Tọa đàm về bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo thu hút hàng trăm sinh viên báo chí
Hơn 100 sinh viên báo chí được trao đổi, học hỏi nhiều kinh nghiệm tác nghiệp của các nhà báo lão thành, dày dạn kinh nghiệm tại Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường”.
Tọa đàm có sự tham dự của Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan - Giảng viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các khách mời: nhà báo Trần Sơn Bách - Báo Nhân Dân; nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng - Báo VietNamNet; luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; cùng sự tham gia của hơn 100 sinh viên.
Tại tọa đàm, các nhà báo, luật sư đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến quyền tác nghiệp của nhà báo, qua đó tìm kiếm những giải pháp bảo vệ quyền tự do báo chí, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và chuyên nghiệp cho các nhà báo.
Nhà báo Trần Sơn Bách (báo Nhân Dân) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo: “Báo chí là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ nhà báo. Hành lang này vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo động lực giúp họ cống hiến, phát huy vai trò phản biện xã hội và đóng góp giá trị tích cực cho cộng đồng”.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng, bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết. Hành lang pháp lý đầy đủ cần đi đôi với thực thi nghiêm minh, bởi luật pháp không được áp dụng hiệu quả sẽ khó đạt mục tiêu. Chỉ khi luật pháp và thực thi song hành, quyền lợi nhà báo mới được đảm bảo và nghề báo phát triển bền vững.
Với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phóng viên hiện trường, nhà báo Đoàn Bổng chia sẻ, hiện nay có thể phân chia các đối tượng cản trở thành ba nhóm chính: các tổ chức, cơ quan chức năng và những người dân thiếu hiểu biết hoặc bị tác động bởi lợi ích cá nhân.
“Trong đó, nhà báo thường đối mặt với hai tình huống: né tránh thông tin và trả thù. Né tránh nhằm bảo vệ lợi ích riêng, còn trả thù, dù hiếm, lại gây áp lực nghiêm trọng. Trước né tránh, phóng viên cần linh hoạt tìm kiếm nguồn khác. Đối với trả thù, phải kiên định bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giữ vững lập trường”, nhà báo Đoàn Bổng chia sẻ thêm.
Trong phần tương tác với các sinh viên báo chí, tọa đàm nhận về gần 400 lượt thảo luận với các khách mời thông qua các nền tảng trực tuyến.
Giải đáp thắc mắc về sự hỗ trợ của công chúng dành cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Trần Sơn Bách cho rằng người dân có thể hỗ trợ trong những tình huống cụ thể, nhưng không nên chỉ trông chờ vào sự bảo vệ từ công chúng mà cần tự bảo vệ mình. Cách tốt nhất là mỗi nhà báo cần hiểu luật và làm đúng, làm chuẩn theo luật, đồng thời mỗi nhà báo cần tích cực xây dựng các mối quan hệ cá nhân hỗ trợ bản thân trong quá trình tác nghiệp.
Qua đó, nhà báo Trần Sơn Bách nhắn nhủ các phóng viên, nhà báo trẻ nên tham gia đào tạo chuyên sâu để nắm vững kỹ năng và pháp luật, giúp tự tin và phát triển bản thân trước khi chờ sự hỗ trợ.
"An toàn là ưu tiên hàng đầu khi tác nghiệp. Nhà báo cần hiểu rõ địa phương, kết nối với đồng nghiệp và xây dựng "lớp bảo vệ" từ kỹ năng đến các mối quan hệ là những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn”, nhà báo Đoàn Bổng nêu kinh nghiệm.
Những chia sẻ từ các khách mời cùng sự tương tác nhiệt tình của các sinh viên báo chí, tọa đàm không chỉ giúp sinh viên ngành báo chí, các nhà báo, phóng viên nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm trong nghề, mà còn trang bị cho sinh viên, những người làm báo kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với các thách thức trong thực tiễn công việc, đặc biệt là trong các tình huống nguy hiểm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google