Tổng thống Ukraine bình luận về nguy cơ chiến tranh hạt nhân

12:05 - 03/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân vẫn tồn tại, song khó có khả năng xảy ra.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải lo sợ về điều đó. Chúng ta không nên coi trọng các tối hậu thư và áp lực từ Nga”, ông Zelensky nói với nhà báo Michal Kubal khi được yêu cầu bình luận về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định Kiev không tiến hành bất kỳ thoả hiệp nào với Moskva. Ông nhấn mạnh Kiev sẽ nỗ lực giành chiến thắng và kêu gọi Nga nên rút lui khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev coi là của Ukraine, bao gồm cả Crimea.

Tổng thống Ukraine bình luận về nguy cơ chiến tranh hạt nhân - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

“Nếu Nga không rút khỏi Donbass và Crimea, điều đó có nghĩa là chiến tranh chưa kết thúc”, Tổng thống Ukraine tuyên bố và nói thêm rằng mỗi bên sẽ huy động lực lượng để chuẩn bị cho cuộc xung đột mới, thay vì chấm dứt xung đột thông qua ngoại giao và đàm phán.

Ông Zelensky cũng thừa nhận việc Ukraine không phát triển hệ thống phòng thủ và an ninh uy lực trong hơn 30 năm qua là sai lầm lớn nhất của Kiev. 

Đồng thời, ông lưu ý có một số quốc gia đang cố gắng thúc đẩy Ukraine tiến tới thỏa hiệp với Nga. Dù không nêu tên các quốc gia này nhưng ông nói rằng đó không phải là một tình huống khả thi đối với Ukraine và Kiev sẽ không nhượng bộ trước áp lực đó.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần phát tín hiệu nước này đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Kiev để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, hồi tháng 10, ông Zelensky đã ký sắc lệnh chính thức từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga.

Vào cuối tháng 9, người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố sẽ bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga bằng cách sử dụng mọi lực lượng và nguồn lực sẵn có. Giới chuyên gia và quan chức phương Tây đã coi tuyên bố này là một mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng. 

Theo một số quan chức Mỹ, gần đây, các lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga đã có các cuộc trao đổi để thảo luận về việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine khi nào và như thế nào.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định, "chưa có bằng chứng" cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân tới các vị trí hoặc tiến hành các động thái để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

"Chúng tôi đã nhận định ngay từ đầu rằng những bình luận của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đáng quan ngại sâu sắc và chúng tôi sẽ xem xét chúng một cách nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình, song hiện không có dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng các vũ khí này", người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko hôm 28/10 khẳng định, học thuyết quân sự của Nga không cho phép bất cứ cách diễn giải nước đôi nào về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. "Các tài liệu nêu rõ rằng bên ngoài bối cảnh hạt nhân, vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng nếu có mối đe dọa đối với sự tồn vong thực sự của đất nước. Đây là một tiêu chí hoàn toàn rõ ràng", ông nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các tranh cãi hiện tại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân là do phương Tây muốn gây sức ép lên cộng đồng quốc tế để chống lại Nga, nhưng không thành công.

Tổng thống Nga sau đó nhấn mạnh Moskva chưa từng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden - người trước đó cảnh báo về ngày tận thế hạt nhân, đã đặt câu hỏi tại sao Nga vẫn tiếp tục nói về vũ khí hạt nhân khi không có kế hoạch sử dụng chúng.

Nguồn: Reuters