo đã bị kích động đến mức không thể giữ được bình tĩnh. Bạo lực học đường, lần này là học sinh bắt nạt, làm nhục có tính bầy đàn đối với cô giáo.

Một đứa trẻ hỗn hào với cô giáo đã kinh hãi, đây cả một đám xúm lại ném vào cô những từ ngữ tục tằn mất dạy thì sự bầy đàn nhân sự kinh hãi gấp nhiều lần.

Cà khịa, mang gậy ra dọa, quay phim cô giáo là những điều đáng sợ, nhưng còn nằm lăn ra đất giả chuyện cô giáo đánh học sinh thì sự đáng sợ cũng tăng gấp bội vì những đứa học sinh cấp 2 mà đã biết vu khống trắng trợn người khác dù chúng không ý thức hết như thế.

Nhìn sự nghênh ngang yêng hùng của bọn trẻ trong clip chẳng khác gì trong những clip tik tok trẻ trâu đầy rẫy trên mạng, những "người hùng mạng" cứ vô tư thể hiện và những đứa trẻ khác xem một cách hưởng ứng, thích thú.

Giáo dục một đứa trẻ bao giờ cũng là trách nhiệm của gia đình đầu tiên. Đứa trẻ ở nhà đến 3 tuổi mới đi học mẫu giáo, 6 tuổi mới vào lớp 1, và chỉ ở trường 8 tiếng mỗi ngày, 16 tiếng còn lại là với gia đình. Nên đầu tiên đừng đổ lỗi cho nhà trường.

Cũng không thể coi đây là sự thất bại, sụp đổ của cả ngành giáo dục. Có nhiều điều cần cải cách trong giáo dục, có những thầy cô lệch chuẩn, có những vụ việc đáng xấu hổ nhưng không có nghĩa là môi trường giáo dục đáng bị chê bôi dìm hàng như thế. Một vài sự việc, cá nhân không phải là bộ mặt của ngành giáo dục, nếu nghĩ đó là tất cả thì phải tự nhìn lại mình sao vẫn đi gửi con cho ngành giáo dục đó.

Cô giáo cũng có sai, nhưng phản ứng như bọn trẻ này thì vượt qua mọi giới hạn đạo lý thầy trò xưa nay. Mỗi đứa trẻ hành xử xấu xa thì có thể do cha mẹ sinh con trời sinh tính, do giáo dục gia đình không đầy đủ, yêu thương không đầy đủ. Nhưng kéo nhau bầy đàn để hành xử ác độc thì là có trách nhiệm của xã hội, kể cả ngành giáo dục.

Không quan tâm đến môn đạo đức, giáo dục công dân, văn thể mỹ, luôn coi đó là môn phụ, chỉ quan tâm thành tích và điểm số. Đánh bóng những triết lý nhân văn nào đó đến hào nhoáng mà quên đi trách nhiệm và kỷ luật. Dân túy không chỉ trong chính trị, dân túy cả trong giáo dục, trong trường học.

Mới đây nói chuyện với bà chị là giáo viên cấp 2, bà chị thở dài, giáo viên giờ chẳng có quyền gì, chẳng dám làm gì. Giáo viên giờ sợ học sinh, cha mẹ học sinh, mạng xã hội.

Cũng gần đây, nói chuyện với một bạn là tiến sĩ, giảng viên đại học, và chia sẻ ý kiến, bọn trẻ bây giờ sướng về vật chất, nhưng thiếu định hướng. Bạn kia nói thêm, ngày xưa chúng mình có định hướng vì chỉ có một lựa chọn, bọn trẻ giờ quá nhiều lựa chọn, và vì thế không biết chọn cái gì.

Giữa hàng nghìn clip trên mạng chẳng hạn, chọn xem những thứ vô bổ, trẻ trâu, thậm chí ngu xuẩn, bởi những thứ đó bao giờ chả giật gân hấp dẫn hơn những thứ nghiêm túc kể cả nghiêm túc một cách hay ho. Người lớn còn thích những thứ nhảm nhí nữa là. Không phải người lớn giúp trẻ con định hướng thì ai vào đây nữa.

Biết có những clip nhảm nhí, biết những kẻ làm clip nhảm nhí như thế, nhưng người lớn hô hào mãi mà không dẹp nổi.

Làm thầy cô thời này khổ thực sự. Ai cũng có con đi học nên ai cũng có thể chỉ trích thầy cô và ngành giáo dục. Ngành giáo dục bị chửi nhiều quá lại sợ hãi đi chiều ý nhân dân, bỏ qua cả những nguyên tắc cơ bản xưa nay. Đòi hỏi giáo viên phải cư xử như vị thánh trong khi đối xử với giáo viên chẳng ra gì. Hàng chục nghìn giáo viên bỏ nghề. Điểm sư phạm xưa nay vẫn thấp trong khi lẽ ra phải lấy cao, và sau này thầy cô đi làm phải trả lương cho họ thật cao. Con đi học thêm thì chỉ trích thầy cô trong khi chính bố mẹ cũng thích thành tích, đua điểm số.

Đây không chỉ là chuyện giáo dục, mà là chuyện văn hóa. Ai đó đã lên kế hoạch bỏ ra mấy trăm ngàn tỷ để chấn hưng văn hóa. Vậy thì đổ tiền vào đâu để chấn hưng cho hợp lý?