Thành phố Hồ Chí Minh: Tiêu hủy lượng lớn hàng giả, hàng không nguồn gốc xuất xứ

Quang Minh
06:10 - 28/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong các ngày 21 và 24/4/2023, lực lượng chức năng đã thực hiện tiêu hủy hơn 2.240 đơn vị sản phẩm và 531 kg đường cát và táo đỏ khô, không nguồn gốc xuất xứ, hàng giả không đảm bảo sức khỏe con người, vật nuôi…có tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.

Tiêu hủy toàn bộ số hàng giả có giá trị lên tới hàng trăm triệu

Ngày 26/4/2023, tại Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn – Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (số 150, Lê Đại Hành, Phường 7, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh), đội Quản lý thị trường số 18 đã thực hiện 4 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa với số lượng 751 đơn vị sản phẩm nón bảo hiểm giả mạo Nón Sơn, áo thun giả mạo nhãn hiệu CK, áo sơ mi giả mạo nhãn hiệu Burberry, quần jeans giả mạo nhãn hiệu Levi’s và dép giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy 111.550.000 đồng.

Trước đó, cũng tại đây, ngày 21/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 17 đã thực hiện 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hàng hóa với số lượng 1.489 đơn vị sản phẩm và 531 kg đường cát và táo đỏ khô, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả không đảm bảo sức khỏe con người, vật nuôi với tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 97 triệu đồng. Toàn bộ quá trình tiêu hủy có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng. Đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường.

Cuộc chiến chống hàng giả đầy cam go

Được biết, trong thời gian qua, các lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp để chống hàng giả như tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về hàng giả. Ngoài ra, thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", người tiêu dùng mua và sử dụng hàng giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, nếu hàng giả có liên quan đến tội phạm thì người tiêu dùng có thể bị xử lý hình sự. Hơn nữa, việc tiêu thụ hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia. 

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một chặng đường dài đầy gian nan và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn việc buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tuy nhiên số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý ngày càng nhiều. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về hàng hóa, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.