Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan bị bắt vì sản xuất sữa giả

Trang Linh
14:45 - 30/08/2024
Công dân & Khuyến học trên

Theo thông tin từ Bộ Công An ngày 30/8, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan Nguyễn Trung Vương đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan bị bắt vì sản xuất sữa giả- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ một số sản phẩm sữa tại kho hàng của Công ty cổ phần Sữa Hà Lan tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Bộ Công an

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan bị bắt

Trước đó, cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty cổ phần Sữa Hà Lan có địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.

Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Trung Vương giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan là người có trình độ Đại học Dược. Đồng thời đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, có hiểu biết, nhận thức về hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn, sản phẩm không có tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vì lợi nhuận đối tượng này vẫn chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi phạm tội.

Theo kết quả điều tra, ông Nguyễn Trung Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm của Công ty cổ phần Sữa Hà Lan. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa, thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa Tổng Giám đốc và các nhân viên.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 67 mẫu sản phẩm thành phẩm (tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk), gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%, với số lượng hàng hóa là 29.400 lon/hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỉ đồng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan bị bắt vì sản xuất sữa giả- Ảnh 2.

Một số sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: VTV

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng phát hiện Kế toán trưởng Công ty cổ phần Sữa Hà Lan Đỗ Minh Thu đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm rồi đem xác nhận sao y bản chính tại Ủy ban nhân dân xã Đồng Lạc để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm, được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Đối với hành vi trên, cơ quan công an đã tách thành vụ án hình sự, tiến hành điều tra, kết luận, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Chí Linh truy tố bị can Đỗ Minh Thu trước pháp luật về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ngày 16/4/2024, Tòa nhân nhân dân thành phố Chí Linh đã xét xử vụ án trên, tuyên phạt bị cáo Đỗ Minh Thu 62 tháng tù giam.

Vụ sản xuất hàng kém chất lượng của Công ty cổ phần Sữa Hà Lan tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm bị xử lý thế nào?

Theo Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:

(1) Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Tái phạm nguy hiểm;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Buôn bán qua biên giới;

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ 500 triệu đồng;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

(4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Thu lợi bất chính 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

(5) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(6) Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (1) mục này, thì bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng;

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), thì bị phạt tiền từ 03 tỷ đồng đến 06 tỷ đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (3) mục này thì bị phạt tiền từ 06 tỷ đồng đến 09 tỷ đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại (4) mục này thì bị phạt tiền từ 09 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn:

+ Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

+ Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

- Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Bình luận của bạn

Bình luận