Tình trạng sa thải năm 2024: AI ngày càng được “tín nhiệm"
Theo Layoffs.fyi - một công cụ theo dõi sa thải thống kê có tới 207 công ty công nghệ tại Mỹ đã sa thải hơn 50.000 việc làm trong 3 tháng đầu năm 2024. Tại Amazon, SAP, Sony, Apple, Meta, Microsoft,…vẫn đang tiếp tục diễn ra tình trạng cắt giảm lao động.
Làn sóng sa thải làm chao đảo Thung lũng Silicon
Việc sa thải phản ánh xu hướng rộng lớn hơn trong thị trường việc làm công nghệ, nơi các công ty ngày càng dựa vào AI và tự động hóa để đạt hiệu quả và đổi mới, thường dẫn đến giảm lực lượng lao động.
Cụ thể, từ giữa năm 2023 đến quý I - 2024, tình hình sa thải ở các công ty lớn như Google, apple, Microsoft, Meta,... diễn ra một cách mạnh mẽ.
Mới đây, giám đốc điều hành Arvind Krishna của IBM thông báo: Họ sẽ thay thế 8.000 việc làm bằng AI. Tình hình này tiếp tục gia tăng trong tháng 3, với việc cắt giảm hàng loạt các việc làm tại bộ phận tiếp thị và truyền thông của IBM - nơi những nhân sự từng được đãi ngộ cao giờ rơi vào hoàn cảnh mất việc.
Trên khắp nước Mỹ, con số bị sa thải đã lên đến hơn 84.000 người trong đó Cisco System, cắt giảm 5% lực lượng lao động, cụ thể là 4.000 việc làm. Tại Apple, hơn 2.000 người mất việc làm do công ty này từ bỏ dự án ô tô điện và chuyển sang trọng tâm cải tiến công nghệ.
Tương tự, việc thay thế lao động bằng AI cũng diễn ra ở Grammarly, Instacart, Electronics Art, Twitch...
Trong một thế giới ngày càng trở nên số hoá, tình trạng mất việc ở Thung lũng Silicon đã lan rộng ra ngoài lĩnh vực công nghệ khi gã khổng lồ du lịch Expedia cắt giảm 1.500 việc làm thuộc Bộ phận Sản phẩm và Công nghệ. Duolingo cũng chuyển khối lượng công việc chiếm 10% lực lượng lao động của mình sang cho AI. 1.600 nhân viên Nike bị sa thải. Cùng lúc, 1.500 nhân viên của Spotify đã phải nghỉ việc khi công ty này giới thiệu tính năng Spotify Wrapped AI.
Trong báo cáo thôi việc toàn cầu của Randstad RiseSmart cho thấy một con số khủng khiếp là 96% các công ty, tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm lao động trên quy mô lớn do thách thức kinh tế, sự phát triển của AI và những thay đổi trong chiến lược kinh doanh.
Việc tôn vinh các tính năng tiên tiến do AI điều khiển đồng thời giảm lực lượng lao động con người đặt ra những câu hỏi quan trọng về tác động của AI và tự động hóa đối với công việc. AI cho, AI lấy - từ góc độ việc làm, đó giống như một bản giao hưởng buồn vui lẫn lộn.
Từ nghịch cảnh này, có một thế hệ lao động mang tên “GenAI" (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) ra đời. Nhiều người đã bắt đầu hỏi: “Nghề nào có tiềm năng phát triển và nghề nào có nguy cơ mất việc?”. Nhưng khi AI trưởng thành, cơ hội để AI trở thành cộng tác của con người sẽ triển vọng hơn cơ hội con người bị thay thế hoàn toàn. Bởi thế, nâng cao kỹ năng về AI sẽ là một câu trả lời hợp lý.
Vai trò của AI trong định hình nghề nghiệp tương lai
Có thể nói sự phức tạp và mâu thuẫn trong bối cảnh mất việc vì AI đang là thách thức toàn cầu - đối với lãnh đạo doanh nghiệp, người tìm việc hay người quan sát. Trách nhiệm của mỗi người là phải thích ứng, đổi mới và điều chỉnh sự thay đổi một cách có đạo đức - dù ở vị trí nào.
Trong khi những thách thức vẫn còn rất lớn, từ những đợt sa thải bất ngờ bị ảnh hưởng bởi các biến số kinh tế cho đến nỗ lực không ngừng để đạt được hiệu quả, bất kỳ ngành nào cũng có những tiềm năng chưa được khai thác.
Năm 2024 là năm đánh dấu sự thay đổi công nghệ chưa từng có, rốt cuộc, yếu tố con người vẫn là yếu tố then chốt thúc đẩy sự đổi mới và định hình lên tác động của AI. Đối với những người tìm việc, hãy chú ý đến tầm quan trọng của việc theo kịp tốc độ tăng trưởng việc làm của GenAI và nắm bắt đúng các lĩnh vực đang dẫn đầu.
Hãy luôn cập nhật thông tin về cách GenAI đang chuyển đổi các ngành công nghiệp để đưa ra các quyết định nghề nghiệp sáng suốt trong thị trường việc làm chịu ảnh hưởng của AI. Việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, cùng với việc tận dụng các công cụ AI, là điều cần thiết để nâng cao khả năng của bạn và hãy coi AI là cộng sự trong công việc thay vì bị nó thay thế.
Báo cáo Tương lai Việc làm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ước tính rằng 44% bộ kỹ năng của người lao động sẽ trở nên lỗi thời trong 5 năm tới. Báo cáo cũng nhấn mạnh các kỹ năng nhận thức như tư duy sáng tạo, tư duy phân tích, hiểu biết về công nghệ và các thuộc tính cảm xúc xã hội như tính tò mò, khả năng phục hồi và học tập suốt đời.
"Stay hungry. Stay foolish" là bản tiếng Anh của câu nói "Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ" của vị cựu Chủ tịch Apple Steve Jobs, một lần nữa nhắc nhớ chúng ta về sự thay đổi của thời điểm máy tính ra đời. Có thể nói, bối cảnh bây giờ, khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, cũng là lúc mà mỗi chúng ta phải nỗ lực học tập và không ngừng tiến về phía trước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google