"Bóng ma" chiến tranh hạt nhân
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần chung tay hành động để tránh thảm họa này, đặc biệt trong ngày 6 tháng Tám, Ngày Quốc tế Loại trừ hoàn toàn Vũ khí hạt nhân.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Kiểm điểm lần thứ 10 của các Bên tham gia Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân, Tổng thư Ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói: "Căng thẳng địa chính trị đã ở mức cao… các nước đang tìm kiếm an ninh không đúng nghĩa khi tàng trữ vũ khí tận thế và chi phí hàng trăm triệu đô la vào loại vũ khí không nên có trên trái đất của chúng ta".
Nhân loại "chỉ cách huỷ diệt hạt nhân một hiểu nhầm hay một tính toán sai". Đúng vậy, tình hình hiện nay đang đẩy thế giới ngày càng gần đến cuộc chiến tranh hạt nhân.
1.
Trên thế giới hiện có 9 nước có vũ khí hạt nhân. Đó là Anh, Ấn Độ, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên), Israel, Nga, Mỹ, Pakistan, Pháp và Trung Quốc. Trong những năm vừa qua những nước này vẫn không ngừng hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của mình.
Số vũ khí hạt nhân sẽ vẫn ở mức cao và sẽ tăng trong những năm tới, cho dù tổng số vũ khí có giảm chút ít trong năm 2021.
Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tính đến đầu năm 2022, tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới là 12.705, trong đó 9.440 nằm trong kho dự trữ sẵn sàng để sử dụng. Trong số đó, có 3.732 đầu đạn đã được triển khai và 2.000 đầu đạn ở trong tình trạng báo động cao.
Tuy trong năm 2021, số đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ có giảm một chút do phải huỷ đầu đạn hết hạn sử dụng, số đầu đạn khả dụng của cả hai nước vẫn không có thay đổi lớn. Đây là mối đe doạ đối với loài người, vì số đầu đạn hạt nhân hiện có vẫn có thể phá huỷ trái đất chúng ta gần 13 lần.
2.
Mối đe doạ này càng lớn hơn khi hai nước Nga và Mỹ chiếm giữ hơn 90% vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới lại ở vị thế đối đầu. Bảy nước còn lại đang phát triển hoặc triển khai hệ thống vũ khí mới.
Nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhận của mình bằng cách xây dựng thêm 300 bệ phóng tên lửa hạt nhân. Trong năm 2021, Trung Quốc cũng đã triển khai thêm bệ phóng di động và một tầu ngầm.
Anh đã thông báo sẽ chấm dứt thực hiện chính sách giải trừ quân bị dần dần và thay vào đó tăng số đầu đạn trong kho dự trữ. Đồng thời Anh sẽ không công khai con số vũ khí hạt nhân trong kho, đầu đạn hạt nhân hoặc tên lửa đã triển khai.
Đầu năm 2021, Pháp đã chính thức triển khai chương trình phát triển tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Ấn Độ và Pakistan cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân và trong năm 2021 cả hai nước đều đưa vào sử dụng hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân mới.
Có nhiều tin tức cho rằng Israel đang hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của mình. Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục thử vũ khí hạt nhân, trong khi Iran vẫn đang cố gắng làm giầu uranium để tiến đến sản xuất vũ khí hạt nhân, cho dù đang đàm phán phục hồi thoả thuận hạt nhân với nhóm P5 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và Đức năm 2015.
3.
Xung đột Nga-Ukraine là giữa một nước có vũ khí hạt nhân và một nước không có vũ khí hạt nhân. Đã có cảnh báo sẽ có thể "có những hậu quả chưa từng thấy trong lịch sử", có lẽ để ngăn phương Tây không can thiệp sâu hơn nữa.
Nhiều nhà quan sát cho rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân sẽ rất lớn nếu tình hình chiến sự bất lợi cho nước có vũ hí hạt nhân.
Ở thời điểm hiện tại, dường như hai bên đều hiểu rằng có lằn ranh đỏ không thể vượt qua. Tuy nhiên, cuộc chiến càng dài, cường độ càng cao thì càng có thể có nhiều hiểm nhầm và tính tính toán sai, dẫn đến vượt lằn ranh đỏ là không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đây là những gì mà Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã nhắc tới.
4.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, nhiều nước đang phải tính toán lại. Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc gần đây đã cam kết cùng tăng cường chiến lược răn đe hạt nhân chung. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobui Kishi đã phát biểu tại Hội nghị quốc phòng Shangri-La là: "Thế giới ngày càng không chắc chắn"; "Nhật Bản bị bao vây bởi những nước đã có hay đang phát triển vũ khí hạt nhân, và các nước này lại phớt lờ quy định".
5.
Lại có những nước suy nghĩ rằng cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh rằng, răn đe hạt nhân là cần thiết vì Ukraine mất quyền răn đe do tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân. Một số nước sẽ nhìn vào tấm gương của Ukraine và cho rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân không phải là điều hay. Do vậy, thay vì từ bỏ họ lại cố phát triển vũ khí hạt nhân.
Tất cả những điều này kết hợp với nhau đẩy nguy cơ chiến tranh hạt nhân lên cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Loài người chúng ta đã chứng kiến sức công phá của vũ khí hạt nhân vào ngày 6 và 9 tháng Tám năm 1945, làm hơn 210.000 người chết. Từ đó đến nay, thảm họa chiến tranh hạt nhân vẫn là nỗi lo của tất cả chúng ta. Nỗi lo này không hề nguôi đi mà có phần lại tăng lên do những căng thẳng địa chính trị hiện tại.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần chung tay hành động để tránh thảm họa này, đặc biệt trong ngày 6 tháng Tám, Ngày Quốc tế Loại trừ hoàn toàn Vũ khí hạt nhân. Một khi vũ khí hạt nhân được loại trừ hoàn toàn, thì hiểu nhầm hay tính toán sai cũng sẽ không thể dẫn đến thảm họa hạt nhân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google