Mọi biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

PV
06:10 - 25/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Năm 2022, nhiều vụ việc vi phạm diễn ra đã gây đau đầu cho không ít các cơ quan quản lý. Năm 2023, nhiệm vụ này sẽ trở nên cấp bách hơn để có thể giải quyết mối lo chung của toàn xã hội.

Tình trạng hàng giả trong nước vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2022. Ảnh minh họa: IT

Tình trạng hàng giả trong nước vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2022. Ảnh minh họa: IT

Năm 2022: Phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 140.000 vụ việc vi phạm

Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 cho thấy, năm qua, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đã trở lại trạng thái bình thường mới. Cùng với đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi trên các tuyến biên giới đất liền, tuyến cảng biển, các vùng biển, tuyến hàng không và bưu chính quốc tế; tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác diễn ra trên hầu hết các địa bàn cả nước.

Đáng chú ý, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, vận chuyển trái phép xăng, dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, hàng đông lạnh… diễn biến phức tạp trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng hóa khác qua đường hàng không và bưu chính quốc tế như Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) có chiều hướng tăng cả về quy mô và số lượng. Các đối tượng lợi dụng hoạt động chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính qua các tuyến hàng không, khai báo hàng hóa gửi từ nước ngoài về Việt Nam dưới dạng quà tặng, quà biếu để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, tiền chất, sản phẩm động vật hoang dã, các mặt hàng có giá trị cao, dễ cất giấu như ngoại tệ, xì gà, điện thoại di động, vật tư y tế, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; cùng với đó, xu hướng mua bán, giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, nhờ nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 140.000 vụ việc vi phạm, tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ gần 12.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 17,75% so với cùng kỳ năm 2021); trên 124.000 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021); gần 3.700 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 12.820 tỷ đồng; khởi tố hình sự 642 vụ và 720 đối tượng.

2023: Mọi biện pháp để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả hơn

Có thể nói, năm 2022 đã có nhiều kết quả tốt của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, song nhiều ý kiến cũng nhận định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn có hạn chế nhất định do cơ sở vật chất; cơ chế xử lý một số vấn đề còn chưa được bổ sung đầy đủ, phù hợp thực tế; kinh phí cho công tác chống buôn lậu, đặc biệt là cho các chuyên án lớn còn hạn hẹp; sự phối hợp liên ngành chưa thật sự chặt chẽ....

Theo đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thời gian tới, cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, từ thời điểm điều tra ban đầu đến khi khởi tố, truy tố. Đồng thời, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần chú trọng các nội dung như vận chuyển ngoại tệ, hợp đồng ngoại thương giả, các doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh bất thường… để kiểm soát, phòng ngừa và phát hiện sai phạm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nước vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tới đây phải hết sức quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời giữa các đơn vị liên ngành, đặc biệt là dữ liệu về thuế - hải quan. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chéo lẫn nhau để không bỏ lọt tội phạm. 

"Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải thành lập một số cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra vào những nội dung, vụ việc theo diện hẹp, có dấu hiệu nhạy cảm, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, để từ đó, nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chức năng."
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo Bộ trưởng, các cơ quan báo chí, truyền thông cần phản ánh kịp thời, chính xác tình hình công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công vụ của các lực lượng chức năng; tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong hoạt động này; vận động nhân dân tăng cường cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm của các đối tượng và không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện đúng những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức, thủ đoạn, phương tiện, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, mặt hàng trọng điểm xảy ra gian lận thương mại và hàng giả, từ đó, kịp thời tham mưu, đề xuất, xử lý phù hợp. 

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm là điều cần thiết. Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu quản lý có thể chia sẻ được giữa các ngành. 

Cũng liên quan tới vấn đề này, các đơn vị phối hợp bao gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã được chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu để kiểm soát hoạt động trong lĩnh vực quản lý, đấu tranh phòng chống buôn lậu, kiểm soát gian lận thương mại, hàng thật, hàng giả bằng ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng bộ công cụ để kiểm soát dữ liệu điện tử để có thể hỗ trợ việc quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, nhằm mang lại những kết quả tốt nhất, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế - xã hội trong thời gian tới. 

Nguồn: Bộ Tài Chính